img
Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 1.

Sau nhiều năm sử dụng cái tên "Nguyên Trang" trên Facebook và lấy làm bút danh trên nhiều cuốn sách thiếu nhi, vì sao chị quyết định trở lại tên thật của mình?

Tôi có cảm giác mình bị vấn đề tâm lý, mà rất lâu rồi không nhận ra. Nó giống như mình không đủ tự tin, cho rằng nếu mình "show" bản thân ra thì kiêu căng, thiếu khiêm tốn. Và tôi cũng thấy cái tên Trương Thị Mỹ Dung của mình bình thường quá, phổ biến quá. Vì vậy, suốt thời gian dài, tôi "ẩn mình" dưới cái tên Nguyên Trang.

Nhưng bây giờ, tôi hoàn toàn tự tin trở về chính mình! Biểu hiện rõ nhất là tôi không còn chối bỏ, đã dám dùng tên thật của mình (cười). Tôi nghĩ một cái tên bình thường, mình cũng có thể làm cho nó đặc biệt và mang ý nghĩa đẹp, nếu mình biết sống đàng hoàng.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 2.

Điều gì dẫn đến sự thay đổi như vậy?

Thực ra, tôi có cú sốc là ly thân rồi ly hôn kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021, trầm cảm suốt một năm 2020.

Hồi đó, tôi cứ nghĩ hoài: "Sao đời mình xuống dữ vậy?". Lấy người chồng là mối tình đầu, yêu rồi cưới luôn. Trước giờ tôi tôn thờ tình yêu ghê lắm, tin rằng mình sẽ hạnh phúc suốt đời, ai ngờ bỏ nhau. Tôi mang nặng tư tưởng truyền thống, coi việc ly hôn đồng nghĩa đời mình chấm hết... Từ cú sốc này, tôi nhận ra trong mối quan hệ ấy, tôi chỉ muốn cho đi mà không nghĩ đến người nhận, họ cũng thấy nặng nề. Hóa ra, mình yêu cũng không đúng cách!

Khi trò chuyện với những bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, tôi mới hay bản thân mình thật sự không ổn. Tôi là người buông bỏ bản thân, thích đặt ý nghĩa sống của mình vào người khác. Ví dụ, có người bạn muốn tôi làm một chiến dịch truyền thông - sở trường của tôi, ngay lập tức tôi suy nghĩ và làm liền cho họ, nhưng nếu tôi làm cho bản thân thì thấy rối bời, không biết bắt đầu từ đâu.

Trong hành trình tìm lại chính mình, tôi nhận ra hai bên cùng thắng thì mới cân bằng được. Bởi nếu tôi cứ đặt ý nghĩa sống của mình vào một thứ khác, nó sẽ bào mòn con người mình.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 3.

Chị Trương Thị Mỹ Dung trong chương trình “Hormone hạnh phúc” do Ruy Băng Tím thực hiện tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM

Nhân Tài Trương

Trải nghiệm của chị khi được "trở về chính mình"?

Tôi nhận ra bài học: Khủng hoảng xảy đến với mình là lời cảnh báo của cơ thể, của tinh thần rằng mình đã sai hoặc mình đã quá sức ở đâu đó rồi. Cho nên mình cần nghỉ ngơi, cần điều phối lại công việc và phân bổ thời gian tốt hơn, nếu không mình có thể bị kiệt sức hay căng thẳng mà chết.

Hành trình của mình rất dài, nếu chỉ có thành công, vui vẻ thôi thì tôi sẽ không nhận ra những yếu tố bên trong mình, rằng mình cũng có những nỗi sợ hãi, cũng có những lúc yếu đuối, cũng có những lúc muốn dựa dẫm chở che. Thứ mình phô bày ra bên ngoài chỉ là một nửa của mình thôi. Thành ra, ban đầu tôi không hiểu tại sao mình bị khủng hoảng và tôi dằn vặt bản thân, sau này tôi hiểu đó là lẽ thường tình và chấp nhận bản thân mình nhiều hơn.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 4.

Việc định dạng lại bản thân có ảnh hưởng đến hoạt động của chị ở Ruy Băng Tím?

Tôi là đồng sáng lập và là trưởng ban truyền thông từ khi Ruy Băng Tím được thành lập năm 2015 đến nay. Công việc chính của tôi là điều hành chung Ruy Băng Tím, gồm cả team (nhóm) khoa học và team y học.

Mọi người hay có định kiến là người ngoài ngành thì không điều hành được người trong ngành. Tuy nhiên, tôi thấy các anh chị, các bạn cùng chung giá trị, chung mục tiêu muốn phục vụ những gì tốt nhất cho cộng đồng thì cùng làm lâu dài với nhau, chứ đâu nhất thiết tôi phải giỏi về y học, khoa học mới đảm nhận vai trò điều phối Ruy Băng Tím.

Là cử nhân ngành ngữ văn Hán Nôm, cơ duyên nào để chị trở thành đồng sáng lập một tổ chức về phòng chống ung thư?

Trăn trở trước tình trạng "tin rác" về ung thư lộng hành tại VN nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải thích và đính chính tin rác, người bạn của tôi tên là Nguyễn Cao Luân (sinh năm 1990), lúc ấy là học viên cao học ngành tế bào học ĐH Hiroshima (Nhật Bản), hiện là tiến sĩ ngành miễn dịch học ĐH New South Wales (Úc), nảy sinh ý tưởng lập một tổ chức phòng chống ung thư vừa có chuyên môn vừa có truyền thông. Luân mời tôi góp ý, phản biện. Chúng tôi bàn về sứ mệnh, định vị thương hiệu và thống nhất cùng đặt tên là Ruy Băng Tím (Lavender Ribbon) - biểu trưng được thế giới công nhận để nâng cao nhận thức về ung thư.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 5.

Trò chuyện cùng sinh viên Khoa Thiết kế nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen, trong chương trình “Thiết kế với chất liệu văn hóa dân gian”

Nhân Tài Trương

Khi Ruy Băng Tím vừa ra đời, vì sao chị quyết định dồn tổng lực cho chiến dịch truyền thông "Đập tan tin đồn" về ung thư?

Lúc mới được thành lập, Ruy Băng Tím không có ai biết đến. Vì vậy, chúng tôi muốn gây sự chú ý bằng cách truyền thông khá hiện đại là đi từ những vụ việc gay cấn. Nói có vẻ tiêu cực nhưng thực tế là Ruy Băng Tím ban đầu nổi lên nhờ "đập tan tin đồn". Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp thông tin đúng, đủ về phòng ngừa, điều trị nhằm giảm tỷ lệ mắc mới và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.

Thời gian đó, các bác sĩ và nhà khoa học thường e ngại mạng xã hội và truyền thông nói chung, nên những tin đồn không đúng về ung thư càng có dịp hoành hành. Dù vậy, tôi và Luân quyết định vô tận "hang ổ" là những trang web, nhóm chat của bọn lừa đảo chuyên trục lợi bệnh nhân ung thư để bóc phốt họ; ngay cả một số tờ báo đăng sai về ung thư, tụi tôi cũng phản bác.

Với tư cách là một nhà khoa học trẻ chịu lên tiếng, Luân viết những bài đấu tranh sắc bén "đập tan tin đồn" đưa lên Facebook cá nhân, thu hút hàng ngàn lượt người theo dõi.

Khi đã được dư luận chú ý, chúng tôi lập fanpage "Kiến thức ung thư cho mọi người". Từ nhóm ban đầu gồm tôi và Luân, chúng tôi đi tuyển hoặc mời thêm nhiều thành viên khác tham gia, trong đó có những bác sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đầu năm 2016, chúng tôi vinh dự mời được anh Nguyễn Hồng Vũ (tiến sĩ sinh học phân tử, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope, California, Mỹ) - một người chuyên môn rất giỏi và có cái tâm dành cho cộng đồng - làm cố vấn cho Ruy Băng Tím. Nhờ những điều đó, mạng lưới ngày càng vững mạnh.

Xin được nói thêm: Viết một bài "đập tan tin đồn" đăng trên website Ruy Băng Tím (ruybangtim.com) tương đương viết một bài báo khoa học, với yêu cầu rất cao và phản biện rất gắt. Tất cả các bài viết cho Ruy Băng Tím đều không có nhuận bút, bởi chúng tôi làm gì có tiền mà trả. Vậy mà các thành viên vẫn quý mến, gắn bó nhau vì chung giá trị. Như bản thân tôi cũng vậy, dù bỏ nhiều công sức và cả tiền túi vô đây, tôi vẫn cảm thấy mình được lợi, được học rất nhiều điều và trưởng thành hơn.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 6.

Là những chiến binh đi đầu trong chiến dịch "Đập tan tin đồn" về ung thư, chị và đồng đội có gặp hiểm nguy?

Đơn cử vụ nano vàng cách đây vài năm, có nhiều hội nhóm trên Facebook giới thiệu rầm rộ và bán nano vàng như một sản phẩm chữa ung thư. Những bệnh nhân ung thư đang điều trị tạm ổn theo phác đồ của bệnh viện, có thể kéo dài sự sống. Thế nhưng nghe lời bọn xấu quảng cáo uống nano vàng là "khỏe hẳn, sống lâu", không ít bệnh nhân ung thư bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm này uống và một số người đã chết vì bị ngộ độc.

Dù nhận rất nhiều tin nhắn xúc phạm, đe dọa tính mạng, nhưng chúng tôi vẫn luôn quyết liệt điều tra và vạch trần những chiêu trò lừa đảo bệnh nhân ung thư.

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 7.

Nhóm “Vắc xin văn hóa” gồm chị Trương Thị Mỹ Dung và các bạn học trò

Nhân Tài Trương

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 8.

Hành trình "trở về chính mình" của chị hẳn không đơn thuần sử dụng lại tên thật?

Đúng vậy. Tháng 8.2021, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tôi ở nhà thấy buồn và bức bí nên thử mở lớp online chia sẻ về văn hóa VN, không ngờ có rất nhiều người trẻ vào nghe và rất thích.

Tôi nhận ra rằng người lớn hay chê giới trẻ không biết gì về văn hóa, mất gốc, sính ngoại; nhưng thực ra các bạn đó hoang mang không biết tìm hiểu văn hóa VN ở đâu cho đúng. Từ những lớp học này, tôi và một số bạn trẻ là "người học thân thiết" bàn với nhau làm chương trình định kỳ về văn hóa VN. Vì vậy, dự án "Vắc xin văn hóa" miễn phí đã ra đời, diễn ra vào thứ hai hằng tuần thông qua mạng xã hội.

Coi như tôi bắt đầu khởi nghiệp dạy học ở tuổi 33 (cười). Nhà tôi có truyền thống làm giáo viên và hồi nhỏ tôi cũng mê làm giáo viên. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi rẽ sang làm truyền thông do tôi không tự tin đi dạy và bị ảnh hưởng bởi định kiến "ngành Hán Nôm đã lỗi thời, là ngôn ngữ chết không ai xài nữa". Bây giờ, tôi thấy mình tận hưởng cảm giác hạnh phúc những lúc tôi lên lớp. Hơn một năm nay, tôi dạy các lớp tiếng Việt cho người mất gốc, dạy chữ Hán - chữ Nôm, dạy về văn hóa VN và về sáng tác truyện.

Điều cốt lõi chị muốn truyền đạt với người học là gì?

Nói về giá trị lâu dài, tôi mong muốn góp một tay vào việc chống đứt gãy văn hóa, bởi thực ra chúng ta đã bị đứt gãy rất mạnh. Do đó, cần phải có những người cùng bắc cây cầu để giới trẻ kết nối với người xưa, với cha ông của mình.

Tôi luôn chú trọng về văn hóa và quan trọng nhất là sự kết nối, cho các bạn thấy mình trong văn hóa và văn hóa có trong mình, chứ không phải học như người ngoài cuộc. Văn hóa không phải là thứ hóa thạch mà văn hóa là phải sống, mình bảo tồn cho nó đời sống. Đó là quan điểm giáo dục của tôi.

Xin cảm ơn chị! 

Trương Thị Mỹ Dung, đồng sáng lập Ruy Băng Tím:
“Tôi trở về chính tôi”- Ảnh 9.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.