Vì sao buổi sáng thường trôi qua nhanh?

03/06/2023 16:33 GMT+7

Nhiều người trẻ ngỡ rằng buổi sáng thường trôi qua nhanh, thoáng chốc đã hết buổi mà chẳng làm được gì. Thật ra không phải vậy.

Người trẻ không hiểu lý do 'vì sao buổi sáng thường trôi qua nhanh'? - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ than vãn "hình như thời gian buổi sáng trôi qua nhanh nên chưa gì đã hết buổi mà không làm được việc gì"

SHUTTERSTOCK

"Chưa gì đã sắp hết ngày"

Đặng Thành Đạt (27 tuổi), làm việc ở nhà hàng tiệc cưới Bạch Kim, Q.Tân Bình, TP.HCM hay than thở việc buổi sáng sao trôi nhanh quá, chỉ thoáng chốc đồng hồ đã điểm 11, 12 giờ. "Lượng công việc nhiều, nhưng khi chưa xử lý được bao nhiêu thì đã đến giờ trưa. Loay hoay đã sắp hết ngày", Đạt kể và cho biết đó là lý do khiến nhiều ngày có cảm giác bị quá tải công việc.

Tương tự, Hồ Tuấn Vương (30 tuổi), làm việc Công ty TNHH MTV Mỹ Đức Hòa, Q.5, TP.HCM, cũng cho rằng "dường như thời gian buổi sáng trôi qua nhanh hơn". Vương chứng minh bằng cách cho biết chỉ một công việc, nhưng khi làm vào buổi sáng chỉ đạt năng suất 50%-60%. Còn vào buổi chiều, có thể hoàn thành nhanh chóng, làm thêm được nhiều việc khác.

Với sinh viên cũng vậy, nhiều người mặc định rằng sau khi mở mắt chào ngày mới thì chẳng bao lâu sau đã tới giờ cơm trưa. Nhiều hoạch định đã lên sẵn như: tìm kiếm tài liệu, ôn bài, làm đồ án... vào buổi sáng đã bị "vỡ kế hoạch".

"Có những ngày mình dự định sáng dậy sẽ làm nhiều việc. Nào là dựng phim, nào là dọn dẹp phòng trọ, hay là tự học tiếng Anh... Nhưng rồi, chỉ loay hoay một lát đã hết buổi sáng", Hồ Thanh Châu, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nói.

Có một điều thú vị là, dẫu làm bất kỳ công việc gì thì với một bộ phận người trẻ cũng đều "tưởng" rằng buổi sáng trôi qua nhanh, dù rằng mỗi tiếng đồng hồ trong ngày cũng luôn là 60 phút. Nguyễn Thị Thanh Tuyết (32 tuổi), làm việc ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Q.10, TP.HCM, nói: "Vẫn không thể hiểu nỗi lý do vì sao buổi sáng thường làm việc không hiệu quả bằng buổi chiều. Cứ kiểu như thời gian buổi sáng trôi qua nhanh hơn những khung giờ khác trong ngày".

Người trẻ không hiểu lý do 'vì sao buổi sáng thường trôi qua nhanh'? - Ảnh 2.

Việc không quản lý được thời gian buổi sáng khiến nhiều người trẻ cảm thấy bị áp lực trong công việc

SHUTTERSTOCK

Để buổi sáng không trôi qua nhanh

Nói về chuyện này, chuyên gia kỹ năng sống Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, cho rằng sở dĩ chất lượng công việc buổi sáng không như ý, khiến nhiều người trẻ có cảm giác thời gian buổi sáng trôi qua nhanh là vì họ thiếu kỹ năng quản lý thời gian.

"Một sinh viên đã từng chia sẻ điều này (tức thời gian buổi sáng dường như trôi nhanh hơn - PV) với tôi. Tôi có hỏi lại: liệu có thức dậy lúc 6 giờ, 7 giờ hay "ngủ nướng" đến 9 giờ, 10 giờ rồi mới bước chân ra khỏi giường; liệu sau khi thức dậy có "ôm" điện thoại để xem tin nhắn, lướt mạng xã hội?... Điều đó có nghĩa là bản thân mỗi người trẻ tự họ làm giảm thời gian dành cho công việc vào buổi sáng, để rồi có cảm giác buổi sáng trôi qua nhanh hơn", chị Khuê nói.

Tương tự, chị Khuê cũng cho rằng một số nam giới trước khi đến công ty làm việc thường có thói quen ngồi cà phê tán gẫu với bạn bè. Những cuộc cà phê kéo dài, những câu chuyện không hồi kết... đã khiến họ vào đến công ty khi đồng hồ đã điểm 9 giờ, 9 giờ 30. Khi đó, chỉ còn 2 tiếng - 2 tiếng rưỡi đồng hồ, có thể không đủ thời gian họ hoàn thành công việc mà lẽ ra họ cần giải quyết ngay trong sáng.

"Đấy là chưa kể nhiều người trẻ khi đi làm không chú tâm vào việc làm. Họ cùng lúc làm nhiều việc. Chẳng hạn như khi vừa xử lý công việc, nhưng lại vừa mở mạng xã hội để xem, để trò chuyện với bạn bè, hoặc có khi mở YouTube để coi lại một cuộc thi hát, hài... vừa công chiếu vào đêm trước, hay cố gắng xem cho xong phần còn lại của một bộ phim... Chính vì vậy, họ vô tình khiến chất lượng công việc không được đảm bảo và cứ nghĩ rằng là "do buổi sáng trôi qua nhanh", chị Khuê phân tích thêm.

Người trẻ không hiểu lý do 'vì sao buổi sáng thường trôi qua nhanh'? - Ảnh 3.

Người trẻ cần nâng cao kỹ năng quản lý thời gian để giúp chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc ngày càng cao hơn

SHUTTERSTOCK

Để giải quyết câu chuyện "cảm giác thời gian buổi sáng trôi nhanh", chị Khuê cho rằng chỉ cần mỗi người có kỹ năng trong việc kiểm soát thời gian.

"Buổi tối hãy lên kế hoạch sáng mai làm những công việc gì, ưu tiên thứ tự những công việc quan trọng. Đến khi sáng dậy, hãy bắt đầu thực hiện một cách kỷ luật để không lãng phí thời gian. Có thể ví dụ như kế hoạch của buổi sáng sẽ là: vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng, di chuyển đến công ty, làm việc A, làm việc B, làm việc C... với những khung giờ đã vạch sẵn. Bên cạnh đó, cũng cần chừa một thời gian tầm 60 phút để có thể làm những công việc phát sinh của công ty. Và hãy tự dặn bản thân cần nghiêm túc thực hiện. Không nên rề rà trễ nãi trong bất kỳ công việc nào, cũng như không bỏ qua công việc nào. Việc tạo thói quen này thường xuyên sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như công việc mỗi ngày", chị Khuê chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia kỹ năng sống này, nếu như có thói quen lạm dụng mạng xã hội, "ngồi làm cái này mà nghĩ đến cái kia"... thì dễ dẫn đến tình trạng không hoàn thành công việc, cảm giác luôn có áp lực đè nặng, luôn nghĩ bản thân bận bịu và ngổn ngang công việc và mất năng lượng làm việc. 

"Dù là sinh viên hay người trẻ đã đi làm thì cũng nên tự rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian. Khi đó, cảm giác "buổi sáng dường như trôi qua nhanh hơn" sẽ hoàn toàn biến mất", chị Khuê nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.