Lăng kính bạn đọc

Sớm chặn sai phạm trong quảng cáo về y tế trên mạng

Trí Minh
(tổng hợp)
14/12/2023 06:24 GMT+7

Trên không gian mạng thời gian qua xảy ra nhiều hành vi sai phạm về quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Bạn đọc kiến nghị ngành chức năng có giải pháp cụ thể để xử lý triệt để tình trạng này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Sở Y tế TP.HCM vừa họp với Sở TT-TT, Sở VH-TT, Công an TP.HCM và Trung tâm báo chí về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên không gian mạng, ngăn chặn những hành vi quảng cáo "bẩn" gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Cụ thể, thời gian qua, các đối tượng tạo lập website, tài khoản, hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube...) để thực hiện hành vi quảng cáo, giới thiệu việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), mua bán các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế... Tình trạng mạo danh y bác sĩ để thực hiện quảng cáo các dịch vụ KCB; đăng tải nội dung, hình ảnh có tính thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Sử dụng hình ảnh, đánh giá (review) của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc đăng thông tin quảng cáo trên các trang báo chí để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.

Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội thời gian qua rất bát nháo

Chụp màn hình

Từ thực trạng trên, các sở, ngành đã trao đổi, thống nhất giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP. Sở TT-TT làm đầu mối trong việc xây dựng công cụ để quản lý hoạt động quảng cáo của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Kiến nghị Bộ TT-TT tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Mối nguy từ quảng cáo thuốc trên mạng

Nhiều bạn đọc (BĐ) than phiền về tình trạng nhiều quảng cáo về y tế gây nhầm lẫn nguy hại trên không gian mạng. "Lên TikTok, YouTube lướt một chút là thấy nhảy ra quảng cáo các loại thuốc trị huyết áp, tiểu đường, xương khớp được giới thiệu như những loại thần dược. Khả năng đây là dạng thực phẩm chức năng, mà cũng không thể biết được chất lượng ra sao cả. Giờ cứ thấy những clip kiểu này là ngán, sợ", BĐ Truong Vung cho biết.

BĐ Yên Minh nêu ý kiến: "Đây là những quảng cáo cưỡng bức người dùng mạng xã hội, muốn tránh cũng rất khó. Tôi thì không tin và không mua những sản phẩm này, nhưng người thiếu thông tin, hoặc trong hoàn cảnh có bệnh thì vái tứ phương thì rất dễ sập bẫy".

BĐ Nguyen cảnh báo: "Báo chí đưa tin Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân là nạn nhân của việc mua thuốc trôi nổi trên mạng để trị vảy nến. Bệnh này ở bệnh viện chuyên da liễu có điều trị, đừng tin lời mấy ông thầy lang trên mạng rồi mua thuốc rẻ tiền rước họa vào thân".

"Có một số nghệ sĩ, người có nhiều ảnh hưởng lên Facebook viết hoặc đăng clip nói về hiệu quả của những loại thực phẩm chức năng. Họ nói thì rất hay nhưng làm sao kiểm chứng được công dụng? Nếu tin lời họ, mua về dùng mà không hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm?", BĐ Mienpham đặt vấn đề.

Cần cập nhật giải pháp để ứng phó

Trước tình trạng bát nháo quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên không gian mạng, BĐ Trịnh Cường khẳng định việc tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, các thủ đoạn hành vi quảng cáo sai phạm để nâng cao ý thức trong người dân là cần thiết, đồng thời kiến nghị: "Điều quan trọng là các cá nhân, tổ chức, đơn vị bị cho là có vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên mạng, tùy mức độ, phải bị xem xét, xử lý ngay. Việc này có quá khó đối với các cơ quan chức năng không?".

Cho rằng việc dùng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo là phổ biến, nên BĐ Hai Van đề nghị xử lý những trường hợp mạo danh: "Từng có bác sĩ nổi tiếng nhiều lần bị những trang mạng giả danh để quảng cáo chữa bệnh. Việc này rất nguy hiểm vì người dùng dễ tin theo. Tìm ra người đứng phía sau những tài khoản này không khó, cần phải phạt nặng để răn đe những trường hợp khác".

"Chuyện tuyên chiến với những hành vi sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo y tế như mạo danh bác sĩ, bán thuốc, thiết bị y khoa không rõ nguồn gốc đã được nhắc nhiều. Nhưng hoạt động trên không gian mạng thường xuyên biến đổi, nên mong các cơ quan chức năng có giải pháp thật cụ thể để ứng phó theo từng trường hợp, tùy thời điểm. Có vậy mới mong giảm được việc người dân bị lừa đảo tiền mất tật mang", BĐ Xuân Hoa đề xuất.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 13.12

Cần có danh mục tổng hợp các cơ sở bị phạt xuyên suốt qua các năm, kèm lỗi vi phạm. Người dùng sẽ tra xem mức độ lỗi mà quyết định dùng sản phẩm của những nơi này hay không.

Hoang Anh Nguyen

Mong các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc dẹp nạn quảng cáo "bẩn" về y tế trên mạng để người dân được yên tâm.

Ngoc Minh

Còn có người mất cảnh giác mua những sản phẩm y tế quảng cáo quá lố thì sẽ còn tình trạng quảng cáo "bẩn". Người dùng cần tỉnh táo khi lên mạng, phải biết tự bảo vệ mình trước những chiêu trò.

Furni


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.