TP.HCM thí điểm mô hình 5S: Mô hình nào cũng được, miễn là nhanh

15/01/2024 07:21 GMT+7

Đối với người dân, việc nhà nước áp dụng mô hình quản lý nào không quá quan trọng, tuy nhiên thủ tục phải thống nhất, đồng bộ và giải quyết hồ sơ đúng hẹn.

Như trường hợp anh H.Q.H (ngụ P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, việc phải mất 3 lần mới hoàn thiện hồ sơ khiến anh không thể hài lòng. Anh H. cho biết TP.Thủ Đức và Q.8 (cùng TP.HCM) nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến, nhưng Q.12 với H.Nhà Bè (TP.HCM) thì phải nộp trực tiếp. Chưa kể, cùng một thủ tục nhưng mẫu lại khác nhau, đôi khi chỉ điền sai một chữ trong ngành nghề kinh doanh cũng phải làm lại.

Lý giải việc không nhận hồ sơ trực tuyến, đại diện Văn phòng UBND Q.12 cho biết Bộ KH-ĐT yêu cầu các địa phương phải nhập hồ sơ trên hệ thống của bộ. Do đó, nếu người dân nộp hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM thì công chức thụ lý vẫn phải in biểu mẫu và nhập lại trên hệ thống của Bộ KH-ĐT. Q.12 có số lượng hồ sơ lớn (năm 2023 có hơn 8.300 hồ sơ đăng ký kinh doanh), nên không đủ thời gian nhập lại. Cách làm của Q.12 là khi người dân nộp hồ sơ trực tuyến, công chức kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đầy đủ thì in ra và mời người dân lên ký hồ sơ trực tiếp, nếu thiếu thì hướng dẫn người dân bổ sung.

TS Diệp Văn Sơn, chuyên gia CCHC, cho rằng một yêu cầu đặc thù của nền hành chính là tính ổn định, bao gồm cả sự ổn định trong quy trình xử lý công việc. Hiện Bộ tiêu chuẩn ISO đã áp dụng trong quản lý chất lượng của cơ quan nhà nước. "Nếu TP.HCM thấy vận hành không như ý muốn thì phải xem xét lại đã làm quyết liệt chưa, khâu nào triển khai chưa tốt thì phải khắc phục. Để đưa một quy trình mới vào vận hành đồng bộ rất "trần ai", không phải một ngày một bữa là xong", chuyên gia này nói thêm.

Ông Sơn đánh giá việc TP.HCM luôn muốn đổi mới có cái hay, nhưng cũng có cái không hay vì thay đổi nhiều quá, công chức không thích nghi kịp. Chuyên gia này khuyến nghị nếu TP thấy mô hình 5S hiệu quả hơn thì mạnh dạn áp dụng và làm kiên quyết, chứ nếu chỉ "ham của lạ", của mới thì dễ mang tiếng đánh trống bỏ dùi. Trong CCHC, TS Sơn cho rằng phải làm quyết liệt, làm tới cùng và không được tư duy nhiệm kỳ.

Thực tiễn nhiều địa phương ở TP.HCM cho thấy nếu chủ động phân cấp, ủy quyền cho cơ sở thì vẫn rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ. Tại H.Củ Chi, việc Chủ tịch UBND H.Củ Chi ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 27 ngày làm việc xuống còn 3 ngày. Hay như thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với trường hợp không cần xác minh) do UBND cấp xã thực hiện chỉ cần 1 ngày, thay vì 3 ngày như trước. Nếu người dân gửi hồ sơ trước 15 giờ thì có thể nhận được kết quả ngay trong ngày.

Ngoài ra, một số địa phương phân công cán bộ, công chức làm việc ngoài giờ (xuyên trưa hoặc buổi tối) cũng mang lại sự thuận tiện cho người dân, nhất là công nhân, người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.