Nói và làm

24/11/2012 05:00 GMT+7

Với khoảng 20 phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp (nhiều hơn bất cứ một kỳ họp nào từ trước tới nay), kỳ họp Quốc hội (QH) bế mạc sáng qua được đánh giá cao về mức độ tương tác với cử tri, góp phần giải tỏa nhiều băn khoăn cho người dân trước những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí.

Mặc dù cũng diễn ra đúng tuần tự và hoàn thành nghị trình đã định sẵn, nhưng đây cũng là kỳ họp với nhiều cảm xúc. Đó là thái độ nhận lỗi và nêu hướng khắc phục thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ về những sai sót, yếu kém trong điều hành. Đó là những phát biểu đầy nhiệt huyết của các đại biểu QH tìm giải pháp phòng, chống tham nhũng, giải quyết tình trạng khiếu kiện đất đai gia tăng; là những đòi hỏi áp đặt chế độ trách nhiệm chính trị trong những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ.

Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhất là trong các phiên chất vấn là tiền đề rất cần thiết để bảo đảm chế độ trách nhiệm cũng như cải tiến việc quản lý, điều hành. Các vấn đề của đất nước qua đó cũng được nhìn nhận rõ nét hơn. Mong rằng, vấn đề giá thuốc, chất lượng khám chữa bệnh, thị trường vàng, tiền tệ, thị trường bất động sản, chất lượng xây dựng cơ bản sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm xứng đáng. Ít nhất là nguy cơ rủi ro với các quan chức có liên quan sẽ cao hơn khi mà kỳ họp tới, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vừa được thông qua sẽ có hiệu lực.

Nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều khó khăn, niềm tin của người dân có phần giảm sút, liệu rằng có thể giải quyết được sau những tuyên bố mạnh mẽ, bằng ý chí của Chính phủ? Nhiều cử tri đặt câu hỏi này, khi mà trong những giải pháp, cách đặt vấn đề của một số bộ, ngành vẫn còn nặng theo nếp cũ. Cách đặt các con số mục tiêu vẫn nặng về hình thức, trong khi để khắc phục những sai sót trong điều hành cần phải thay đổi tư duy khi giám sát việc tiêu tiền thuế của dân. Tình trạng buông lỏng quản lý, chủ quan, duy ý chí thời gian qua cần phải được xử lý bởi bàn tay sắt, xác định trách nhiệm người đứng đầu và áp đặt chế tài trách nhiệm.

Nói thì dễ, làm mới khó. Gần 500 đại biểu QH, trong đó phần đa là người đứng đầu các cơ quan hành pháp, các cơ quan hành chính từ T.Ư đến địa phương. Làm thế nào để biến ý chí của QH thành những giải pháp hiệu quả trên thực tế đòi hỏi hành động cụ thể của chính các vị đại biểu. Có dám đối đầu lợi ích nhóm để làm lành mạnh thị trường tín dụng, để xử lý nghiêm những tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực “nóng”? Có dũng cảm tuyên bố từ chức khi không thực hiện được Nghị quyết QH, khi phạm sai lầm, khuyết điểm và chỉ được tín nhiệm mức thấp? Suy cho cùng, uy tín của một nền hành chính chỉ có được khi trách nhiệm chính trị được xác lập và lời nói đi đôi với việc làm.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.