Thể thao Việt Nam nhất khu vực 2 kỳ SEA Games liên tiếp, gây ra sự ngộ nhận?

10/10/2023 12:33 GMT+7

Giành vị trí nhất toàn đoàn 2 kỳ SEA Games 31 và 32 nhưng thể thao Việt Nam phải 'ngước nhìn' nhiều đối thủ khác trong khu vực khi tham dự ASIAD 19.

Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 đã thẳng thắn nhìn nhận việc một vài niềm hy vọng của Việt Nam không thể đạt kết quả như kỳ vọng, đồng thời cũng chỉ ra rất nhiều điều mà thể thao nước nhà cần thay đổi trong thời gian tới để hy vọng có thể đạt được thành tích tốt hơn tại đấu trường châu lục.

'Các VĐV Việt Nam đã cố gắng hết sức có thể' - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Huyền (trái) và các đồng đội được kỳ vọng ở nội dung 4x400 m nhưng không thể đoạt huy chương ở ASIAD 19

ĐỘC LẬP

Vâng, nếu chúng ta cùng nhìn lại hành trang của đoàn thể thao Việt Nam từ trước khi lên đường thì sẽ hiểu rõ hơn cái khó của vị trưởng đoàn khi phải đối mặt với áp lực thành tích vô cùng to lớn. Mới năm ngoái, tại SEA Games 31 trên sân nhà, thể thao Việt Nam lập kỷ lục với 205 HCV, điều trong suốt chiều dài lịch sử 63 năm của Đại hội thể thao Đông Nam Á, chưa từng có đoàn thể thao nào đạt tới, lần thứ 2 đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. 

Sang tháng 5.2023, tại SEA Games 32 ở Campuchia, cũng với sức mạnh ở nhiều môn thể thao, đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục thi đấu thành công, không những tiếp tục đứng đầu mà còn khẳng định vị thế mới tại đấu trường khu vực khi lần đầu tiên "nhất SEA Games" không phải với vai trò chủ nhà. Xin nhấn mạnh chi tiết này, bởi chính thành tích tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp cũng đã đồng thời tạo nên trong tư tưởng của không chỉ người hâm mộ thể thao, báo giới mà ngay cả chính các vị lãnh đạo cấp cao hơn (so với Cục TDTT) suy nghĩ: sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ về thành tích tại ASIAD 19 - đấu trường thể thao châu lục mà Việt Nam từng nhiều lần tham gia trước đó nhưng luôn gặp phải nhiều khó khăn. 

Như trong các cuộc họp chỉ đạo ngành, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL từng giao nhiệm vụ cho đoàn thể thao Việt Nam phải vượt qua thành tích của ASIAD 18 (giành tới 5 HCV)!

'Các VĐV Việt Nam đã cố gắng hết sức có thể' - Ảnh 2.

Đội tuyển cầu mây 4 nữ Việt Nam đoạt HCV

ĐỘC LẬP

Trên thực tế, các nhà quản lý thể thao nước nhà hiểu rõ hơn ai hết. Bởi sự đột phá tại 2 kỳ SEA Games qua vốn chưa đồng nhất với sự vươn mình của thể thao nước nhà tại một đấu trường trình độ cao hơn rất nhiều như ASIAD. So với ASIAD 18, kỳ này không có môn võ pencak silat (từng đem về 2 HCV), không có nội dung thuyền 4 hạng nhẹ ở môn đua thuyền rowing (HCV kỳ trước). 

Trong khi đó, nhà vô địch ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) mới trở lại từ chấn thương (cạnh tranh huy chương SEA Games còn khó), còn Quách Thị Lan (400 m rào) vắng mặt bởi án phạt doping. "Mất trắng" cả 5 niềm hy vọng từng giành HCV kỳ trước, thể thao Việt Nam chỉ còn trông vào những niềm hy vọng khác. 

Thể thao Việt Nam nhất khu vực 2 kỳ SEA Games liên tiếp, gây ra sự ngộ nhận? - Ảnh 3.

Bùi Thị Thu Thảo không thành công tại ASIAD 19

Trong đó, rõ nhất chỉ có nội dung 4 người cầu mây sau khi đã 2 lần liên tiếp vô địch thế giới, thứ đến là nội dung quyền biểu diễn (kata) đồng đội nữ ở môn karate; còn lại những hy vọng ở các môn như bắn súng, cờ tướng, cử tạ hay xe đạp… đều chỉ ở mức độ "cạnh tranh" mà thôi. Ở nhiều môn thể thao, chúng ta đang có sự chuyển giao thế hệ, cần có thời gian… Trong khi ấy, một VĐV từng được kỳ vọng lớn sẽ giành HCV kỳ này - kình ngư Nguyễn Huy Hoàng có biểu hiện sút giảm phong độ cùng lúc đối thủ cạnh tranh đều tiến bộ rất nhanh, nên cũng chỉ tiếp tục là niềm hy vọng. Thực tế diễn biến của Á vận hội đã diễn ra như vậy. Cầu mây và karate đem về 2 tấm HCV trong dự kiến. Riêng tấm HCV bắn súng của Phạm Quang Huy khá bất ngờ, bởi Huy đã thi đấu xuất thần hơn cả sự kỳ vọng của chính các thầy ruột của mình (HLV Hoàng Xuân Vinh và chuyên gia Park Chung-gun).

Kết quả thi đấu sau cùng cũng cho thấy rõ hơn lý do vì sao "chỉ tiêu HCV" mà ngành TDTT đặt ra chỉ là "từ 2-5", một biên độ dao động khá lớn, và nó đến từ chính sự thiếu chắc chắn vào các nội dung có khả năng giành HCV về cho thể thao nước nhà tại ASIAD kỳ này. Chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi có thể nói là khá đáng tiếc vì kết quả thi đấu có thể tốt hơn (như Lại Lý Huynh ở môn cờ tướng hay Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp), nhưng khả năng để giành HCV cũng không hề rõ ràng.

'Các VĐV Việt Nam đã cố gắng hết sức có thể' - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Oanh (phải) cũng không thể tạo ra bất ngờ

ĐỘC LẬP

Ở đây xin được nói rõ hơn, sẽ là rất khập khiễng khi đưa ra so sánh giữa SEA Games và ASIAD. Như ở môn vật, các đô vật Việt Nam liên tục là "bá chủ" Đông Nam Á khi giành tới 13 HCV tại SEA Games 32, nhưng lại không thể có nổi dù chỉ… 1 tấm HCĐ tại ASIAD 19. Hay môn wushu giành 6 HCV tại SEA Games, nhưng thành tích tốt nhất ở ASIAD 19 chỉ là 2 tấm HCĐ. Hoặc môn taekwondo, giành 4 HCV SEA Games rồi chỉ có được vỏn vẹn 3 HCĐ ASIAD mà thôi… Khác biệt lớn này đến từ việc ASIAD tập hợp các VĐV mạnh nhất châu lục, thậm chí mạnh nhất thế giới ở nhiều môn thể thao.

Bởi vậy, nếu nhìn nhận thật sự khách quan thì có thể khẳng định: các VĐV Việt Nam đã rất cố gắng, nhưng chưa thể đạt thành tích như kỳ vọng bởi gần như thực lực trong thời điểm hiện tại chỉ có thế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.