Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ‘Ai chần chừ cổ phần hóa, mời làm việc khác’

19/02/2014 02:21 GMT+7

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị bàn về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 18.2.

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị bàn về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 18.2.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ‘Ai chần chừ cổ phần hóa, mời làm việc khác’
Ảnh: Ngọc Thắng

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu nếu lãnh đạo nào chần chừ, không làm, cần lập tức thay thế. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải nghiêm túc xem trách nhiệm, kỷ cương khi thực hiện là giải pháp đầu tiên, mang tính quyết định để cải tổ lực lượng này hoạt động thực sự chất lượng, hiệu quả hơn.

“Nghĩ cách giữ tiền để không nộp về T.Ư”

Cũng tại hội nghị trên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, sẵn sàng “trảm” cả Chủ tịch, Tổng giám đốc của Cienco 8 vì không hoàn thành nhiệm vụ. “Cổ phần hóa (CPH) có khó không, theo tôi không có gì khó cả. Rất đơn giản, vấn đề là lãnh đạo từng bộ, ngành và doanh nghiệp (DN) có quyết tâm làm hay không mà thôi”, ông Thăng nói. Đồng quan điểm, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát thừa nhận vấn đề khó thì rất khó nhưng nếu hội đủ điều kiện gồm chỉ đạo quyết liệt, tư tưởng thống nhất từ trên xuống dưới chắc chắn sẽ làm được.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng nhận khuyết điểm khi năm vừa qua thành phố không CPH được một DN nào. Về trước đó, ông cũng thừa nhận mỗi lần CPH xong lãnh đạo thành phố lại phải “đau đầu” nghĩ cách giữ lại tiền để tránh không phải nộp về ngân sách trung ương. Vì vậy, ông Hà đề nghị để đẩy nhanh CPH nên có cơ chế cho các địa phương giữ lại tiền nhằm giải quyết các chế độ cho người lao động. “Anh em nghĩ mình làm không được gì nên cứ đối phó, vừa nhức đầu, không hay mà lại không trung thực”, ông nói.

 

Trong 2 năm tới chúng ta còn lại 432 DN đã được phê duyệt phải quyết liệt làm cho được. Đồng thời rà soát tiếp bổ sung thêm DN phải CPH theo các tiêu chí mới. Giảm mạnh hơn nữa số DN 100% nhà nước, giảm tiếp số DNNN giữ cổ phần chi phối

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Ai không làm lập tức thay thế

Cho ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận kết quả đạt được của DNNN. Tuy nhiên, kết quả đó, theo Thủ tướng, vẫn chưa xứng với tiềm lực, lợi thế, mong muốn, yêu cầu đặt ra. Vốn, doanh thu, lợi nhuận tăng góp phần tăng thu ngân sách, đóng góp 32 - 33% GDP nhưng chiếm 60% tín dụng của cả nền kinh tế vẫn là mức thấp. Đó là chưa kể một số DN vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức ảnh hưởng không tốt tới tất cả DNNN khác.

Thủ tướng nhắc nhở trong 3 năm vừa qua con số 180 DN được sắp xếp lại, số CPH được 99 vẫn còn chậm. Trong khi CPH là trọng tâm của tái cơ cấu, nhiều DN cố gắng thực hiện, nhưng nhiều DN chậm triển khai, có đề án phê duyệt rồi không làm như Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Vinalines chưa làm được DN nào.

Về chủ trương sắp tới, Thủ tướng khẳng định để tái cấu trúc thành công nền kinh tế phải tập trung tái cơ cấu DNNN. Trong đó, trọng tâm là CPH, các bộ ngành phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, làm cho có hiệu quả. “Trong 2 năm tới chúng ta còn lại 432 DN đã được phê duyệt phải quyết liệt làm cho được. Đồng thời rà soát tiếp bổ sung thêm DN phải CPH theo các tiêu chí mới. Giảm mạnh hơn nữa số DN 100% nhà nước, giảm tiếp số DNNN giữ cổ phần chi phối”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Để thực hiện, Thủ tướng yêu cầu từng bộ trưởng, chủ tịch tỉnh đề cao trách nhiệm, kỷ cương, đặc biệt người đứng đầu, các cấp ủy. Đây là giải pháp quyết định, trọng tâm hàng đầu. “DN nào, anh chị nào chần chừ đề nghị các bộ trưởng mời làm việc khác. Chưa nói đến việc kiểm điểm nặng nề, nhưng không được đề bạt cao hơn”, Thủ tướng nhắc nhở. Về thoái vốn ngoài ngành hiện còn 17.000 tỉ đồng, Thủ tướng đề nghị phải phân loại cái nào cần bán bán ngay, nếu càng để càng lỗ chấp nhận bán dưới giá thành. Đối với các khoản đầu tư khác, dù ngoài ngành nhưng nếu có hiệu quả thì cần xây dựng lộ trình cho phù hợp.

Thủ tướng nhắc lại việc thoái vốn và trực tiếp giao Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì rà soát lại phương án CPH, các quy định “công ty con, cháu” có thể nghiên cứu phân cấp lại cho gọn; xem lại quy định lương thưởng tại các công ty cổ phần sao cho tương xứng với hiệu quả, kết quả kinh doanh. Công tác CPH không được chần chừ, phải làm nghiêm túc, làm nhanh nhưng phải dựa trên nguyên tắc: “Rút lui cũng phải có trật tự, có hiệu quả chứ không phải bỏ chạy tán loạn”.

Lấy vốn cổ phần làm vốn đối ứng xây Sân bay Long Thành

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, sắp tới Bộ sẽ tiến hành CPH một công ty con của TCT cảng hàng không VN thu tiền làm vốn đối ứng đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành đang cần vốn giai đoạn đầu 7 tỉ USD. Công suất cảng Tân Sơn Nhất khai thác đã vượt quá chỉ số dự tính nên nhu cầu đầu tư cảng quốc tế Long Thành rất cần thiết và gấp rút. “Vấn đề là tiền ở đâu và nếu trình Quốc hội thông qua chủ trương này chắc chắn sẽ hỏi tiền đâu để đầu tư, có làm tăng nợ công không...? Cho nên CPH một công ty con của TCT cảng hàng không để lấy tiền làm vốn đối ứng đầu tư cảng Long Thành là cần thiết", Bộ trưởng Thăng nói.

Anh Vũ

 

Doanh nghiệp ngành giao thông chạy đua cổ phần hóa

Theo Bộ GTVT, 11 tổng công ty (TCT) lớn thuộc bộ này gồm TCT xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4, 5, 6, 8, TCT Thăng Long, TCT xây dựng đường thủy, TCT tư vấn thiết kế giao thông vận tải; TCT vận tải thủy, TCT công nghiệp ô tô VN, TCT hàng không VN đang hoàn tất những bước cuối cùng để triển khai IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu).

Về phía các DN, theo quyết định CPH Cienco 5 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1.2014, tổng nợ của Cienco 5 là 603,6 tỉ đồng, tổng tài sản của DN là hơn 1.098 tỉ đồng. Xác định giá trị DN đạt gần 440 tỉ đồng, gấp 4 lần so với vốn cấp của nhà nước cho DN ban đầu (102 tỉ đồng). Ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐTV Cienco 5 cho biết, sau khi CPH, nhà nước giữ 35% (153 tỉ 653 triệu đồng). Cổ phần bán ra ngoài cho nhà đầu tư chiến lược 31% (136 tỉ ), bán đấu giá là 32,38% (142 tỉ 153 triệu đồng). Phần còn lại là bán cho người lao động và công đoàn. Hiện tại đã có nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần của Cienco 5. Theo ông Du, ngày 25.3, Cienco 5 sẽ tiến hành IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong trường hợp đấu giá không thành công thì tiếp tục bán tiếp, quan điểm là nhà nước không chi phối nữa. Sau khi CPH, Cienco 5 nộp về cho nhà nước 280 tỉ đồng so với 102 tỉ đồng vốn mà nhà nước cấp, trong khi nhà nước vẫn còn giữ 153 tỉ đồng vốn tại DN này (35% vốn).

M.Hà

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.