Việt Nam và ILO hợp tác về việc làm, an sinh xã hội

Thu Hằng
Thu Hằng
28/03/2023 20:22 GMT+7

Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 sẽ thúc đẩy cơ hội việc làm bền vững và năng suất cho mọi phụ nữ và nam giới trong điều kiện làm việc tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Lễ ký kết "Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026" vừa diễn ra chiều nay 28.3, giữa đại diện của Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và ILO.

Việt Nam và ILO hợp tác về việc làm, an sinh xã hội   - Ảnh 1.

Lễ ký kết khung chương trình về việc làm thỏa đáng giữa ILO và đại diện Chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động Việt Nam

THU HẰNG

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, khung chương trình mới đưa ra khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam cho tới năm 2026 với mục tiêu hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người, khẳng định sự thống nhất với 3 ưu tiên quốc gia.

Cụ thể, đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau sẽ: đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng.

Được thụ hưởng từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng; với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, toàn diện, bền vững và tăng quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Được thụ hưởng và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn; tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Trong lần hợp tác này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội".

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH đề nghị trong thời gian tới, ILO cần ưu tiên tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030; hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác hỗ trợ nghiên cứu phê chuẩn một số công ước của ILO, trong đó có Công ước 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý tầm quan trọng của việc hỗ trợ nâng cao năng lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen cho biết, khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 khẳng định sứ mệnh của ILO là thúc đẩy cơ hội việc làm bền vững và năng suất cho mọi phụ nữ và nam giới trong điều kiện làm việc tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Các ưu tiên của Việt Nam về tạo việc làm xanh và năng suất, bảo vệ và an sinh xã hội cho người lao động, duy trì quản trị thị trường lao động và quan hệ lao động hiệu quả được đánh giá cao. Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng.

Bày tỏ tin tưởng khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 được triển khai và giám sát hiệu quả ở cả cấp quốc gia và địa phương, Giám đốc ILO tại Việt Nam cam kết: "ILO sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt ở cấp quốc gia và địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc ký kết ngày hôm nay và khung Chương trình quốc gia việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 sẽ là bước quan trọng tiếp theo trong hành trình hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người".

Kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992, đây là khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng lần thứ tư của Việt Nam (chu kỳ hợp tác trước cho giai đoạn 2017 - 2021). 

Trong 3 chu kỳ trước, Chính phủ và các đối tác xã hội đã hợp tác cùng ILO tập trung vào việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển toàn diện, công bằng và bao trùm thông qua các chính sách xã hội, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị thị trường lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.