Xem nhanh: Ngày 306 chiến dịch, Nga lại lên giọng cứng rắn, dự báo gì cho năm 2023?

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
27/12/2022 22:42 GMT+7

Theo bản tin cập nhật tình hình chiến sự Ukraine của Bộ Quốc phòng Anh, giao tranh vẫn tập trung xung quanh khu vực Bakhmut của vùng Donetsk và gần Svatove ở Luhansk trong 48 giờ qua.

Báo cáo cho biết Nga tiếp tục thường xuyên triển khai các cuộc tấn công quy mô nhỏ ở những khu vực này. Tuy nhiên hôm 25.12, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ nhận định những bước tiến của Nga gần Bakhmut có thể đã chậm lại trong những ngày gần đây, mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định nỗ lực của Nga nhằm giành kiểm soát thành phố này có đạt được kết quả hay không.

Dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình giao tranh ở các khu vực phía đông Bakhmut, Kreminna và các khu vực khác ở Donbass đang rất "khó khăn và đau đớn" đối với quân đội Ukraine.

Ông cho biết phía Nga đang sử dụng tất cả các nguồn lực có sẵn để vắt kiệt sức của các binh sĩ Ukraine.

Đây không phải lần đầu tiên ông Zelensky thừa nhận tình hình khó khăn ở mặt trận miền Đông. Hồi tháng 10, ông cho biết, lực lượng Ukraine đang nỗ lực giữ phòng tuyến Donbass, đặc biệt tại hướng Bakhmut, "nơi tình hình hiện tại rất khó khăn và giao tranh rất ác liệt".

Thống đốc khu vực Donetsk Pavlo Kyrylenko hôm 26.12 cho biết hơn 60% cơ sở hạ tầng ở thành phố Bakhmut đã bị phá hủy nghiêm trọng.

Giới chức Ukraine cho rằng những diễn biến hiện nay trên chiến trường cho thấy Nga không có ý định đàm phán hòa bình. Đây là lời đáp từ phía Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước này luôn sẵn sàng đàm phán giải quyết xung đột nhưng Kyiv và phương Tây không mặn mà. Một ngày sau tuyên bố của ông Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại có một phát ngôn cứng rắn gần như là một tối hậu thư cho Ukraine

Sau đề xuất của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba về việc tổ chức thượng đỉnh hòa bình với sự trung gian của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một phản ứng rất thận trọng. Phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Florencia Soto Nino-Martinez hôm 26.12 cho hay: “Như tổng thư ký đã nói nhiều lần trước đây, ông ấy chỉ có thể hòa giải nếu tất cả các bên muốn ông ấy làm như thế”.

Nga và Belarus đang có những hoạt động quân sự chung trên lãnh thổ Belarus giáp với biên giới phía Bắc của Ukraine. Động thái này làm rộ lên nhiều đồn đoán về nguy cơ Nga sẽ kết hợp với Belarus mở hướng tấn công mới.

Tuy nhiên, lãnh đạo lực lượng tình báo Ukraine cho rằng quân đội Nga đang sử dụng chiến thuật "tung hỏa mù" nhằm phân tán sự chú ý của quân đội Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times, Giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov nói chưa ghi nhận bằng chứng về một sự đe dọa trực tiếp từ biên giới Belarus.

Ông Budanov cho rằng Nga đang sử dụng chiến thuật "đánh lạc hướng" với các hoạt động chuyển quân và huấn luyện chiến đấu tại Belarus nhằm buộc Ukraine phải chuyển quân từ những vùng xung đột quan trọng khác để bảo vệ biên giới phía Bắc.

Chiến thuật "tung hỏa mù" của quân đội Nga còn được thể hiện qua việc Moscow thường xuyên điều động binh sĩ và trang thiết bị quân sự lên những toa tàu di chuyển đến khu vực gần biên giới giữa Belarus và Ukraine. Số binh sĩ và khí tài này sau đó không được đưa xuống tàu mà được đưa về ga xuất phát. Ông Budanov khẳng định đây là một động thái gây sức ép lên biên giới Ukraine.

Khả năng Nga kết hợp với Belarus mở mặt trận mới ở miền bắc Ukraine cũng được nhắc đến trong một tài liệu vừa được một báo Thụy Sĩ công bố. Tờ báo này cho biết đây là dự báo nội bộ do giới chuyên gia và tình báo Bộ Quốc phòng Đức thực hiện.

Lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Krylo Budanov hôm 26.12 cũng tỏ ra tự tin nước này sẽ giành lại bán đảo Crimea bằng biện pháp quân sự kết hợp ngoại giao.

Ông nhấn mạnh “nếu không có vũ lực thì sẽ không làm được gì. Các lực lượng của Ukraine sẽ đem theo vũ khí tới đó".

Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 nhưng Kyiv và phương Tây luôn xem động thái này là bất hợp pháp.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng các nước phương Tây đang hậu thuẫn Kyiv có thể không ủng hộ nỗ lực giành lại Crimea, ông Budanov nói mình "không quan tâm tới ý kiến của những người không phản ánh quan điểm của người dân Ukraine".

Nhưng dù có nói là “không quan tâm đến ý kiến” thì Kyiv cũng đang lệ thuộc rất nhiều vào phương Tây về trang bị, vũ khí đạn dược dùng trong cuộc xung đột. Và dù Mỹ vẫn là nhà tài trợ quân sự lớn nhất, thì số phận của quân đội Ukraine cũng một phần dựa lớn vào sự hỗ trợ của các nước châu Âu. Báo The Wall Street Journal hôm 23.12 nhận định rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine giờ đây đang trở thành cuộc chạy đua tái bổ sung vũ khí giữa Moscow và các thành viên châu Âu của NATO.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 11, và đã khiến Nga hứng chịu loạt biện pháp cấm vận khắc nghiệt chưa từng có từ phương Tây, ảnh hưởng đến đời sống người dân và kinh tế Nga. Vậy người dân Nga hiện có suy nghĩ ra sao với giới lãnh đạo và các chính sách?

Thật bất ngờ, kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Toàn Nga cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin năm nay là 78%, tăng 14% so với năm 2021. Cuộc khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.600 người trưởng thành Nga sống ở 80 vùng của nước Nga.

Cuộc khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.600 người trưởng thành Nga sống ở 80 vùng của nước Nga.Ông Valery Fyodorov, tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Toàn Nga, hôm 26.12 cho biết "Tháng 11 năm ngoái, 64% người được hỏi cho biết họ tin tưởng Tổng thống Vladimir Putin, nhưng kết quả khảo sát tháng 11 năm nay tăng lên 78%".

Ông Fyodorov cũng cho biết trong khảo sát năm ngoái, 31% số người được hỏi không tin tưởng Tổng thống Putin, nhưng tỷ lệ này giảm còn 17% trong năm nay.Tỷ lệ ủng hộ năng lực lãnh đạo của ông Putin năm ngoái là 60%, trong khi năm nay 75% số người Nga được hỏi ủng hộ hiệu suất làm việc của ông trên cương vị tổng thống.

Ông Fyodorov đưa ra cách giải thích là do truyền thông Nga đã tăng cường ca ngợi lòng yêu nước, trong khi nhiều người chỉ trích ông Putin ra nước ngoài, theo Fyodorov. Hầu hết người Nga cũng được cho là đã thích nghi với "diễn biến mới" của đất nước, liên quan đến chiến sự ở Ukraine.Thế nhưng, từ góc nhìn bên ngoài, tình hình khó khăn kinh tế và áp lực cô lập đối với nước Nga sẽ còn tăng thêm trong năm 2023.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 27.12 nói với hãng tin TASS rằng Mỹ và NATO đang tìm cách hỗ trợ Ukraine để kéo dài cuộc xung đột nhằm gây khó khăn cho Nga.

Theo ông Lavrov, Lầu Năm Góc đã công khai lên kế hoạch đặt hàng cho ngành quốc phòng Mỹ trong nhiều năm tới, đồng thời liên tục nâng mức viện trợ quân sự cho Ukraine và yêu cầu các thành viên phương Tây khác cũng thực hiện điều tương tự.

Ông cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đang tìm cách làm suy yếu, thậm chí phá hủy nước Nga. Ông cũng cho rằng Washington là bên hưởng lợi qua việc tận dụng cuộc xung đột cả về kinh tế và chiến lược.

Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc phương Tây không ngừng thổi phồng "những suy đoán vô trách nhiệm rằng Nga đang trên bờ vực sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine". Ông cho biết Nga "vô cùng lo ngại trước những luận điệu tuyên truyền ở Mỹ và phương Tây liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.