Tình bạn khi có sự rạn nứt, nên tìm cách hàn gắn hay để vỡ tan?

Phúc Kha
Phúc Kha
24/02/2023 15:51 GMT+7

Trong cuộc sống, tình bạn không phải lúc nào cũng đầy màu hồng. Đôi lúc, rơi vào trạng thái bị rạn nứt, có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Khi có xảy ra những mâu thuẫn trong mối quan hệ, người trẻ cần phải làm gì để vượt qua?.


Tình bạn khi có sự rạn nứt, nên tìm cách hàn gắn hay để vỡ tan? - Ảnh 1.

Để duy trì tình bạn dễ hay khó?

Thùy Linh

"Kết thúc một tình bạn buồn bã hơn nhiều so với việc kết thúc một mối tình"

Để xây dựng được một tình bạn đẹp, gắn bó lâu dài thì cần rất nhiều thời gian. Thế nhưng, khi tình bạn đã rạn nứt, tan vỡ thì lại có rất nhiều lý do vì mâu thuẫn, thậm chí đôi khi chỉ là hiểu nhầm.

Vừa mới chia tay với người bạn thân sau gần 4 năm thân thiết, chia ngọt sẻ bùi khi học đại học, Nguyễn Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nhận thấy rằng tình bạn chỉ đẹp và vui vẻ khi chưa có lo âu, suy nghĩ về công việc.

Bích Ngọc bày tỏ: "Mình với cô bạn học chung lớp đại học từ năm nhất. Cả hai đi học, đi làm thêm cùng nhau. Đến kỳ thực tập, mình và bạn lựa chọn 2 nơi thực tập khác nhau. Tuy nhiên, tụi mình vẫn thường nhắn tin qua lại hỏi thăm nhau. Khoảng một thời gian sau đó, tụi mình ít nói chuyện. Mình nhắn tin, điện thoại bạn ấy có khi được khi không. Lúc nào, bạn ấy cũng nói bận làm việc. Hẹn gặp đi ăn uống thì bạn ấy luôn từ chối".

Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết mình và đứa bạn thân chơi chung gần 5 năm và lúc nào đi học, đi làm gì cũng cùng nhau. Tuy nhiên, Gia Bảo nói: "Gần đây thì bạn đã thay đổi rất nhiều, không còn quan tâm đến mình. Hơn nữa, bạn ấy thường đi sớm về muộn, lúc nào cũng căng thẳng, bực dọc khi về tới phòng trọ. Hỏi ra mới biết bạn đã có người yêu và muốn dành thời gian cho người ấy. Tình bạn kể từ ấy đã rạn nứt và chuyện ai đúng, ai sai dường như không còn quan trọng nữa".

Nguyễn Việt Văn (21 tuổi), đang trọ tại chung cư East Gate, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Khi bạn gặp chuyện không vui, ngay lập tức mình đến nhà bạn để an ủi, dỗ dành . Thế nhưng, khi mình có điều gì đó cần tâm sự thì bạn ấy lại nói: "mình đang bận học", "mình chuẩn bị đi ra ngoài. Vài lần như thế, mình nhận ra là không còn sự gắn kết nữa".

Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tình bạn tan vỡ giống như chiếc bình thủy tinh vừa bể. Nếu đơn phương níu kéo không khéo sẽ "dẫm phải những mảnh vỡ" khiến vết thương lòng vốn đau lại càng thêm đau. Lúc ấy những cảm xúc âm tính như: tức giận, buồn đau, thất vọng… sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa. Thế nên hãy nhẹ nhàng buông và chấp nhận vì vốn dĩ cuộc vui nào cũng có bắt đầu và kết thúc.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An nói: "Khi tình bạn đã tan vỡ nghĩa là một câu chuyện đã kết thúc. Không nên nói là "níu kéo để quay lại" mà hãy xem như là bắt đầu một mối quan hệ mới với những con người hoàn toàn mới. Với những gì đã trải qua trong quá khứ, xem như là bài học kinh nghiệm để vun đắp cho mối quan hệ mới ở hiện tại tốt đẹp hơn".

Đừng tiếc lời xin lỗi và tha thứ cho nhau

Tình bạn là thứ tình cảm rất đáng được trân trọng. Khi xảy ra hiểu nhầm thì cần có sự trao đổi với nhau để tìm cách giải quyết, hạn chế rạn nứt.

Theo Hoàng Thị Thu Trang (22 tuổi, đang trọ tại chung cư Bcons, TP.Thủ Đức, TP.HCM), tình bạn giống như tình yêu, không tránh khỏi những lúc bạn bè giận dỗi hay cãi vã nhau. Đừng vì những vấn đề không đáng có mà khiến tình bạn rạn nứt. Thu Trang chia sẻ: "Tình bạn phải được xây dựng và vun đắp từ cả hai phía. Hãy luôn thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu để giữ gìn tình bạn. Nếu đối phương không muốn tiếp tục tình bạn thì mình đừng lãng phí thời gian một cách vô ích".

Tình bạn khi có sự rạn nứt: Hàn gắn hay để vỡ tan? - Ảnh 2.

Khi xảy ra rạn nứt trong tình bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục

PHÚC KHA

Từng hàn gắn thành công mối quan hệ với bạn thân, Thu Trang cho rằng: "Khi có sự rạn nứt, mình cần sắp xếp một cuộc gặp gỡ. Việc gặp gỡ nhau là cơ hội để chia sẻ những suy nghĩ, nói lời xin lỗi một cách chân thành nhất. Đừng tiếc lời xin lỗi và tha thứ cho nhau, cả hai cố gắng bỏ qua lỗi lầm và cùng nhau xây dựng lại mối quan hệ tốt đẹp hơn ở tương lai".

Cũng từng rơi vào trường hợp mâu thuẫn với người bạn thân lâu năm nhưng đã tìm được hướng giải quyết êm dịu, giúp mối quan hệ tình bạn không đổ vỡ, Lê Hoàng Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến mối quan hệ rơi vào tình trạng căng thẳng. Việc đổ lỗi cho nhau sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Thay vào đó, hãy tìm cách tháo gỡ bằng một cuộc nói chuyện thẳng thắn với những người bạn thân thiết của mình".

Tình bạn khi có sự rạn nứt, nên tìm cách hàn gắn hay để vỡ tan? - Ảnh 4.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An chia sẻ cách giữ gìn tình bạn

NVCC

Khi tình bạn đã tan vỡ nghĩa là một câu chuyện đã kết thúc. Không nên nói là "níu kéo để quay lại" mà hãy xem như là bắt đầu một mối quan hệ mới với những con người hoàn toàn mới. Với những gì đã trải qua trong quá khứ, xem như là bài học kinh nghiệm để vun đắp cho mối quan hệ mới ở hiện tại tốt đẹp hơn

Thạc sĩ tâm lý ĐẶNG HOÀNG AN

Thạc sĩ An nhìn nhận trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy khi rơi vào tình trạng rạn nứt thì việc đầu tiên là giữ cho mình "cái đầu lạnh" để bình tĩnh, sáng suốt tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng rạn nứt trong tình bạn. Nguyên nhân ấy là do mình, đối phương hay do cả hai, hoặc một nguyên nhân nào khác.

Trên cơ sở đó tìm ra các phương án củng cố, hàn gắn. Song song đó là giữ cho mình "trái tim nóng", cho nhau cơ hội ngồi lại, lắng nghe nhau thật sâu sắc để hiểu hơn về đối phương, để nhìn lại mình. Từ đó, giúp gia tăng sự thấu cảm trong tình bạn và nếu có thể hãy tập di chuyển cảm xúc, suy nghĩ hướng đến những điểm mạnh của đối phương, nghĩ về những kỷ niệm đẹp của tình bạn.

Để duy trì tình bạn bền chặt, anh Đặng Hoàng An khuyên người trẻ khi bắt đầu “công trình tình bạn” hãy đặt nền móng bằng những viên gạch chân thành, tôn trọng và tử tế dành cho nhau. Bên cạnh đó, cần nhớ đến bài toán cho bất kỳ mối quan hệ nào dù là tình bạn, tình yêu hay tình thân không phải là 1 + 1 = 2 mà 0.5 + 0.5 = 1 nghĩa là cái tôi cá nhân của mỗi người phải giảm xuống, nửa còn lại là biết đặt mình vào vị trí của bạn.

"Hai việc trên như thể chất keo vô hình có thể giúp kết dính lại tình bạn. Nếu sau khi đã ngồi xuống cùng nhau mà cả 2 đều cảm thấy mối quan hệ ở hiện tại trở nên ngột ngạt, gượng gạo thì thẳng thắn nói lời kết thúc trong sự nhã nhặn, nhu hòa", anh Hoàng An chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.