Thu hút mọi nguồn lực để phát triển văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/12/2022 06:39 GMT+7

Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ” hôm qua (17.12) đã đưa ra nhiều phân tích, đề xuất thể chế chính sách để bổ sung nguồn lực cho văn hóa.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực; kết hợp định tính và định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển văn hóa. “Tập trung các nguồn lực cho phát triển văn hóa theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Bảo đảm mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả T.Ư và địa phương), hướng tới đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ: “Sửa đổi, hoàn thiện các quy định về chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện hơn nữa cho việc thu hút nguồn lực tư nhân, xã hội ở trong và ngoài nước cho lĩnh vực văn hóa”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan gian trưng bày tại triển lãm Bản sắc văn hóa Bắc Ninh trong khuôn khổ hội thảo

TTXVN

Tiêu chí bất cập, đề kháng văn hóa kém

Trước đó, cũng tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đã đề cập những ngôi nhà truyền thống với hàng rào cây xanh của các dân tộc thiểu số để dẫn chứng cho “độ chênh” giữa truyền thống thực hành văn hóa và các quy định hiện hành. Theo bà, những ngôi nhà sàn của người Thái, nhà trình tường của người Mông không chỉ “đông ấm, hè mát” mà còn chứa cả vũ trụ quan của các dân tộc, chẳng hạn như niềm tin về các vị thần trú ngụ ở bếp, ở bậc cửa, giữ của cải cho chủ nhà. Tuy nhiên, những ngôi nhà này lại không đạt chuẩn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 3 cứng (khung/tường cứng, mái cứng, sàn cứng). “Nhiều hộ gia đình được vận động phá bỏ ngôi nhà truyền thống của họ để xây những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn 3 cứng và có 3 công trình hợp vệ sinh như nước sạch, nhà tắm, hố xí…”, bà Châm cho hay.

Một tiêu chí khác cũng rất bất cập, theo chuyên gia này, là tiêu chí về môi trường xanh - sạch - đẹp. Theo đó, nhiều cộng đồng muốn đạt chuẩn này phải bỏ đi hàng rào, bức tường rêu phong gắn liền với ngôi nhà truyền thống của họ để thay bằng tường vôi quét sáng trưng. Cổng chào, đường hoa, tường vôi giống hệt nhau… đã tạo những khu dân cư nông thôn đơn điệu, thiếu bản sắc. “Không những vậy, sự ngăn nắp, đồng dạng này còn loại bỏ nguồn lực tri thức địa phương như tập quán dựng nhà, sắp xếp không gian sống, niềm tin tâm linh liên quan đến ngôi nhà…”, bà Châm nói.

Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại Bắc Ninh ngày 17.12.

Tham dự hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; các phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng 800 đại biểu tham dự trực tiếp.

Hội thảo thảo luận 5 nhóm vấn đề: Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; Chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Một đại biểu khác, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung thì lo ngại về sức đề kháng kém của công nghiệp âm nhạc và nghệ thuật nước ta. Ông cho biết hiện chúng ta hầu như không xuất khẩu biểu diễn ra thế giới. “Chúng ta đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc quá ít so với thế giới. Vì thế, rất khó xây dựng tác phẩm âm nhạc, biểu diễn đỉnh cao. Nó dẫn đến năng lực sáng tạo hạn chế và công nghiệp âm nhạc nghệ thuật khó đề kháng được sự xâm nhập của các sản phẩm nước ngoài”, ông Trung phân tích.

Ở một góc độ khác, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên lo lắng khi chúng ta quá thiếu tài năng sáng tạo. “Nói là không có tài năng nghệ thuật thì không đúng nhưng đúng là thiếu tài năng. Chúng ta bỏ quên việc đón nhận để đào tạo các tài năng từ nhỏ. Trước đây, chúng ta có sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng giờ không còn bậc thấp. Các tài năng như múa, mỹ thuật nếu được đào tạo từ nhỏ sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Vương Duy Biên nói.

Người Mông ở Hà Giang làm nhà trình tường

Lưu Quang Phổ

Nguồn lực đã ít còn lãng phí

Cũng tại hội thảo, GS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, đánh giá đội ngũ để phát triển công nghiệp văn hóa ở VN đang thiếu trầm trọng. Trong khi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc có cục riêng để quản lý công nghiệp văn hóa thì ở VN chỉ có một bộ phận nhỏ phụ trách lĩnh vực này đặt trong Cục Bản quyền tác giả. Thêm vào đó, do thu nhập thấp, chế độ tiền lương và điều kiện làm việc chưa tương xứng, cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, bổ nhiệm chưa minh bạch nên ngành rất khó thu hút nhân tài.

Bà Loan cũng đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng còn nhiều bất cập. “Gần đây, các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng khó chiêu sinh. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp nhiều khi không đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”, bà Loan phân tích, đồng thời đánh giá nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung đã tăng lên so với giai đoạn trước, song vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tiễn. Tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành cho thấy chi cho các hoạt động VH-TT-DL chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp. Đầu tư công cho văn hóa thông tin giai đoạn 2021 - 2025 chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn hạn chế.

Thêm vào đó, cách đầu tư cho văn hóa cũng dẫn tới dàn trải, lãng phí. Theo đánh giá của nhạc sĩ Quốc Trung, các liên hoan nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL thường ít mang đến tác phẩm đỉnh cao. Vì thế, đầu tư cho liên hoan không thu hút công chúng, cũng chẳng hấp dẫn với người làm nghề và dẫn tới lãng phí khoản tiền vốn đã ít ỏi. Nhân lực văn hóa cũng bị lãng phí khi đội ngũ thuộc biên chế thì thiếu động lực sáng tạo chuyên môn, đội ngũ năng động lại ít có cơ hội đóng góp sâu.

Cởi trói, huy động nguồn lực

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), chia sẻ một số chính sách văn hóa của Pháp. Theo đó, họ nổi tiếng với luật về thiết lập một đơn giá cố định đối với sách, sách điện tử nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận với văn hóa đọc và duy trì sự đa dạng trong lĩnh vực sách, bao gồm văn chương Pháp lẫn văn chương nước ngoài. Nước này cũng áp dụng chế độ đặc biệt đảm bảo cuộc sống cho nghệ sĩ, kỹ thuật viên sân khấu bị thất nghiệp. Pháp cũng có quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua Ủy ban “1% cho Nghệ thuật” được thiết lập từ năm 1951. Theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dành để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Cụ thể hơn, GS-TS Từ Thị Loan đề xuất thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như quỹ phát triển điện ảnh, quỹ hỗ trợ văn hóa số, quỹ hỗ trợ nghệ thuật… Vốn ban đầu có thể do Nhà nước cấp hoặc trích phần trăm từ doanh thu quảng cáo, truyền thông số, bản quyền khai thác các sản phẩm do Nhà nước đầu tư, lệ phí bán vé, các khoản hiến tặng cũng như nguồn thu hợp pháp khác. Bà Loan cũng cho biết tại Anh và Ý, tiền cho quỹ này có thể lấy từ nguồn thu xổ số. Tại Trung Quốc có quy định ngành công nghiệp giải trí phải đóng 3% lợi nhuận vào quỹ xây dựng văn hóa do Nhà nước quản lý.

Từ góc độ tài chính, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, đề xuất xem xét tỷ lệ để lại cho doanh nghiệp thu phí nhằm trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định. Phần còn lại (nếu có) thay vì nộp ngân sách nhà nước như hiện hành, được thay đổi theo hướng nộp về cho quỹ phát triển văn hóa nghệ thuật. Bà cũng cho biết, ngoài luật thuế, nhiều nước trên thế giới còn có thêm các đạo luật, nhằm khuyến khích và ưu đãi cho hoạt động văn hóa và nghệ thuật… Vì thế, bà Cúc đề nghị nghiên cứu đề xuất mới, sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành nhằm tạo nguồn lực tài chính cho nền văn hóa nước nhà phát triển theo các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, cho biết UNESCO ghi nhận VN đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Ông cũng gợi ý một giải pháp như: tham gia học hỏi kinh nghiệm trên thế giới và tham gia đối thoại chính sách trên các nền tảng khác nhau; tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số; cấp tín dụng thuế cho các doanh nghiệp văn hóa từ các nước đang phát triển khi nhập khẩu hàng hóa văn hóa… Đây là những cách đã mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết tại nhiều quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.