Văn học - nghệ thuật trong xây dựng con người TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/05/2024 06:52 GMT+7

Sáng 17.5 tại TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Vai trò của VHNT trong xây dựng con người TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình (LLPB) Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, nhấn mạnh: "VHNT có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhận thức, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho các thế hệ cộng đồng, nhất là lớp trẻ, có sức lan tỏa sâu rộng các giá trị, nhất là đạo đức, tạo dựng nên thể chất cũng như tâm hồn con người. Vì vậy, các nghệ sĩ cần năng nổ hơn nữa trong sự nghiệp sáng tạo những hình tượng để đời, không phai mờ theo thời gian".

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM Nguyễn Trường Lưu phát biểu khai mạc

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM Nguyễn Trường Lưu phát biểu khai mạc

QUỲNH TRÂN

Theo nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban LLPB Hội Sân khấu TP.HCM: "VHNT đã giúp con người tự nhận thức chính mình, vượt lên bản thân". Ông đưa ra dẫn chứng hàng loạt vở diễn sân khấu đi theo đường lối tư duy đổi mới, thức tỉnh rất nhiều thanh niên giai đoạn sau 1975, tạo được dấu ấn với công chúng: Đôi bông tai, Mùa xuân cho em, Sau ngày cưới, Đối mặt, Hẻm nhỏ tình người, Cho tình yêu mai sau… "Các tác giả thời đó đã đặt mình vào trong nhân vật, để chia sẻ, cảm thông và có những hành động tốt đẹp vì cộng đồng. Đối với các thế hệ đạo diễn sân khấu được đào tạo từ các nước XHCN như: Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Đình Quang, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng, Ngô Hồng, Thanh Hạp, Tường Trân, Đoàn Bá…, chính là lực lượng vận dụng hình thức dàn dựng mới, tạo sự "thanh lọc" cho nền tảng nhân văn trên sàn diễn sân khấu", ông Thanh Hiệp bộc bạch.

Và không chỉ có sân khấu, ở lĩnh vực âm nhạc luôn có công lớn của nhiều nghệ sĩ lớn với những ca khúc để đời. PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, cho rằng: "TP luôn xuất hiện chân dung của những con người luôn đầy khát vọng (ca khúc Khát vọng của Phạm Minh Tuấn), xây dựng đất nước, sẵn sàng hy sinh vì cái chung (Một đời người một rừng cây - Trần Long Ẩn) hoặc những con người luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần (Tổ quốc gọi tên mình - thơ: Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc: Đinh Trung Cẩn)...".

PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng LLPB Hội Nhà văn TP.HCM, đặt ra vấn đề thời sự, đáng suy ngẫm: "Trước khi trả lời những câu hỏi liên quan đến chức năng của VH-NT trong xây dựng cuộc sống, con người TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng nhau tìm kiếm những phương cách nâng cao chất lượng, sức lan tỏa, ảnh hưởng của nghệ thuật ngôn từ trong đời sống hôm nay, chúng ta hãy thành thật, nghiêm túc trước một nan đề: mình đã thực sự tin tưởng vào vai trò của văn học trong thời buổi giảm giá văn hóa đọc, trong lúc nhiều giá trị sống có thể bị đảo lộn, bị lãng quên, trong lúc bản thân không ít lần cảm thấy chênh chao, nản lòng muốn có một chỗ tựa mà bước tiếp?".

Vì vậy, hơn lúc nào hết: "Trao gửi niềm tin tích cực cho VHNT với tất cả sự bình tĩnh, cởi mở là một trong những giải pháp tích cực cho hành trình đổi mới, phát triển hội nhập của TP cho hôm nay và mai sau", PGS-TS Bùi Thanh Truyền khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.