Xì căng đan SEA Games - Kỳ 6: Ăn xong là... đau bụng

27/11/2013 03:25 GMT+7

Đến tận bây giờ, các thành viên đoàn thể thao VN chưa hết ám ảnh với 'những cơn đau bụng không ngớt' vì ngộ độc thực phẩm tại Palembang (Indonesia).

Đến tận bây giờ, các thành viên đoàn thể thao VN chưa hết ám ảnh với 'những cơn đau bụng không ngớt' vì ngộ độc thực phẩm tại Palembang (Indonesia).

Thức ăn ở nhà ăn Palembang tuy ngon nhưng ăn xong nhiều VĐV vẫn sợ - Ảnh: Khả Hòa
Thức ăn ở nhà ăn Palembang tuy ngon nhưng ăn xong nhiều VĐV vẫn sợ - Ảnh: Khả Hòa 

6 cô gái chân dài bị 'Tào Tháo' rượt

Khuya 11.11.2011, đúng vào ngày khai mạc SEA Games 26, các quan chức Liên đoàn Bóng chuyền nhận hung tin từ ban huấn luyện cho biết 6 thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ VN đang trú ngụ tại khách sạn Jayakarta bất ngờ bị ngộ độc thực phẩm. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt kể lại hôm đó các nữ tuyển thủ ăn tối tại khách sạn với thực đơn gồm súp tôm, cơm gà, trái cây tráng miệng. Chẳng bao lâu sau khi ăn, các tay đập chủ lực như Ngọc Hoa, Hà Thị Hoa, Phạm Thị Yến, Bùi Thị Huệ, Đào Thị Huyền, Kim Liên đồng loạt “kêu cứu” lên ban huấn luyện vì bị đau bụng, đi tiêu nhiều lần không hết. Các bác sĩ nhanh chóng có mặt kiểm tra, cấp thuốc cho các vận động viên này. Thế nhưng cả đêm hôm đó, cả 6 tay đập chẳng thể nào ngủ được vì phải ôm bụng chống chọi với những cơn đau đến tận sáng hôm sau.

Thủ phạm được các cô gái chân dài xác định là món súp cua bởi khi ăn, họ có cảm giác món này có vị chua chua khác lạ. Tay đập số 1 Ngọc Hoa thổ lộ: “Đúng là không có gì khó chịu như đau bụng vì phải đi tiêu liên tục, mất nước, người mệt mỏi và rất... bực mình”. Ngặt nỗi một ngày sau đó, các cô gái Việt đã phải bước vào tranh tài ở trận đấu quan trọng gặp đội tranh chấp ngôi vô địch là Thái Lan. Không bất ngờ khi vừa bị đánh giá thấp hơn vừa bị “thức ăn bẩn” tấn công nên tuyển nữ VN đành thua trắng 0-3 trong trận đấu mà hầu hết các tay đập đều có dấu hiệu mệt mỏi, không có được thể lực sung mãn nhất.

Sau khi sự cố ngộ độc thực phẩm ở tuyển bóng chuyền được báo cáo lên lãnh đạo đoàn thể thao VN, đích thân Trưởng đoàn thể thao VN Lâm Quang Thành đã gọi điện nhắc nhở các lãnh đội phải lưu ý chuyện ăn uống của cả đoàn. “Để an toàn, chúng tôi yêu cầu VĐV không ăn những món lạ và nếu cảnh giác thì nên ăn những thức ăn mang từ VN như đồ hộp, mì tôm...”, ông Thành nhắc nhở.

Ăn xong là đau !

Không chỉ ở các khách sạn bên ngoài, ngay đại bản doanh làng SEA Games với hàng ngàn VĐV của 11 quốc gia, chuyện ngộ độc thực phẩm cũng không buông tha. Trước ngày tranh tài quan trọng, HLV tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung than trời khi 8 xạ thủ VN dù ăn uống rất ngon miệng trong làng SEA Games cũng bị ngộ độc. Bản thân HLV này cũng than thở: “Cứ y như rằng hễ ăn xong là đau bụng. Có lúc tôi đi ngoài liên tục”. Rất may, ở ngày thi đấu sau đó, xạ thủ Hà Minh Thành đã nén cơn đau bụng, cầm chắc súng để rồi các thành viên tuyển bắn súng thở phào khi anh xuất sắc đoạt HCV.

Ngộ độc thực phẩm đã trở thành nỗi ám ảnh ở SEA Games 26 bởi không chỉ đoàn thể thao VN “dính” mà hàng loạt VĐV các nước cũng... ôm bụng “khóc”. Đoàn Malaysia cho biết 5 xạ thủ bắn súng của họ bị ngộ độc thức ăn, tiếp đó đoàn Lào cũng báo hung tin 2 lực sĩ đau bụng sau khi ăn... Cơn bão ngộ độc thực phẩm lan đến tận Jakarta khi 1 cầu thủ Singapore không thể thi đấu vì bị tiêu chảy sau khi ăn.

Các lãnh đạo đoàn thể thao có VĐV bị ngộ độc thực phẩm đã cấp tốc báo lên ban tổ chức để nhờ các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp các VĐV ổn định tâm lý thi đấu. Chỉ 2 ngày sau, đích thân các quan chức trong ban tổ chức SEA Games đã có mặt kiểm tra nhà ăn ở làng SEA Games đồng thời liên lạc với các khách sạn có VĐV trú ngụ để giải quyết tình trạng khiến cả đại hội phải đau đầu trên. Dù mọi chuyện sau đó có phần tốt hơn, nhưng các đoàn vẫn dè dặt trong việc tổ chức ăn uống cho VĐV.

Còn nhớ cũng tại SEA Games năm 1997 ở Indonesia, chính ông Trần Thanh Ngữ, khi đó là Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 (TP.HCM), được xem là cha đẻ của bóng đá nữ VN, đã bố trí đưa ngay các đầu bếp của quận 1 sang Bogo để phục vụ ăn uống cho cầu thủ nữ, vì theo ông: “Thức ăn ở Indonesia không phải không ngon, nhưng tôi luôn canh cánh lo lắng vì không phải lúc nào họ cũng nấu nướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nên tốt nhất vẫn là đầu bếp của mình mang theo, vừa hợp khẩu vị vừa bảo đảm đủ chất giúp các VĐV thi đấu ổn định và có sức khỏe tốt hơn”.

Quỳnh Anh

>> U.23 Thái Lan chốt danh sách dự SEA Games 2013
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 5: Ép được cứ ép
>> Đại hội thường niên VFF đúng vào SEA Games 27
>> SEA Games 2013: HLV của U.23 Malaysia đau đầu vì chấn thương
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 4: Trọng tài đổi trắng thay đen
>> Campuchia thưởng đậm cho các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 2013
>> Futsal Việt Nam đặt mục tiêu giành HCV SEA Games 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.