Trăng trên vịnh - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học (Hà Nội)

25/06/2023 08:30 GMT+7

Vừa xuống xe thì thành phố dứt mưa. Trận mưa phần nào rửa bớt cái oi bức ngột ngạt của đợt nắng chói gắt kéo dài.

Trăng trên vịnh - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học


Ngồi trong quán cà phê nhìn ra vịnh, anh thấy trời hửng, cái long lanh của di sản lại hiện lên, vừa trữ tình vừa có phần sang chảnh. Long không sinh ra ở nơi này, nhưng yêu thành phố biển, yêu thủ phủ than với những gương mặt người công nhân điềm đạm, lóe sáng. Long chỉ thích cả đời được di chuyển, thênh thang như những đám mây, như gió, tự do làm đẹp cho đời. Di sản thiên nhiên thế giới níu kéo, cho Long thấy những vẻ đẹp mà nếu không lưu giữ bằng tranh, sẽ tiếc một đời.

Mỗi lần đến Long đều cảm thấy niềm cảm hứng dội vào lòng, nên anh vẽ liên tục. Bản thân không đếm mình đã vẽ bao nhiêu bức về vịnh Hạ Long, nhưng áng chừng cỡ hơn hai trăm, có cả ký họa, tả thực, trừu tượng. Long cũng đã vẽ theo đơn đặt hàng của một vài cô gái, những vị khách du lịch mê cái đẹp và phần nào hứng thú với hội họa. Tuổi thanh xuân và niềm mê thích của họ đã được lưu giữ trong tranh, với nét tươi ngời, khỏe khoắn nhất. Lần này, anh cũng mong được gặp lại Nguyệt, cô gái đến từ Viện Tài nguyên môi trường, đã được anh vẽ ký họa một lần.

Trăng trên vịnh - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học (Hà Nội) - Ảnh 2.

MMinh họa: Tuấn anh

Đó là chuyện cách đây một tháng, Long tham gia chương trình "Vì Hạ Long xanh" cho một tổ chức phi chính phủ. Long đã gặp Nguyệt ở đó. Hôm đó sau đợt khảo sát, đoàn đã về Hà Nội nhưng Nguyệt xin ở lại vài ngày làm thiện nguyện. Long ấn tượng với khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt sáng và nụ cười ấm của Nguyệt. Cô không chỉ ăn ảnh mà nếu làm mẫu cũng tạo sức hút tuyệt vời cho bức tranh. Trò chuyện với anh, cô biết Long là họa sĩ và sau khi công việc kết thúc, Nguyệt vui vẻ nhận lời làm mẫu. Long đã tặng lại cô bức ký họa mà mọi đường nét đều tung tẩy hào phóng. Trước khi trao cho cô gái, anh đã kịp lấy điện thoại chụp lại rồi thi thoảng bỏ ra ngắm, cười một mình. Nguyệt quá giống Chân, người yêu cũ của anh. Yêu Chân, anh đã hiến tặng Chân một quả thận để cô được tái sinh trong cuộc đời này. Ngày đó, cũng ở thành phố này, anh quen và yêu Chân. Rồi một ngày thật buồn, Chân phát hiện mình bị suy thận, cô mỏi mòn trong đằng đẵng thời gian điều trị. Long vẫn yêu Chân. Ngay cả khi cô ra Hà Nội trọ ở xóm chạy thận để tiện cho việc vào viện khám chữa, anh vẫn không cho phép mình từ bỏ tình yêu, dù Chân năm lần bảy lượt bảo anh hãy bỏ cô mà đi tìm hạnh phúc mới. Bệnh này sẽ đeo đẳng cô suốt đời... Long không biết mình lấy đâu ra can đảm để dám đứng lên hiến tặng người yêu một quả thận. Trong khi thử đi thử lại về độ tương thích giữa hai người, Chân vẫn bảo: "Anh không cần phải hy sinh vì em". Nhưng Long vẫn không thay đổi ý định. Với anh, khi yêu, tình yêu đó phải được thắp lên bằng sự hy sinh thiêng liêng.

Sau lần phẫu thuật ghép thận, sức khỏe của cả hai dần dần ổn định. Long những tưởng sau khi bình thường trở lại, anh và Chân sẽ hạnh phúc, cưới rồi sống với nhau đến đầu bạc răng long, ai ngờ chỉ hai năm sau, cô khước từ lời đề nghị về một đám cưới rất nhiều hoa hồng của anh, để theo một người đàn ông khác. Lý do đơn giản, cô cho rằng Long là họa sĩ, sống say gió bạt trời, sẽ phù phiếm nay đây mai đó với sắc màu. "Em xin lỗi, em cảm ơn anh đã tái sinh em, nhưng em…". Đám mây bị trúng thương. Cơn gió bị nhiễm lạnh. Long không biết mình đã buồn đến thế nào, bao ngày dìm mình trong rượu, quên cả việc phải nhảy múa trong sắc màu của tranh và đời sống. Công việc trễ nải, những dự định như thể đang úa vàng cùng tháng năm mưa. Nhưng rồi anh cũng phải gượng đứng lên, vuốt mắt cho một tình yêu đẹp mà anh biết mình đã hào phóng, hết mình. Anh vẫn yêu Hạ Long dù người đó không còn yêu mình nữa. Thành phố đâu có lỗi và cuộc sống tiếp diễn những câu chuyện đẹp. Long vẫn đến để ấp iu, dạo trên bờ biển, du thuyền trong vịnh tìm cảm hứng sáng tác. Có thời gian anh còn làm thơ đăng báo nữa. Khám phá lòng mình bằng cách viết thơ là một sự táo bạo mới mẻ mà Long thấy, khi chạm sâu vào tâm hồn để hiểu rõ hơn cảm xúc của mình, mỗi người có thể thấy ở trong đó một kho tin yêu và sức mạnh. Bởi thế cuộc sống mới xuất hiện các vĩ nhân, khi họ tìm và phát huy được sức mạnh từ trong trái tim họ.

***

Trăng trên vịnh có sự huyền nhiệm không nơi nào có. Ít nhất là đối với cảm nhận của riêng anh. Anh cảm giác mình cứ ngao du, đến vịnh hay bất cứ thành phố nào để vẽ cũng là một vinh dự vô bờ bến. Cuộc sống đâu cứ phải rập khuôn theo lẽ thông thường mới là trọn vẹn. Long bán được tranh, có tiền trang trải cuộc sống và vẫn vẽ theo cách của một người lạc quan. Anh tin mình đang sở hữu một vầng trăng trên bầu trời. Đứng ở chốn này, anh có thể hái đóa hoa trăng đặt lên một vầng trời khác, hay lên một toan tranh chỉ dài rộng trên dưới một mét. Ước gì có Nguyệt ở đây, anh sẽ vẽ cô trong đêm trăng huyền mê mải. Đồng nghiệp, bạn bè sẽ lại ghen tị cho mà xem, vì anh đã giũ bỏ được muộn phiền của mối tình đã thành quá vãng để có thể lại là mình, đứng trên bến bờ của tuyệt vọng để ngẩng cao đầu nhìn trời. Kiên cường và vững vàng.

Nhưng Nguyệt đã không ở đây hay về quê của cô cách thành phố chưa đầy hai mươi cây số. Gọi điện vào số điện thoại cô cho thì không liên lạc được. Anh nhận về sự hụt hẫng. Long thấy nhớ, niềm nhớ vô cớ thôi thúc như thể anh và cô đã là của nhau, hoặc biết nhau lâu lắm rồi. Mình bị làm sao vậy? Có lúc anh tự hỏi mình, rồi đặt tay lên ngực để xem mình có quá nhạy cảm, ngộ nhận hay si tình không. Cuộc sống này vẫn có tình yêu sét đánh mà. Long dự định ở vịnh thêm vài ngày. Anh thuê một khách sạn bình dân nhưng tiện ra biển và cũng dễ bắt xe điện để lòng vòng vài nơi. Và rồi anh lướt mạng, thấy một khuôn hình quen quen. Anh hồi hộp nhấp vào đó, đúng là Nguyệt, cô gái có nụ cười tỏa nắng hồn hậu. Ôi trời! Nguyệt là tấm gương hiến máu tình nguyện, cùng nhóm bạn ở Viện Tài nguyên môi trường, mỗi người đã hiến máu đến vài chục lần. Tấm gương của cô trở thành đề tài cho báo chí khai thác. Nguyệt của tôi, một cô gái có trái tim biết trao đi không toan tính. Chúng ta có một điểm chung tuyệt vời. Long tự nói với mình. Anh lần tìm Facebook của cô. Dù là mò kim đáy bể, nhưng hai người đã từng lưu số của nhau, hẳn sẽ có "sóng" để bắt được nhau. Tìm họ tên cô không được, Long từ tìm từ khóa trên mục tìm kiếm "Nguyệt thiện nguyện". Cũng không được. Anh lại tìm "Nguyệt trái tim hồng". Quả nhiên, Long đã thấy hình đại diện của cô, với tên tài khoản "Nguyệt Hồng" kèm tấm ảnh chân dung cười tươi rói. Long lập tức kết bạn và nhắn tin rồi hồi hộp chờ đợi. Nhưng cũng phải đến tối anh mới nhận được tin nhắn của cô, đồng thời được chấp nhận kết bạn.

"Em chào anh họa sĩ. Em bị quên điện thoại, không biết ở đâu nữa và chẳng thể liên lạc được với ai suốt mấy ngày qua. Bây giờ bật máy tính em mới nhận được tin anh". "Em đang ở Hà Nội à? Sáng nay đọc báo, anh mới biết em hiến máu rất nhiều lần. Nguyệt quả là có tấm lòng nhân ái". Nguyệt nhắn tin lại, cười hì hì. Cô bảo nhìn vào mắt anh cũng thấy hiện lên sự nhân hậu nhưng kèm một nét gì đó khá là buồn. Còn việc của mình thì cô cho rằng chẳng thấm vào đâu so với những tấm lòng cao cả, với những việc làm tốt đẹp cho cộng đồng của bao nhiêu người khác. "Anh đã xuống Hạ Long đợi em, vì anh cứ tơ tưởng em sẽ lại xuống". Nguyệt nhắn lại: "Em sinh ra ở Cẩm Phả, nhưng Hạ Long là thành phố em yêu". "Vậy để anh quay về Hà Nội mời em cà phê nhé? Thèm cơm Hà thành rồi".

Xe khách đi cao tốc. Ngoài cửa xe, cánh đồng, ngôi nhà, con sông, vạt nắng… trôi lại phía sau. Suốt chặng đường về, Long khư khư ôm cái ống đựng tranh màu nước, trong đó có cả thảy mười bức của chuyến đi này, mặc cho cô gái khá xinh ngồi gần thi thoảng liếc trộm. Lúc rời ra một chút, anh vào Google, tìm để đọc lại bài báo viết về Nguyệt, cô gái đã tiếp lửa cho nhiều Chủ nhật Đỏ, kêu gọi cộng đồng chia sẻ những giọt máu nghĩa tình để cứu sống bao người. Nguyệt trở thành tấm gương tuổi trẻ của viện, cô động viên nhiều bạn bè mình tham gia chương trình. Đọc đến đâu, Long thấy lòng mình rộn lên đến đó. Rồi đột nhiên, Long tự cười với mình, anh vừa nghĩ ra ý tưởng để mình có thể cống hiến cho cộng đồng: vẽ tranh kêu gọi bảo vệ môi trường. Ý tưởng này nhiều người đã làm rồi, thêm người nữa cũng đâu có sao. Ai đó nói mỗi cá thể chỉ là một mảnh ghép li ti của cuộc đời, càng nhiều mảnh ghép màu hồng sẽ tạo thành tấm thảm hồng lớn.

***

Nơi Nguyệt hẹn Long không phải là quán cà phê, mà là ở phòng họp của Hội Phụ nữ quận. Khi anh đến nơi thì sự kiện đã gần xong. Nhìn lên tấm phông nền trên sân khấu, ghi chương trình "Mẹ đỡ đầu", Long kết nối thông tin. Anh được biết Nguyệt đã nhận trợ cấp hằng tháng cho hai em nhỏ mồ côi. Mãn cuộc, cô nhìn anh cười khì khì: "Vậy là em làm mẹ của hai đứa đấy. Ghê không? Cho biết cảm giác làm mẹ áp lực thế nào!".

Trước khi đi đến quyết định này, Nguyệt đã tính toán kỹ. Cô không mơ mộng viển vông. Cô tin khả năng mình cũng như mức lương hằng tháng, cộng với việc cô vẫn dịch sách thuê, tham gia tổ chức sự kiện, sẽ chẳng quá lo về kinh tế. Thu xếp ổn thỏa để hai con gái nuôi về nhà, cô vui mừng ngồi lên xe Long, bảo: "Chở em ra quán cà phê Xưa Cũ nhé. Đấy, anh rẽ phải". Hương cà phê tỏa thơm lừng. Trong nụ cười của Nguyệt, anh thấy cô vui sướng vô cùng khi vừa làm một điều tốt đẹp cho hai thiên thần. "Anh thấy em có buồn cười không?". Cô hỏi nhí nhảnh. Long bảo: "Em có trái tim của một người mẹ".

***

Nghỉ hè, Nguyệt đưa hai cô con gái nuôi về thành phố biển. Cô mời Long về chơi cùng. Hai thiên thần nhỏ hồn nhiên bên bãi biển. Tối ấy trăng lên từ phía vịnh. Cũng từ phía ấy, nụ cười tỏa sáng của Nguyệt đang làm bừng thêm ánh ngời của trăng. Trăng lan trên biển. Trăng tràn lên những mỏm đá, ôm trọn cả bầu trời bình yên. 

Trăng trên vịnh - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học (Hà Nội) - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.