Thành phố thứ 5 của Bình Dương phát triển đô thị xanh, đáng sống

Đỗ Trường
Đỗ Trường
26/04/2024 10:25 GMT+7

Sự kiện thành lập TP.Bến Cát đã góp phần đưa Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước có 5 thành phố trực thuộc. Ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thành ủy Bến Cát đã dành cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về định hướng phát triển kinh tế, xã hội, đô thị… của địa phương này.

Ông Bùi Minh Thạnh (bìa phải), Bí thư Thành ủy Bến Cát tiếp các nhà đầu tư nước ngoài

Ông Bùi Minh Thạnh (bìa phải), Bí thư Thành ủy Bến Cát tiếp các nhà đầu tư nước ngoài

Ảnh : Đ.T

Theo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kể từ ngày 1.5, TP.Bến Cát chính thức được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km² và quy mô dân số là 364.578 người; bao gồm 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An. Với sự kiện thành lập TP.Bến Cát đã góp phần đưa Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước có 5 thành phố trực thuộc bao gồm các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.

Diện mạo của TP.Bến Cát đang dần được thay đổi

Diện mạo của TP.Bến Cát đang dần được thay đổi

Ảnh: Đ.T

Đi lên từ vùng nông nghiệp thuần túy

Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thành ủy Bến Cát cho biết sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), Tỉnh ủy quyết định sáp nhập 2 địa phương Nam Bến Cát và Bắc Bến Cát để thành lập H.Bến Cát.

Đến tháng 10.1976, H.Trị Tâm (hiện nay là H.Dầu Tiếng, Bình Dương) được sáp nhập vào H.Bến Cát và lấy tên là H.Bến Cát. Ông Thạnh cho hay, thời điểm đó Bến Cát có 25 xã và bắt đầu bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Kinh tế của H.Bến Cát lúc bấy giờ chủ yếu nông nghiệp thuần túy, trồng lúa và hoa màu ngắn ngày, đời sống của người dân rất khó khăn.

Theo ông Thạnh, trải qua các kỳ đại hội Đảng bộ H.Bến Cát từ nhiệm kỳ 1 sau ngày giải phóng (năm 1975) đến nhiệm kỳ 6 (năm 1997, thành lập tỉnh Bình Dương, Bình Phước trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé), Đảng bộ H.Bến Cát đã xây dựng nghị quyết là phải có cơ chế quyết sách ưu tiên phát triển về nông nghiệp, thay đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, từng bước vận động nhân dân đầu tư vào hệ thống giao thông, điện, trường với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Từ kết quả đã làm thay đổi diện mạo của Bến Cát, với mô hình trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn được hình thành và ra đời, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân; cây công nghiệp dài ngày, cao su cũng được phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn ha tập trung ở H.Dầu Tiếng và H.Bàu Bàng (huyện được chia tách từ Bến Cát) hiện nay.

Một góc khu dân cư P.Mỹ Phước của TP.Bến Cát hiện nay

Một góc khu dân cư P.Mỹ Phước của TP.Bến Cát hiện nay

Ảnh: Đ.T

Sáng tạo và cầu thị để xây dựng Bến Cát

Với các mốc lịch sử đáng nhớ, tháng 8.1999 Bến Cát được chia tách thành 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng. Tiếp đến ngày 2.12.2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết chia tách H.Bến Cát thành H.Bàu Bàng và thành lập TX.Bến Cát. Đây là điều kiện, là cơ hội để Bến Cát phát triển đi lên như hiện nay.

Ông Bùi Minh Thạnh chia sẻ: "Có thể nói, xuất phát điểm là một huyện thuần nông với nhiều cam go trên con đường phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống, sự sáng tạo, cầu thị để xây dựng nên một mảnh đất giàu sức sống, trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị của Bình Dương".

Điểm nổi bật là từ năm 2001, Bến Cát được Chính phủ chấp thuận cho thành lập KCN Mỹ Phước có diện tích hơn 300 ha. Với chủ trương đúng đắn, chuyển đổi ngành nghề, từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, được người dân Bến Cát đã đồng tình ủng hộ. Đến nay, toàn địa bàn Bến Cát đã có 8 KCN và 1 khu sản xuất tập trung với tổng diện tích hơn 4.000 ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 90%, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các tỉnh thành trong cả nước đến làm việc và sinh sống.

Ông Bùi Minh Thạnh khẳng định từ trong khó khăn, Bến Cát đã vươn mình, lột xác, hòa mình vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của Bình Dương với cơ cấu kinh tế hiện nay: công nghiệp chiếm 70,1% - thương mại dịch vụ chiếm 29,7% - nông nghiệp chiếm 0,2%.

TP.Bến Cát tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị

TP.Bến Cát tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị

Ảnh: Đ.T

Nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ đến tốc độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế của Bình Dương nói chung và của Bến Cát nói riêng. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Cát đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị, tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Cát đạt trên 12,1%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.838 tỉ đồng (đạt 112% dự toán của tỉnh giao); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp (70,1%) - thương mại dịch vụ (29,7%) - nông nghiệp (0,2%); tổng giá trị sản xuất đạt trên 285 ngàn tỉ đồng; thu hút được 671 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án trên địa bàn Bến Cát đến nay là 6.441 dự án; phát triển mới 498 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Bến Cát đến năm 2040, đồ án quy hoạch phân khu 5 phường, 3 xã đã được phê duyệt làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; đến nay, một số công trình trọng điểm trên địa bàn Bến Cát đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa Bến Cát trở thành một trong những địa phương có hạ tầng giao thông phát triển, kết nối khu vực, tạo đà phát triển dịch vụ thương mại và logistics.

Công tác văn hóa - xã hội luôn được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả nhất định, an sinh xã hội luôn được đảm bảo, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, giảm nghèo, y tế được tập trung triển khai đồng bộ, công tác giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách, người có công, các đối tượng xã hội được quan tâm triển khai kịp thời, đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là cải cách hành chính trong đảng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền thân thiện; hiện nay, đầu tư xây dựng và vận hành hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công khang trang, hiện đại, tạo sự đồng thuận, hài lòng khi người dân đến giao dịch; kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bến Cát trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực và luôn đạt thứ hạng cao.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ hằng năm luôn đạt 100% chỉ tiêu trên giao; đặc biệt trong năm 2022 thị xã đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ có một phần thực binh năm 2022 theo đúng ý định và nghị quyết của cấp trên đề ra được giao và được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao...

TP.Bến Cát hướng đến phát triển đô thị xanh, đáng sống

TP.Bến Cát hướng đến phát triển đô thị xanh, đáng sống

Ảnh: Đ.T

Phát triển đô thị xanh, đáng sống

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Bến Cát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những địa phương đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, là vùng kinh tế phát triển công nghiệp hiện đại gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chính quyền số, kinh tế số; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Định hướng phát triển đô thị Bến Cát đến năm 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và bước đầu phát triển về đầu mối giao thông; trong đó: chú trọng đến việc gia tăng ngành sản xuất công nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ, có hàm lượng khoa học công nghệ gắn với phát triển đô thị xanh sạch không gây ô nhiễm môi trường; thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng ưu tiên các dịch vụ có lợi thế, giá trị chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái.

Đường Mỹ Phước Tân Vạn là một trong những tuyến đường huyết mạch đi qua TP.Bến Cát

Đường Mỹ Phước Tân Vạn là một trong những tuyến đường huyết mạch đi qua TP.Bến Cát

Ảnh: Đ.T

Định hướng đô thị Bến Cát đến năm 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; trong đó: chú trọng gia tăng ngành sản xuất công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ gắn với phát triển đô thị xanh sạch; phát triển kinh tế tri thức với hệ thống các trung tâm thương mại cao cấp, trung tâm tài chính hiện đại, trung tâm hậu cần dịch vụ kho vận logistics, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các dịch vụ an sinh xã hội đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Dương; đồng thời, ngành dịch vụ được hiện đại hóa với cơ cấu cân đối, hợp lý, có hệ thống phân phối phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng; khuyến khích chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp của Bến Cát thành các KCN công nghệ cao, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối vùng và thu hút đầu tư về logistics.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.