Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội tham ô?

18/11/2023 18:50 GMT+7

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không nằm trong ban lãnh đạo SCB, ngân hàng này cũng không phải là ngân hàng nhà nước, vì sao lại bị đề nghị truy tố tội tham ô?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Trong số các bị can, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội tham ô? - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc tham ô hơn 304.000

T.N

Đề nghị truy tố tội tham ô

Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản, với số tiền lên tới hơn 304.000 tỉ đồng.

Ngoài tính chất, quy mô của sai phạm, nhiều người cũng thắc mắc rằng SCB không phải ngân hàng công, bà Lan cũng không nằm trong ban lãnh đạo SCB, nhưng vì sao bị can lại bị cáo buộc tội tham ô?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết theo quy định trước đây tại bộ luật Hình sự năm 1999, nhóm tội tham nhũng, trong đó có tham ô, chỉ áp dụng với những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.

Còn theo bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội tham ô?

Nội dung kết luận điều tra cho thấy, mặc dù không trực tiếp nắm giữ chức vụ tại SCB, nhưng bà Lan sở hữu trên 90% cổ phần, nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Quá trình chi phối, chỉ đạo nêu trên đã dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như kết luận công bố.

"Như vậy, dẫu không có chức vụ gì ở SCB, nhưng bà Trương Mỹ Lan lại là người tuyển chọn, chỉ đạo những người có chức vụ tại ngân hàng này; tức là bị can có quyền quyết định đến hoạt động của ngân hàng", vị luật sư phân tích.

Đối chiếu với các căn cứ đã được kết luận điều tra đề cập, hành vi của bà Lan có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản, khi đã lợi dụng quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền của SCB.

Bà Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỉ, quyền lợi khách hàng tại SCB giải quyết sao? - Ảnh 2.

Theo luật sư, SCB sẽ có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi của khách hàng gửi tiền tại đây

T.N

Liệu có khắc phục được 304.000 tỉ đồng?

Số tiền bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB, chỉ tính riêng với hành vi tham ô tài sản đã lên tới hơn 304.000 tỉ đồng. Nhiều người bày tỏ băn khoăn, rằng bị can có khả năng khắc phục hậu quả số tiền này, trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật xác định là có tội?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho hay, xét riêng ở tội tham ô tài sản mà bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố, bị hại của hành vi này là được xác định là SCB, chứ không phải khách hàng gửi tiền.

Điều này đồng nghĩa, trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật xác định bà Lan có tội, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ có nghĩa vụ phải khắc phục toàn bộ số tiền đã tham ô cho SCB. 

Cũng theo luật sư Quynh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP.HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ.

Cơ quan công an cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, bà Lan nhờ nhiều người đứng tên.

"Đây sẽ là những tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án, trong trường hợp bị can bị bản án có hiệu lực pháp luật xác định là có tội", luật sư Quynh phân tích.

Cả đoàn thanh tra nhận tiền của SCB, người ít 100 triệu, người nhiều 118 tỉ

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại điều này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.