TP.HCM: Chuyển công an xử lý 25 người sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh giả

Duy Tính
Duy Tính
13/09/2023 19:25 GMT+7

Từ năm 2022 - 2023, Sở Y tế phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề chữa bệnh giả và đã chuyển đến cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Ngày 13.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ năm 2022 - 2023, Sở Y tế đã phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh giả.

Theo đó, Sở phát hiện chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh giả qua đăng ký hành nghề (3 trường hợp), qua xác minh hành nghề theo yêu cầu của sở y tế các tỉnh, thành (14 trường hợp), qua yêu cầu xác minh từ văn phòng công chứng (1 trường hợp) và qua phản ánh của người dân (7 trường hợp). Tất cả các trường hợp phát hiện đã được Sở chuyển đến cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Xử phạt nhiều cơ sở nha khoa, dược 

Theo Sở Y tế, hiện tượng hành nghề không có giấy phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 21 cơ sở nha khoa hành nghề trái phép hoặc vi phạm các quy định về hành nghề.

Đối với các nhà thuốc tư nhân, Sở Y tế đã xử lý 45 cơ sở với nhiều hành vi vi phạm khác nhau, trong đó có hành vi vắng mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian hoạt động của nhà thuốc, tuy nhiên Thanh tra chưa đủ cơ sở để xác lập hành vi vi phạm về thuê, mượn chứng chỉ hành nghề y, dược.

Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 1.800 phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, trên 7.000 nhà thuốc… Việc kiểm tra tuân thủ các quy định pháp luật trong hành nghề y, dược tư nhân thuộc trách nhiệm của phòng y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức và Thanh tra Sở Y tế.

Trong thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã nỗ lực chuyển đổi số trong công tác cung ứng thủ tục hành chính công, hình thành kho dữ liệu chứng chỉ hành nghề y, dược, xây dựng quy trình nội bộ giúp phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề giả trong lĩnh vực y, dược để đăng ký hành nghề.

Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp quản lý hành nghề y, dược nhằm sớm chấm dứt tình trạng sử dụng chứng chỉ hành nghề giả từ địa phương này sang địa phương khác để đăng ký hành nghề.

Trong khi chờ các giải pháp mang tính đồng bộ, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân tiếp tục phản ánh kịp thời về Thanh tra Sở qua ứng dụng "Y tế trực tuyến", số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Sở (0989.401.155) khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược.

Phạt 5 người sử dụng giấy tờ giả đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược

Ngày 13.9, Thanh tra Sở Y tế cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế đối với 13 cá nhân và tổ chức với tổng số tiền trên 360 triệu đồng.

Cụ thể, có 5 cá nhân bị xử phạt về hành vi giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược, mỗi người bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, với hành vi này, Sở Y tế đã xử phạt hàng chục người.

Đáng chú ý, nhà thuốc My Châu 9 (khu phố 6, P.Thới An, Q.12) bị xử phạt 44 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 4,5 tháng; buộc tiêu hủy toàn bộ thuốc không có số đăng ký lưu hành, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyên nhân, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc My Châu 9 vắng mặt trong thời gian hoạt động. Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định. Mua, bán thuốc, dược liệu không có giấy đăng ký lưu hành. Không có thiết bị, không triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, không thực hiện kết nối mạng, không bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra theo quy định của pháp luật. Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc. Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Tín (đường Phan Đình Phùng, P.2, Q.Phú Nhuận) bị xử phạt 50 triệu đồng do bán thuốc cho cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Công ty TNHH mỹ phẩm Ngọc Ý Châu (đường số 1B, khu phố 27, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) bị xử phạt 70 triệu đồng, buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm. Nguyên nhân công ty sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Công ty TNHH SX TM mỹ phẩm Triệu Vy (ấp 2, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh) bị xử phạt 78 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong thời hạn từ 1 - 3 tháng. Buộc nộp lại số tiền thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.