Thay đổi để tốt hơn

03/11/2012 03:10 GMT+7

Liên hoan cải lương toàn quốc đang diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, cũng như liên hoan kịch từng sôi động tại Huế vào tháng 7 năm nay. Bên cạnh niềm vui của nghệ sĩ khi “đến hẹn lại lên”, vẫn còn những ưu tư, nhức nhối.

Ưu tư, bởi liên hoan hay hội diễn đều nhắm đến “cái đích” là huy chương hơn là trao đổi để làm nghề. Cho nên mới thấy nhiều suất không có bao nhiêu nghệ sĩ đoàn này đi xem nghệ sĩ đoàn kia diễn để mà học hỏi, rút kinh nghiệm, ngay cả thất bại của người khác cũng là bài học tốt cho mình. Cũng không có những buổi hội thảo, tọa đàm, mổ xẻ, để hiểu nhau hơn, hiểu tác phẩm, nâng cao học thuật. Ai cũng phải học suốt đời, có khi trong một tác phẩm của người trẻ cũng có cái đáng để học. Hoặc người có tác phẩm lắng nghe những lời bình phẩm, từ đó mà học. Không có những cơ hội trao đổi này thì ai về nhà nấy, sẽ không biết mình được và chưa được những gì, uổng biết bao! Liên hoan như một dịp tập huấn ngắn hạn mà hiệu quả thực tế, sao lại bỏ qua.

 Thay đổi để tốt hơn
Như Quỳnh (vai Hoa), Minh Hải (vai Hùng công tử) trong vở Mê cung của Nhà hát Cải lương Việt Nam tham dự liên hoan - Ảnh: H.K

Ưu tư, bởi giới làm nghệ thuật quá ưa chuộng thắng thua, nhất quyết tìm huy chương cho bằng được. Chuyện “hành lang”, có một số tỉnh mà ông trưởng đoàn rất sợ “bị kiểm điểm” nếu dẫn bầu đoàn thê tử đi thi tốn bạc tỉ mà về “tay không”. Thế cho nên mới có “mưa huy chương” mà báo chí nói năm này qua năm nọ vẫn không thay đổi. Mà tại sao cần huy chương? Vì đó là một tiêu chí cực kỳ quan trọng để phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Huy chương là “dọn đường” sẵn cho việc phong danh hiệu. Mà mấy năm mới liên hoan một lần, không “tranh thủ” thì đâu có kịp.

Ưu tư, bởi muốn có huy chương thì tốt hơn hết là chọn kịch bản của những “cây đa cây đề”, và chọn đạo diễn cũng là “cây đa cây đề” luôn. Có những đạo diễn dựng 2, 3 vở mỗi mùa liên hoan, không cách gì người trẻ chen chân vô được. Lẽ ra, nên ưu tiên người trẻ để họ có cơ hội cọ xát và học hỏi, thử sức. Như thế mới đào tạo được thế hệ kế thừa. Chưa kể, cứ chọn “cây đa cây đề” thì năm nào cũng dính vô nhân sự của ban giám khảo, coi như… phạm quy. Để tránh tiếng phạm quy, ban tổ chức thường sử dụng cách nếu hôm nào có vở của vị đó viết hoặc dựng thì vị đó không được ngồi vô bàn giám khảo. Dư luận cũng nghi ngờ, rằng không biết có tình trạng “nếu ông không nể vở của tôi thì đến lượt tôi cũng không nể vở của ông?”. Ban giám khảo chồng chéo như thế, và “mưa huy chương” như thế, làm sao thiên hạ khỏi gièm pha. Và thiên hạ còn kháo nhau bởi dựng vở đi thi thì đầu tư rất lớn nên cũng phải “chọn mặt gửi tiền”.

Cứ như vậy mãi, không biết bao giờ mới có một nền sân khấu “thật và đẹp”. Cho nên, có những đơn vị “không thèm” tham gia. Thà họ bỏ tiền ra dựng vở thật tốt diễn cho khán giả xem, chứ không đi kiếm huy chương rồi cất kho. Và khi họ ngồi bán từng cái vé để trả lương cho nhau, dù trời nắng hay trời mưa, chợt thấy se lòng. Bởi so với bạc tỉ mà mỗi liên hoan tiêu tốn, sao cái vé quá mỏng manh…

Hoàng Kim

>> Liên hoan cải lương toàn quốc 2012
>> Kịch nói "thay màu
>> Đưa kịch nói sang Mỹ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.