Bản tin Covid-19 ngày 11.12: Cả nước 16.141 ca | TP.HCM, Hà Nội còn nhiều “vùng cam”

11/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 11.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 11.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.141 ca Covid-19, 1.084 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 11.12 cho biết tính từ 16h ngày 10.12 đến 16h ngày 11.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới, 1.084 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 209 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 27.611 ca.

Ngày 11.12: Cả nước 16.141 ca Covid-19, 1.084 ca khỏi | TP.HCM 1.441 ca

Thông tin về 16.141 ca nhiễm mới như sau::

  • 37 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 16.104 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.285 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.478 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.441), Bình Phước (1.164), Tây Ninh (903), Khánh Hòa (794), Bến Tre (756), Đồng Tháp (750), Cà Mau (722), Cần Thơ (689), Sóc Trăng (617), Vĩnh Long (576), Hà Nội (548), Tiền Giang (545), Bạc Liêu (505), Bà Rịa - Vũng Tàu (498), Trà Vinh (456), Bình Dương (418), Kiên Giang (409), Đồng Nai (390), An Giang (368), Hậu Giang (347), Bình Thuận (317), Bình Định (286), Thừa Thiên-Huế (240), Bắc Ninh (213), Hải Phòng (212), Lâm Đồng (198), Đà Nẵng (186), Gia Lai (177), Thanh Hóa (148), Quảng Nam (139), Ninh Thuận (123), Hưng Yên (110), Nghệ An (92), Hà Giang (81), Đắk Nông (79), Long An (71), Quảng Ninh (69), Vĩnh Phúc (62), Phú Yên (45), Thái Bình (45), Thái Nguyên (40), Hải Dương (34), Quảng Ngãi (34), Quảng Bình (30), Phú Thọ (27), Nam Định (25), Hòa Bình (18), Kon Tum (15), Hà Nam (14), Lào Cai (14), Sơn La (13), Cao Bằng (11), Yên Bái (10), Bắc Giang (10), Hà Tĩnh (7), Điện Biên (6), Tuyên Quang (4), Quảng Trị (2), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-277), Cà Mau (-100), Hà Nội (-89).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+585), TP.HCM (+215), Khánh Hòa (+207).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong07 ngày qua: 14.789 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.183 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034 ca, trong đó có 1.050.608 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (486.043), Bình Dương (286.877), Đồng Nai (91.880), Long An (39.165), Tây Ninh (37.776).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.084 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.053.425 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.558 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.059 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.319 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 270 ca
  • Thở máy xâm lấn: 893 ca
  • ECMO: 17 ca

Từ 17h30 ngày 10.12 đến 17h30 ngày 11.12 ghi nhận 209 ca tử vong, gồm:

Tại TP.HCM (67) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Phước (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Trà Vinh (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (17), An Giang (13), Bình Dương (13), Cần Thơ (13), Tây Ninh (12), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (10), Long An (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Thuận (7), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Bình Định (2), Bến Tre (2), Khánh Hoà (2), Nghệ An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 221 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.611 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 288.246 xét nghiệm cho 460.141 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.736.155 mẫu cho 71.152.452 lượt người.

Trong ngày 10.12 có 720.109 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 131.816.392 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.713.350 liều, tiêm mũi 2 là 57.103.042 liều.

TP.HCM vẫn còn 1 quận và 21 xã phường "vùng cam"

Ngày 11.12, UBND TP.HCM thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó mức độ nguy cơ cấp thành phố vẫn giữ nguyên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng) như tuần trước.

TP.HCM vẫn còn 1 quận và 21 xã phường "vùng cam" Covid-19

Đối với cấp huyện, có 8 địa phương nguy cơ Covid-19 ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - màu xanh) gồm: Q.6, Q.7, Q.8, H.Bình Chánh, H.Củ Chi, H.Hóc Môn, Q.Tân Bình và Q.Tân Phú.

Có 13 địa phương cấp độ 2 gồm: Q.1, Q.3, Q.5, Q.10, Q.11, Q.12, Q.Bình Tân, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp, Q.Phú Nhuận, H.Cần Giờ, H.Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

TP.HCM có một địa phương cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam) là Q.4. Như vậy, so với tuần trước, cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Q.4 vẫn giữ nguyên ở mức nguy cơ cao.

Ở cấp xã, có 115 địa phương cấp độ 1, 176 địa phương cấp độ 2 và 21 địa phương cấp độ 3.

UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần lễ từ 3 - 9.12, tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần của thành phố là 107 ca, nằm trong ngưỡng 50 - 150 ca nhiễm, tương ứng với mức độ 3.

Về tiêm vắc xin Covid-19, tính đến hết ngày 9.12, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi là 100%, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 98,8%.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Nội có 1 quận và 13 xã phường chuyển màu thành "vùng cam"

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch tính từ 11.12. Đáng chú ý, Q.Đống Đa và 13 xã, phường khác đã phải chuyển cấp độ dịch nguy cơ cao (cấp độ 3 - màu cam).

Hà Nội có 1 quận và 13 xã phường chuyển màu thành "vùng cam" Covid-19

Theo báo cáo của Hà Nội, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên toàn thành phố được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 là 94,3% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%). Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 là 83,9% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%). Trong 2 tuần trở lại đây, thành phố ghi nhận 7.412 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Theo bảng đánh giá, Hà Nội vẫn thuộc cấp độ 2 - nguy cơ thấp. Song, so với tuần trước đó, số quận, huyện và xã, phường thuộc cấp độ 1 đã giảm rất nhiều, chỉ còn 8 quận, huyện, thị xã tương ứng 439 xã, phường thuộc cấp độ 1. Ngoài ra, có 21 quận, huyện thuộc cấp độ 2, tương ứng với 127 xã, phường.

Đống Đa là quận duy nhất của Hà Nội đổi sang màu cam, cấp độ 3 do ghi nhận tới 1.336 ca cộng đồng trong 14 ngày gần đây. Tính trung bình số ca mắc/100.000 dân/1 tuần tại Q.Đống Đa là 177 ca.

Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, có 13 xã, phường ghi nhận nhiều ca cộng đồng được nâng lên cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao). Cụ thể Q.Đống Đa có 7 phường, gồm: Khâm Thiên với 82 ca, Trung Phụng 103 ca, Quốc Tử Giám 45 ca, Văn Miếu 47 ca, Phương Liên 73 ca, Khương Thượng 61 ca và Thổ Quan 60 ca. Q.Hoàn Kiếm có 1 phường ở cấp độ 3 là Hàng Gai với 45 ca mắc. Q.Ba Đình có 1 phường là Đội Cấn với 48 ca. Q.Tây Hồ có 1 phường là Quảng An với 31 ca. H.Gia Lâm có 2 xã là Văn Miếu với 47 ca và Yên Thường với 57 ca. H.Đông Anh có 1 xã là Vân Nội với 46 ca.

Tính theo tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần thì Khâm Thiên là phường đứng đầu với 429 ca, xếp sau là Hàng Gai với 389 ca và Trung Phụng với 309 ca.

Mở lại đường bay thương mại quốc tế từ 1.1.2022

Ngày 10.12.2021, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp trước đó về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Mở lại đường bay thương mại quốc tế từ 1.1.2022

Phó thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1.1.2022. Phó thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.

Các bộ: Y tế, Công an, Thông tin - Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các bộ Ngoại giao và GTVT, các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, đồng thời bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng chống dịch.

Bộ GTVT cũng được giao chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chức thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ theo kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời tổng kết đánh giá và kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 10.12, Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam.

Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15.12, kéo dài 2 tuần cho các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ). Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên với dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần. Chỉ áp dụng cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 2 kéo dài 1 tháng sau khi kết thúc giai đoạn 1, sẽ mở rộng thêm các đường bay đi, đến Kuala Lumpur (Malaysia), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga) và Hồng Kông. Ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận có thêm Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Buýt sông Sài Gòn ngày đầu hoạt động về đêm

Buýt sông chính thức hoạt động đêm từ ngày 10.12, rất đông người dân đã đến trải nghiệm, nhiều thời điểm quá tải ở bến Bạch Đằng, khách phải chờ chuyến sau.

Buýt sông Sài Gòn ngày đầu hoạt động về đêm: Ngắm thành phố lung linh, mát lạnh

Sau một thập niên kể từ khi những hồi còi hụ từ những chiếc phà Thủ Thiêm cuối cùng ngưng lại trong đêm 31.12.2011, du khách và người dân Sài Gòn lại có thể tìm lại thói quen thư giãn, ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố từ giữa sông về đêm bằng phương tiện công cộng.

Đây là một nỗ lực của Saigon Waterbus trong hành trình khai phá tiềm năng của dòng sông Sài Gòn, thông qua việc thiết kế, mở rộng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa kết hợp di chuyển bằng đường thủy.

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, người dân càng có xu hướng quan tâm đến các hoạt động ngoài trời. Việc buýt đường sông tăng cường thêm các chuyến tối nối giữa bến Bạch Đằng, Quận 1 và bến Bình An, TP. Thủ Đức là trải nghiệm hứa hẹn nhiều bất ngờ và thú vị với người dân thành phố.

Ở giai đoạn 2 của quá trình phục hồi du lịch, sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế trở lại, dự án còn cho thấy tiềm năng khuyến khích phát triển du lịch nội đô trong tương lai gần.

Tuyến buýt sông về đêm khởi hành ở bến Bạch Đằng (quận 1) có lộ trình đi qua bến Bình An (TP Thủ Đức) và ngược lại, giá vé chỉ 15.000 đồng/lượt. Tuyến buýt này hoạt động từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Các tuyến buýt sông sẽ khởi hành vào các khung giờ: 17 giờ, 18 giờ, 19 giờ và 20 giờ. Riêng thứ bảy và chủ nhật sẽ chạy thêm chuyến 21 giờ để phục vụ du khách.

Biến thể Omicron đẩy số ca Covid-19 ở Nam Phi tăng 255%

Ngày 9.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong 7 ngày qua, Nam Phi có số ca nhiễm Covid-19 tăng gần 255%.

Biến thể Omicron đẩy số ca Covid-19 ở Nam Phi tăng 255%

Nam Phi đang chìm trong làn sóng Covid-19 thứ 4 do biến thể Omicron gây ra.

Tại Johannesburg, y tá Zodwa Kutu cho biết tốc độ lây lan của biến thể Omicron rất đáng lo ngại: “Đáng lo hơn nữa là mọi người thì chẳng quan tâm đến việc đi tiêm ngừa Covid-19. Nếu nó lan nhanh hơn nữa thì trở thành vấn đề đấy”.

Tại cuộc họp ngày 9.12, Tiến sĩ Thierno Balde, giám đốc khu vực Covid-19 của WHO, cho biết số ca nhập viện tại các bệnh viện công và tư đều trên đà tăng:

“Trong vòng 24 giờ qua, con số tăng là gần 12%. Đó là con số của hôm qua, nên chắc chắn là chúng tôi có nhiều ca nhiễm hơn và cũng có nhiều người nhập viện hơn”.

Nhưng tình hình vẫn còn có thể cứu vãn. Ông Blade cho biết bệnh nhân Covid-19 chỉ chiếm 6% số giường bệnh chăm sóc tích cực ở Nam Phi. Như vậy, biến thể Omicron có thể ít dẫn đến ca bệnh nặng hơn. Thông tin này cũng được dữ liệu ban đầu từ Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Tshwane xác nhận.

Theo dữ liệu từ bệnh viện, chưa đầy ⅓ bệnh nhân Covid-19 nhập viện có triệu chứng nặng. Trong giai đoạn đầu của 2 làn sóng Covid-19 trước đó, con số này là ⅔.

Ngoài ra, biến thể Omicron hiện đã có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 quốc gia ở châu Phi. Và số ca nhiễm biến thể Omicron tại châu lục này chiếm 46% trong số khoảng 1.000 ca nhiễm toàn cầu.

Omicron có thể lây gấp 4 lần Delta nhưng bệnh nhẹ, nên tiêm nhắc vắc xin Covid-19

Một nghiên cứu mới đã xác nhận rằng biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm trong giai đoạn đầu cao gấp 4,2 lần so với biến thể Delta. Bên cạnh đó, khả năng vượt qua miễn dịch có được tự nhiên hoặc qua việc tiêm vắc xin của biến thể này cũng cao hơn.

Omicron có thể lây gấp 4 lần Delta nhưng bệnh nhẹ, nên tiêm nhắc vắc xin Covid-19

Ông Hiroshi Nishiura, giáo sư khoa học sức khỏe và môi trường tại Đại học Kyoto, đã phân tích dữ liệu dịch bệnh ở tỉnh Gauteng của Nam Phi tính đến ngày 26.11. Mô hình của nhà khoa học này chỉ ra rằng trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát do biến thể Omicron gây ra, số người trung bình bị nhiễm từ một người mang mầm bệnh đã vượt qua số liệu của biến thể Delta 4,2 lần.

Số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi tương đối thấp trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, nước này đã ghi nhận gần 20.000 ca bệnh mỗi ngày sau khi biến thể Omicron xuất hiện. Dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận biến thể này không gây bệnh nặng hơn do phần lớn ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình.

Trả lời Thanh Niên, ông Fareed Abdullah, một thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, nói rằng điều bất thường so với các đợt bùng phát trước đây là hiện nay đa số bệnh nhân điều trị Covid-19 không phải dùng máy thở mà có thể thở bình thường bằng không khí trong phòng. Ông nói: “Chúng tôi chưa không thấy điều này trong các làn sóng lây nhiễm trước đây với biến thể Beta, Delta”.

Theo Daily Mail, các dữ liệu thực tế khác từ Na Uy và Anh cũng cho thấy chủng Omicron có thể ít gây chết người hơn so với các chủng khác. Giáo sư Francois Balloux, một nhà di truyền học tại Đại học College London (Anh), nói số liệu này cho thấy có thể biến thể Omicron độc lực thấp hơn so với lo ngại.

Dù các triệu chứng của biến thể Omicron không quá nghiêm trọng, WHO vẫn khuyên những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đã được tiêm vắc xin Covid-19 bất hoạt nên được tiêm liều nhắc lại để phòng tránh nguy cơ mắc Covid-19 cũng như ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn.

WHO nhấn mạnh tổ chức này “tiếp tục ủng hộ phân phối vắc xin công bằng và chỉ sử dụng liều tăng cường” ở những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người đã tiêm vắc xin bất hoạt. Với việc những nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp một cách đáng lo ngại trước sự lây lan của Omicron, WHO trong những tháng gần đây đã kêu gọi các nước ưu tiên tiêm các mũi ban đầu thay vì tiêm liều tăng cường.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 11.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.