Thủ tướng: Ngân hàng phải đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để chia sẻ

Mai Hà
Mai Hà
15/07/2023 14:02 GMT+7

Theo Thủ tướng, nguồn vốn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động sống còn của ngân hàng. Khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp, đây là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi.

Sáng 15.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng: Ngân hàng phải đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để chia sẻ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị ngành ngân hàng sáng 15.7

NHẬT BẮC

Thủ tướng nêu rõ những đóng góp của ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào phát triển kinh tế. Theo đó, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). 

Lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11.200 khách hàng với dư nợ trên 24.800 tỉ đồng.

Dù vậy, vẫn còn những hạn chế, bất cập như mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại quan điểm chỉ đạo điều hành thống nhất của Chính phủ là ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm đời sống nhân dân, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng).

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" sang "chắc chắn" (từ tháng 10.2022) và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" (từ tháng 6). 

Điều này rất cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Thủ tướng cũng lưu ý, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Giữa ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh, nhân quả nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. "Nguồn vốn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động sống còn của ngân hàng. Khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi. Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai", Thủ tướng nói.

Tạo điều kiện cho "doanh nghiệp tốt" phát hành trái phiếu

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Hoàn thiện dự thảo luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10).

Thủ tướng: Ngân hàng phải đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để chia sẻ - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát

NHẬT BẮC

Về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á.

Theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Do đó, cần kiểm soát việc "đại chúng hóa" ở thị trường thứ cấp. Phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết…

Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, sai lệch, xuyên tạc, gây tác hại đến sự hoạt động lành mạnh, minh bạch của các thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.