Tình thâm

03/05/2014 03:00 GMT+7

“Phụ tử tình thâm/Công thầy rồi nghĩa mẹ/Đừng có tiếng tăm chi nặng lời/Đừng cả tiếng dài hơi/Nói mẹ cha sao nên/Mà cãi mẹ thầy sao phải...”

“Phụ tử tình thâm/Công thầy rồi nghĩa mẹ/Đừng có tiếng tăm chi nặng lời/Đừng cả tiếng dài hơi/Nói mẹ cha sao nên/Mà cãi mẹ thầy sao phải...” (Lời một bài dân ca Nghệ An)

 
Minh họa: Văn Nguyễn

1. Chương trình kết thúc muộn hơn so với giờ thông báo nên đến tận khuya, Phan đành phải đi xe ôm về phòng trọ. Mọi người trong xóm trọ hầu hết đã tắt đèn đi ngủ từ trước đó.

Vừa mở cửa phòng mình, Phan nghe phòng bên, tiếng thằng Minh gọi:

- Phan! Qua nhận quà về này.

Khép cửa rồi bước sang phòng bên cạnh, Phan lấy làm ngạc nhiên khi thằng Minh đưa cho mình túi đồ, bên trong có một chiếc giò lụa gói lá dong chắc lẳn, mấy loại cá rồi mực khô, thêm một ít trái cây còn tươi nguyên.

- Ai gửi cho tao vậy? -

Phan hỏi.

Thằng Minh trở nên lúng túng, mãi một lúc sau mới chịu thú nhận:

- Chiều nay cha mày ghé ngang đây. Không có mày ở nhà nên ông nhờ tao đưa lại cho mày.

Đột nhiên Phan chùng người lại. Rồi rất nhanh, Phan đùng đùng nổi giận:

- Tao đã bảo với ông ấy là đừng bao giờ tới đây nữa. Vậy mà không hiểu sao ông ấy còn bén mảng đến đây làm gì không biết.

Quay sang Minh, Phan tuôn một tràng xối xả:

- Mày nữa. Đã biết chuyện của tao như vậy rồi, mày còn nhận thứ của nợ này làm gì. Bây giờ, một là tao sẽ vứt mấy thứ này ra ngoài thùng rác; hai là mày cứ giữ lấy rồi muốn làm gì thì làm.

Nói rồi, không đợi thằng Minh có phản ứng gì, Phan đóng sầm cánh cửa trước khi về phòng mình; không đoái hoài đến khuôn mặt đang nghệt ra của người bạn đồng hương. Về phòng mình, Phan chẳng còn thiết tha đến việc đi tắm, đánh răng; thậm chí cũng chẳng thèm thay đồ, cứ vậy mà ngã vật xuống giường. Nhưng làm sao mà nhắm mắt được với cục nghẹn đang cộn lên trong lòng.

2. Phan chưa bao giờ quên được, kể cả lúc này, khi đã là sinh viên năm ba, thì hình ảnh ngôi nhà bốc cháy ngùn ngụt vẫn thường hiện về trong những giấc mơ. Có nhiều đêm, Phan bật dậy giữa chừng, miệng không ngừng la hét: “Cháy nhà. Bớ bà con cháy nhà”. Đến khi tĩnh trí lại, Phan thấy khắp thân thể mình đâu đâu cũng ướt nhẹp, mồ hôi túa ra như tắm. Lúc đó, mấy người trong xóm trọ vội vã chạy sang, vừa gõ cửa sầm sầm vừa hỏi dồn: “Có chuyện gì thế Phan?”.

Phan thoáng bối rối:

- Xin lỗi mọi người. Tôi vừa nằm mơ thấy ác mộng.

Sau câu trả lời của Phan, mọi người lục tục ai về phòng người nấy. Còn lại một mình, Phan bắt đầu cảm thấy chơ vơ giữa căn phòng chật hẹp. Nhớ lại giấc mơ mà mình vừa trải qua, tự dưng Phan muốn khóc òa lên. Nhưng có cái gì đó chẹn ngang cổ khiến Phan không khóc được, chỉ cảm thấy bứt rứt lẫn bực bội.

Những đêm như vậy, Phan thường bần thần một lúc lâu, miệng lẩm nhẩm: “Giá như hồi đó ngôi nhà không bốc cháy...”.

Hình ảnh ngôi nhà bốc cháy đã thiêu đốt đi của Phan quá nhiều thứ. Những bữa cơm đầm ấm có cả nhà quây quần bên nhau. Những tiếng cười trẻ thơ hồn nhiên. Những giấc ngủ an lành. Tất cả bị ngọn lửa lan dần, lan dần rồi đốt trụi. Hậu quả của trận hỏa hoạn ấy là mất mát và chia lìa. Ba mẹ con Phan là người lãnh đủ.

... Mười bốn năm trước, Phan vừa tròn sáu tuổi, đang học lớp một tại trường làng. Ngôi nhà của Phan nằm dưới chân một ngọn đồi. Hằng ngày, Phan và anh trai một buổi đi học còn một buổi thì lên đồi kiếm củi. Cha mẹ Phan vào bùng, cách nhà hàng chục cây số, sâu hun hút trong rừng để khai vỡ đất trồng đậu, lạc. Người làng ai cũng biết cha Phan là người tính tình cộc cằn, nóng nảy. Không ít lần nhà Phan và hàng xóm cự cãi với nhau nhưng rồi cũng chẳng ai để bụng vì ai cũng hiểu tính cha Phan.

Buổi sáng hôm đó, cha Phan sang nhà hàng xóm phụ họ xây nhà. Đến bữa cơm trưa, đợi mãi không thấy cha về, ngỡ rằng ông đã ăn cơm bên đó, mẹ Phan liền dọn cơm để ba mẹ con ăn với nhau. Lúc về, nhìn nồi cơm sạch bách, cha Phan liền nổi giận, đá nồi đá mâm loảng xoảng. Rồi không nói không rằng, ông chạy quáng quàng vào bếp, cầm chiếc bật lửa từ hốc bếp lên rồi ghé sát mái nhà. Ngón tay cái của ông ấn mạnh.

“Tạch”.

Ban đầu chỉ là một ngọn lửa liu hiu từ chiếc bật bằng gas, rồi ngọn lửa bén vào mái tranh, bùng lên réo rắt.

Lúc đó hàng xóm đang trong giấc ngủ trưa. Ba mẹ con Phan cũng đang nằm trong nhà, thiu thiu ngủ. Cho đến khi hơi nóng phả ra hầm hập thì cả ba cùng thức giấc. Thức giấc và thấy xung quanh đang được bao phủ bởi một đám lửa càng lúc càng dữ tợn, giống như một con quái thú khát mồi, chỉ chực nuốt trọn tất cả mọi thứ vào bụng.

Phan ngơ ngáo nhìn ngọn lửa, chưa kịp hiểu đang có chuyện gì xảy ra thì mẹ vội vã cầm tay hai anh em lao vụt ra ngoài. Xuyên qua cả màn lửa.

Vừa chạy ra đến sân, Phan thấy cha đang đứng ngoài đó, đôi mắt rực lửa. Khuôn mặt ông đỏ lựng như gà chọi trong cơn say đấu. Ông hướng về ba mẹ con Phan, gào thét: “Chúng mày dám ăn hết cơm của ông, ông cho chúng mày biết tay!”.

Tiếng gào của cha Phan hòa lẫn vào tiếng tí tách của những mắt nứa đang cháy cạnh bên. Ba mẹ con Phan vẫn dán chặt đôi mắt mình vào ngôi nhà đang bốc cháy. Ngôi nhà được dựng từ những thân gỗ lấy trên rừng, mái lợp bằng tranh khô, lại gặp hôm trời nồm, từng đợt gió hanh hao như tiếp tay cho con quái thú khát mồi. Tất cả gom lại rồi bùng lên. Ngùn ngụt.

Ba mẹ con bất lực nhìn ngôi nhà của mình bị ngọn lửa thiêu rụi. Chẳng mấy chốc, ngôi nhà ba gian của Phan trở thành một đống tro tàn. Vào thời khắc đó, khi ngôi nhà không còn nữa, Phan có cảm giác trên cơ thể mình, một bộ phận nào đó cũng vừa bị người ta xén đi. Không rõ là bộ phận nào nhưng cái đau buốt là có thật.

Mãi một lúc sau hay tin, hàng xóm mới chạy sang. Khuôn mặt ai nấy đều thảng thốt. Có lẽ đến lúc này, mẹ Phan mới nhận ra sự thật rằng, ngôi nhà của mình đã không còn nữa. Sự thật này khiến bà đau nhói. Bà đổ uỵch xuống đất, héo rũ như một tàu lá chuối vừa bị lửa táp vào. Tuyệt nhiên lúc đó, ba mẹ con Phan không ai khóc. Ai cũng ráo hoảnh.

- Chú Đông đi đâu rồi?

Mọi người xôn xao hỏi về cha Phan. Nhưng nhìn trước rồi nhìn sau, không ai trông thấy ông đâu cả. Và cũng từ hôm ấy, cha Phan không bao giờ về nữa. Bặt tăm bặt tích như chưa từng hiện diện trên đời.

Một ngày sau đám cháy, hàng xóm cùng xúm vào dựng tạm cho ba mẹ con Phan một ngôi nhà. Vẫn là những cây gỗ được đốn trong rừng. Vẫn là những tấm liếp quây xung quanh được đan bằng nứa, mái được làm từ lá tranh khô hàng xóm trữ sẵn trong nhà. Ngôi nhà trông có vẻ mới hơn nhưng lại rỗng rễnh bên trong vì tất cả đã bị ngọn lửa thiêu sạch. Rồi cũng nhờ vào tình làng nghĩa xóm, mẹ con Phan có thêm cân gạo, những bộ quần áo, những chiếc nồi chiếc bát… để bắt đầu cuộc sống mới.

Đến bây giờ, Phan cũng không biết vì đâu mẹ mình lại có đủ sức mạnh mà vượt qua những ngày tháng đó, khi bên cạnh không còn chỗ dựa vững chắc, chỉ còn hai đứa con thơ dại là Phan khi đó sáu tuổi, còn anh trai cùng vừa tròn mười lăm. Người ta có thể ăn những bữa cơm độn sắn trường kỳ nhưng để quên đi những tháng ngày tươi đẹp mà mình từng có, là một điều rất khó. Hay để quên đi một người từng đầu ấp tay gối với mình cũng vậy. Nhưng mẹ Phan đã làm được!

Phan và anh trai hồn nhiên lớn lên dưới bàn tay mẹ. Sau này, lớn hơn một chút, mỗi lần ai đó hỏi cha mày đi đâu, Phan luôn hậm hực: “Ông ấy đói lắm nên đã đi tìm cơm ăn rồi!”.

3. Ngày chủ nhật, Phan đón xe bus xuống khu công nghiệp thăm anh. Anh trai Phan đang làm công nhân tại đây cũng hơn mười năm. Ghé vào phòng đưa cho anh túi trái cây vừa mua trên đường xuống đây rồi hai anh em cùng ra quán nhậu vỉa hè.

Không cần đến dụng cụ để khui nắp chai, anh trai giữ chặt một chai bên tay phải, tay trái cầm một chai khác rồi ghè hai miệng chai vào nhau. Anh trai thuận tay trái, việc gì cần đến sức lực cũng phải dùng đến cánh tay này. “Cạch”. Lần lượt hai chai Sài Gòn đỏ được mở nắp. Khỏe không. Phan nhìn anh trai thích thú, lại có phần ngưỡng mộ.

Phan và anh trai cầm chai rót bia vào ly của mình. Hai anh em cùng cụng ly trước khi đưa lên miệng uống. Ánh mắt Phan dừng lại ở bàn tay to bè và thô kệch của anh trai với những vết chai gồ lên trong lòng tay, dù không phải lần đầu trông thấy nhưng ngụm bia trong miệng Phan cũng trở nên đắng nghét. Từ lúc cha bỏ đi, gánh nặng trong nhà dần dần được chuyển từ mẹ sang anh trai. Chưa bao giờ anh trai phàn nàn hay ta thán một câu gì cả, như thể từ nhỏ anh đã biết rằng đó là số phận của mình.

Lần gặp này, anh trai có vẻ mệt mỏi và xanh xao.

- Bữa nay sao không thấy chị Miên tới, anh? - Phan cất tiếng hỏi khi đã nuốt ực ngụm bia vào bụng.

Chị Miên xấp xỉ tuổi anh trai, cả hai cùng đang ngấp nghé tuổi băm. Thêm nữa, chị Miên cũng không phải là người mặn mà nhan sắc. Có lẽ vì luôn tự ti với hàm răng mà mọi người vẫn gọi đùa là “bàn nạo dừa” nên Phan ít khi thấy chị cười, chỉ mím mỉm. Dạo trước, mỗi lần xuống thăm anh trai, Phan đều gặp chị Miên ở phòng anh. Chị Miên không chỉ giặt giũ áo quần cho anh trai mà còn đích thân làm cơm để ba người cùng ăn.

Anh trai và chị Miên chính thức yêu nhau cũng hơn ba năm. Cho dẫu chị Miên có thua thiệt về hình thức như thế nào thì Phan vẫn nghĩ mình không có quyền phản đối bởi suy cho cùng, đó là cái duyên số mà anh trai và chị Miên có với nhau. Nhiều lần Phan thấy mẹ giục anh trai cưới vợ nhưng những lần ấy, Phan chỉ nghe anh ậm ừ: “Tụi con còn trẻ, vội làm gì mẹ! Đợi lúc nào em Phan tốt nghiệp ra trường, đi làm rồi cưới cũng chưa muộn”. Mỗi lần nghe anh trai trả lời mẹ như vậy, Phan lại thấy lòng đắng đót, mũi cay xè.

Sau câu hỏi của Phan, đột nhiên anh trai khóc rưng rức, như có gì đó chôn chặt giờ mới có dịp òa lên. Giọng anh trai nghèn nghẹn:

- Anh và chị Miên bỏ nhau rồi…

Phan ngạc nhiên:

- Sao thế?

Phải mất một lúc sau anh trai mới lấy lại được bình tĩnh.

- Tuần trước anh có về nhà chị Miên, nhà bên ấy lại hỏi về chuyện cưới xin. Cuối cùng, không nghe anh đả động đến, bố chị Miên đã nổi giận. Ông bảo, con gái con đứa có thì mà con Miên thì không thể chờ đợi được nữa.

Anh trai nói thêm, tiếng nọ tiếng kia sít vào nhau như bị nghẹt mũi.

- Còn một lý do nữa, bố chị Miên không nói ra nhưng anh biết người ta đang ngần ngại vì nhà mình không có cha…

Trái tim Phan thắt lại. Tự dưng Phan muốn khóc. Khóc vì thương anh trai, và cũng thương cho cả mình. Nếu ngày đó, người mà anh em Phan gọi bằng cha, không đùng đùng đốt nhà rồi bỏ đi, thì có lẽ hoàn cảnh của anh trai không éo le như vậy. Thêm nữa, nếu hồi đó ba mẹ con Phan không kịp thức giấc, thì có khi cả ba người cũng đã cháy đen, không còn phân biệt được đâu là xương cốt đâu là tàn tro của gỗ, nứa.

Cơn giận trong Phan thêm một lần nữa lại bùng lên. Giá như anh em Phan chịu cảnh mồ côi cha thì chẳng nói làm gì, có khi nó lại khiến hai anh em nhẹ lòng hơn. Đằng này… Trong Phan lúc nào cũng bị cái “án” cha bỏ đi vì miếng ăn treo lơ lửng, không cách gì rũ bỏ ra khỏi đầu được.

Phan và anh trai cùng cầm ly lên uống, uống một cách vội vàng như thể muốn nuốt trôi những phiền muộn ở đời.

4. Dạo này tình hình báo chí gặp nhiều khó khăn, một số tờ đã phải đình bản và không ít phóng viên trong các cơ quan báo chí bị cắt giảm biên chế. Khi nghe những thông tin đó, tự nhiên Phan cảm thấy chùng lòng xuống, không biết mai sau mình ra trường sẽ ra sao.

Phan có hơi ngổn ngang trong mớ câu hỏi đó, nhưng lúc nghe cậu bạn cùng lớp an ủi: “Phóng viên mất giá nhưng cộng tác viên lại được giá”, thì Phan không thể phì cười. Đôi khi vì một lý do nào đó, như không phải tốn một khoản tiền để đóng bảo hiểm mà có thực tế như vậy.

Đang ngồi với cậu bạn, đột nhiên điện thoại của Phan rung lên bần bật. Phan vội vàng bắt máy. Là số máy của anh trai nhưng giọng nói lại là của một người khác: “Cậu vào ngay bệnh viện C đi nhé! Anh trai cậu đang nằm trong đó…”.

Đầu Phan ong ong, choáng váng. Chẳng kịp suy nghĩ gì thêm, Phan mang túi rồi chạy ào ra tìm xe ôm, tức tốc vào bệnh viện. Hỏi thăm một hồi, cuối cùng Phan cũng tìm ra phòng anh trai đang nằm. Nhưng lúc đó các bác sĩ đang làm việc nên Phan không được phép vào. Phan thất thểu quay ra hành lang, vừa lúc một y tá từ phòng anh trai bước ra. Phan vội vàng chạy tới hỏi thăm tình hình:

- Chị y tá! Anh tôi bị làm sao vậy?

Nhìn khuôn mặt đầy lo lắng của Phan, người y tá không đành lòng bước đi.

- Anh trai cậu bị suy thận mạn, là giai đoạn nặng lắm rồi.

Nữ y tá nói thêm, giọng nhanh và có phần thanh thoát như vừa trút được một gánh nặng nào đó:

- Cũng may, có người đồng ý hiến tặng anh cậu một quả thận. Không có gì thay đổi, thì chiều nay chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật và cấy ghép. Xem như anh cậu đã được cứu sống…

Nói rồi, nữ y tá đi về cuối hành lang, không rõ đã kịp nghe câu cảm ơn của Phan hay chưa. Còn lại một mình, Phan thấy lòng chộn rộn, nửa mừng vui nửa lại ngạc nhiên. Không trù trừ thêm nữa, Phan chạy vội đi tìm phòng của người vừa có nghĩa cử cao đẹp với anh trai mình. Thực sự Phan vẫn chưa dám tin trên đời lại có một người tốt bụng như vậy.

Vừa bước vào phòng, Phan liền khựng người lại. Cảm giác ngộp thở như có ai đang dùng dây siết chặt lấy cổ. Ân nhân của gia đình Phan đang nằm trên giường số 3 không ai khác, chính là ông ấy.

Nhanh như lúc bước vào, Phan quay người đi thẳng ra hành lang bệnh viện. Hành lang lúc đó khá vắng vẻ, lâu lâu mới có một vài bước chân loẹt xoẹt ngang qua. Bỗng nhiên Phan cảm thấy hai mắt mình xôn xốn, người run rẩy như muốn khuỵu xuống. Nhưng Phan đã kịp nương theo tiếng hót đầy rộn ràng của một chú chim sẻ vừa cất lên, để cơ thể mình tiếp tục trụ lại trên đôi chân vững vàng.

Hít vào một luồng hơi căng đầy lồng ngực, Phan chậm rãi quay lại căn phòng lúc nãy. Phan thấy ông ấy đang ngước khuôn mặt ra phía cửa như chờ đợi. Phan tiến đến ngồi xuống một chiếc giường bên cạnh, khuôn mặt vừa căng thẳng vừa lo lắng. Sau cùng, như muốn Phan yên tâm hơn, ông nói vọng sang, giọng trầm nhưng đủ để người đối diện nắm bắt đầy đủ thông tin.

- Cha và anh đang chờ bác sĩ làm các thủ tục xét nghiệm. Nếu không có gì thay đổi, chiều nay các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật và cấy ghép thận cho anh. Con không phải lo gì đâu, cứ yên tâm học hành đi.

Phan không nói gì. Mặc dù thế, ông vẫn tiếp tục lên tiếng, như thể sự im lặng của Phan là điều mà ông đã biết trước.

- Con đừng gọi điện về cho mẹ làm gì, kẻo mẹ lại lo. Ở trong này, mấy cha con mình giải quyết là được rồi!

Đến lúc này, Phan thực sự thấy mắt mình đã ướt nhòe. Bằng một động tác lặng lẽ, Phan xoay người hướng ra phía hành lang. Phan hy vọng sẽ tìm thấy chú chim sẻ vừa nãy nhưng lạ lùng sao chú chim ấy đã bay đi tự lúc nào, như chưa từng chuyền cành và thả những tiếng hót rộn ràng trên tán cây gần đó. Điều Phan nhận được trong tâm tưởng lúc này chỉ là một buổi trưa đầy nắng và im gió.

Sài Gòn 13.4.2014

Truyện ngắn của Hồ Huy Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.