Chuyện cái biển hiệu

26/04/2023 04:15 GMT+7

Bạn có thể mắc lỗi chính tả, lỗi từ ngữ khi dùng tiếng Anh, đó là điều có thể thông cảm được. Nhưng lỗi chính tả hiển thị trên biển hiệu, biển chỉ dẫn đường phơi ra trước bàn dân thiên hạ thì lại là chuyện khác.

Là chuyện thể diện văn hóa của cơ quan, của địa phương, thậm chí là của quốc gia. Ai đời có mấy cái chữ trên biển hiệu mà cũng để sai đến xấu mặt.

Du khách đi qua đi lại sao tránh khỏi chuyện đánh giá về vùng đất, về con người, về trình độ quản lý. Rằng tại sao những lỗi sờ sờ như thế lại có cơ hội leo lên biển hiệu "mặt tiền" của cơ quan, của địa phương?

Nữa là chuyện trách nhiệm. Giải thích lý do thì chẳng phải là khó. Mười phần thì hết chín phần là cẩu thả. Trực tiếp có thể lỗi cẩu thả của người thợ sơn, thợ làm biển hiệu. Có thể họ không đủ vốn liếng tiếng Anh để phát hiện lỗi của bản gốc yêu cầu, hoặc có thể bản gốc yêu cầu không sai, nhưng thợ thi công lại viết sai, vẽ sai. Nhưng chẳng thể vì thế mà đổ hết tội lên đầu mấy anh thợ sơn, thợ vẽ.

Phải hỏi người có trách nhiệm thiết kế nội dung, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Sai chữ sai nghĩa trong cả rừng ký tự của một văn bản dài thì còn có thể thông cảm, chứ có vài con chữ trên biển báo, biển hiệu mà cũng sai thì không thể chấp nhận được.

Cũng có khi lỗi không phải từ chuyện cẩu thả, mà từ chuyện trình độ. Nhiều khi cứ dịch "một đổi một" từ ngữ tiếng Việt ra từ ngữ tiếng Anh, mà không hề biết trong tiếng Anh người ta không dùng từ ngữ như thế. Thế là tình hình càng tệ hơn, lỗi không hề được biết cho đến khi có người đủ trình độ chỉ ra. Thậm chí là rất lâu mới có người chỉ ra, và người chỉ ra không có cơ hội để gửi góp ý của mình trực tiếp nên đành lên mạng góp ý. Thế là thiên hạ lại chê cười đến ê chề.

Thôi thì để tránh những chuyện bẽ mặt như thế, tốt nhất là nên huy động những dự án cộng đồng nho nhỏ để hỗ trợ giải quyết vấn đề. Có thể là dự án cộng đồng của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở các trường đại học. Kiểu như cách làm dựa vào tri thức địa phương mà Google Maps vẫn làm. Họ ở tận đâu đâu trên đám mây internet mà vẫn có thông tin mô tả tin cậy về các địa điểm của một vùng đất cụ thể, nhờ vào cách hợp tác với các cộng tác viên địa phương.

Chỉ cần tạo ra một kênh phản ánh thuận tiện, kết hợp với sự hỗ trợ rà soát của nguồn lực trí thức trẻ của các trường đại học, loại vấn đề như sai lỗi chính tả, từ ngữ tiếng Anh của một cơ quan, một địa phương sẽ được hỗ trợ giải quyết thấu đáo.

Phong trào tình nguyện của các bạn trẻ cũng nên chọn công việc này để triển khai thành một dự án cộng đồng rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn thể diện văn hóa của quê hương mình.

Có những chuyện nếu ta thật sự quan tâm, thì ý nghĩa của nó đối với sự phát triển của quê hương lớn hơn rất nhiều so với chúng ta hình dung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.