Tư vấn hay 'dập vùi' học sinh?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/04/2023 06:11 GMT+7

Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang nhắc đi nhắc lại rằng GV chỉ được nhà trường giao nhiệm vụ phải tư vấn cho các con nên đăng ký trường nào phù hợp, chứ tuyệt đối không được ép học sinh từ bỏ ý định dự thi.

Anh D., phụ huynh lên tiếng giáo viên tại Trường THCS Kim Giang (Hà Nội) "ép" các con học chưa tốt không thi vào lớp 10, đã nói với phóng viên: "Tôi luôn nhắc nhở con mình phải cố gắng, khi gặp khó khăn thì dù còn một tia hy vọng cũng phải bám lấy để vượt qua. Vậy mà giáo viên của con lại nói với cháu rằng, lực học kém thế đừng đi thi làm gì. Một đứa trẻ mới 14 - 15 tuổi, tất cả còn ở phía trước, đáng được động viên, khích lệ thay vì học chưa tốt mà đáng phải chịu dập vùi như vậy?".

Không chỉ anh D., cả nhóm phụ huynh tìm đến báo chí để giúp lên tiếng bảo vệ con em họ cũng đều cho rằng, trước những ngưỡng cửa quan trọng, họ rất cần giáo viên (GV) tư vấn cho các con chọn trường phù hợp. Bởi là người trực tiếp dạy các con, các cô hiểu tường tận về lực học của từng trò, các cô lại có kỹ năng sư phạm, được đào tạo về tâm lý học. Vậy mà trải qua những buổi "tư vấn" của cô, các con về, đứa thì bỏ ăn, đứa thì khóc suốt khiến các ông bố, bà mẹ lo đến mất ngủ, sợ lứa tuổi này các con vì áp lực tâm lý mà làm điều dại dột.

Trả lời báo chí, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang nhắc đi nhắc lại rằng GV chỉ được nhà trường giao nhiệm vụ phải tư vấn cho các con nên đăng ký trường nào phù hợp, chứ tuyệt đối không được ép học sinh (HS) từ bỏ ý định dự thi. Quyền lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về HS và gia đình. Thậm chí, vị hiệu trưởng này còn nói rằng, bà yêu cầu thời điểm này mỗi GV chủ nhiệm lớp 9 phải là một "bác sĩ tâm lý" của các con.

Tuy nhiên, chính vị hiệu trưởng cũng không thể giải thích được vì sao GV của mình sau khi tư vấn cho cả HS và phụ huynh lại khiến ai cũng bức xúc, cảm giác mình đang bị "đe dọa" như vậy. "Có thể GV không phải ai cũng khéo léo và đủ kỹ năng tư vấn nên khiến phụ huynh hiểu sai… Chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng này cho các thầy cô", bà hiệu trưởng nói.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khi được đề nghị trả lời về hiện tượng này cũng cho rằng: "Ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc HS không tham gia kỳ thi rất mong manh, nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh HS hiểu lầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc".

Đành rằng trong một số trường hợp, có thể là "ranh giới mong manh", có thể là "hiểu lầm", nhưng nếu nhà giáo làm bất cứ điều gì cũng vì lương tâm, trách nhiệm, học trò và cha mẹ các em sẽ cảm nhận được. Chắc chắn không có việc "hiểu lầm" đến mức không thể tìm được tiếng nói chung từ cuộc họp với GV khiến phụ huynh phải "cầu cứu" ở bên ngoài nhà trường.

Các nhà giáo cần hiểu rằng giữa tình thương, trách nhiệm với sự vô cảm, chỉ cốt đạt được mục đích của mình là cả một hố sâu ngăn cách, chứ không thể là "ranh giới mong manh" để dựa vào đó đưa ra những định hướng mang tính chất ép buộc gây bức xúc cho phụ huynh, HS và đôi khi ảnh hưởng đến cả cuộc đời của HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.