Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực

22/04/2013 03:05 GMT+7

Khi yêu, ai cũng mong muốn mình có một tình yêu thật đẹp và vĩnh cửu. Nhưng nếu không được, ta sẽ ứng xử ra sao để trong nhau vẫn còn những hình ảnh đẹp và tránh rơi vào tình trạng cuồng yêu, thậm chí sát hại người mình từng yêu như một số vụ án xảy ra gần đây.

Khi yêu, ai cũng mong muốn mình có một tình yêu thật đẹp và vĩnh cửu. Nhưng nếu không được, ta sẽ ứng xử ra sao để trong nhau vẫn còn những hình ảnh đẹp và tránh rơi vào tình trạng cuồng yêu, thậm chí sát hại người mình từng yêu như một số vụ án xảy ra gần đây.

Đừng để động lực thành phản lực

Bản chất của tình cảm là một loại động lực. Chẳng hạn, khi yêu ai đó thì chúng ta thường có động lực chiếm hữu, mong muốn sống với người đó.

Đến khi bị đối phương từ chối, có những người quay ra giết hại đối phương thì động lực tình cảm lúc đó không được thỏa mãn, bị đổi chiều trở thành phản lực. Động lực càng lớn, phản ứng của họ càng dễ dàng bùng nổ dữ dội. Trong nhiều trường hợp, họ không kiềm chế được cảm xúc phản lực của bản thân, nên họ quay sang biến tình yêu thành lòng thù hận. Lúc này, họ sống thiên về phần “con”, có những hành vi thiên về bản năng hơn là lý trí.

Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực 1
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Theo tôi, những người đàn ông phản ứng như vậy có ảnh hưởng phần nào bởi đặc điểm giới tính, sinh lý. Đàn ông vốn nóng tính, thiếu kiềm chế nên dễ dẫn đến bạo lực. Tuy nhiên, điều đó không thể ngụy biện cho hành động giết hại người yêu của mình. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ là “con” mà còn có phần “người” nữa. Chính phần “người”, tính người mới làm cho ta biết tha thứ, biết thông cảm và chấp nhận nhau.

 

Nhiều người trẻ thiếu lẽ sống

Cái thiếu của nhiều người trẻ hiện nay chính là lẽ sống. Từ thiếu lẽ sống đã hình thành nên lối sống có nhiều vấn đề, mà biểu hiện là ích kỷ, xử sự theo bản năng, không tự kiềm chế được do người ta không biết mình sống vì cái gì. Lẽ sống không phải là những điều cao siêu, mà chính là cách dạy con người sống lương thiện, sống tốt. Trong khi đó, bây giờ người ta nhồi nhét học sinh, không quan tâm giáo dục cho các em từ những điều căn bản.

Tôi rất thấm thía câu nói của một nhà bác học, đó là: “Đừng đặt tất cả ý nghĩa cuộc đời vào một thứ tình cảm nhiều sóng gió là tình yêu”.

Nguyễn Thị Thương
(Giám đốc Trung tâm tư vấn gia đình và ly hôn - FDC)

Tôi cho rằng những người cuồng yêu hay yêu mù quáng là chưa biết cách yêu. Bởi người biết cách chia tay trong êm đẹp, có văn hóa cũng là thể hiện biết cách yêu. Trước nay, chúng ta có thể học cách tỏ tình, học cách nuôi dưỡng tình yêu nhưng không được học cách chia tay nhau ít gây đau đớn, tổn thương cho mình và cho người khác nhất. Chẳng có ai dạy chúng ta điều đó. Rõ ràng đây là một khiếm khuyết trong giáo dục kỹ năng sống cho con người. Như vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô, xã hội cần có thêm những cách giáo dục vấn đề này cho những bạn trẻ từ lúc họ chưa biết yêu hoặc mới chớm biết yêu.

Đặc biệt, mỗi chúng ta phải tập suy nghĩ rằng: Việc chia tay nhau và đối phương không chấp nhận tình cảm của mình là chuyện bình thường. Hầu như ai cũng từng trải qua một lần hoặc vài lần thất bại trong chuyện tình cảm, đó là chuyện bình thường và không nên cường điệu nó.

Những người sát hại đối phương hoặc tự hủy hoại bản thân thường do họ cường điệu hóa nỗi đau của mình. Họ cho rằng mất người yêu là không còn gì, hoặc họ không thể yêu ai được nữa. Một khi thổi phồng nỗi đau thì sẽ bùng nổ cảm xúc thông qua những hành vi mất kiểm soát.

Như đã nói, tạo hóa thường bắt người ta nhầm lẫn một vài lần trước khi cho họ tìm ra một nửa thực sự của mình. Nếu thất bại trong tình cảm thì chúng ta nên xem người đó không phải là một nửa của mình. Có khi chúng ta nên cảm ơn về sự thất bại đó và cảm ơn đối phương đã nói thật, từ chối tình cảm của chúng ta. Thà đau một lần còn hơn là để họ sống gán ép với chúng ta, để rồi cả hai sẽ đau khổ cả cuộc đời về sau.

Cứ xem thất bại trong tình yêu như là một thử thách, để chúng ta vượt qua được những cảm xúc đau đớn, không như ý muốn. Cần hiểu rằng, cuộc đời như cây đàn có phím trắng, phím đen, có những lúc thành công và những lúc thất bại. Tình yêu cũng vậy, có những lúc thăng hoa hạnh phúc, có những lúc đau khổ. Vậy nên, chúng ta cần có cái nhìn hai chiều để biết sống đúng với bản chất cuộc đời này.

Không nên níu kéo để sống trong dằn vặt đau khổ

Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực 2

Hai người yêu nhau điều quan trọng nhất là phải tuyệt đối tin tưởng lẫn nhau. Nếu một trong hai người có sự nghi ngờ về chuyện tình cảm, rồi suốt ngày cứ ghen tuông mù quáng thì sớm muộn sẽ dẫn đến tình cảm bị rạn nứt và kết cục chia tay là điều khó tránh khỏi. Một khi sự rạn nứt và mâu thuẫn quá lớn không thể hàn gắn được thì chúng ta hãy giải thoát cho nhau chứ không nên níu kéo để rồi phải sống trong dằn vặt, đau khổ suốt đời.

  Trần Thị Ngọc Thúy
(Ngụ P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Mở lòng để đón nhận tình yêu mới

Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực 3

Nếu vì một lý do nào đó khi hai người từng yêu nhau nhưng phải chia tay thì chúng ta cũng nên chấp nhận sự thật, vì không có gì là hoàn hảo và trọn vẹn như mình mơ ước cả. Dĩ nhiên, khi chia tay tâm trạng ai cũng buồn chán nhưng phải biết kìm nén cảm xúc và đừng bao giờ để cảm xúc lấn lướt lý trí. Để cho nỗi buồn được nguôi ngoai thì chúng ta nên tìm cách đăng ký học kỹ năng, chia sẻ với những người thân trong gia đình để có được sự đồng cảm, an ủi, động viên. Đừng bao giờ để chất chứa, dồn nén sự đau khổ, phiền muộn trong lòng khiến ta dễ nghĩ đến những điều cùng quẫn, tiêu cực. Và một điều quan trọng là phải cố gắng mở lòng để sẵn sàng đón nhận những người bạn mới nhưng phải thận trọng, chừng mực chứ không nên quá vội vã. 

 Lê Nhật Thi
(Công ty Futurelink, Q.3, TP.HCM)

Đừng bao giờ tìm cách hãm hại người khác

Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực 4

Yêu nhau là một chuyện nhưng nhiều khi do những yếu tố, điều kiện khách quan mà cuối cùng hai người không đến được với nhau cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Nếu có chuyện đó xảy ra với một ai đó thì chúng ta cũng nên trân trọng những ngày tháng đã từng yêu nhau và hãy xem đó là một kỷ niệm đẹp, có thể bạn tri kỷ thì càng tốt. Trong tình yêu hãy chọn cho mình một cách sống tích cực chứ đừng bao giờ tìm cách vùi dập hay hãm hại người khác. Một khi đã chọn cho mình cách sống tích cực thì không những bản thân ta cảm thấy nhẹ nhõm mà làm cho người yêu cũ cũng không bị cắn rứt lương tâm khi chia tay với ta. Và phải luôn nghĩ một điều rằng, chia tay với người này mình sẽ gặp được người khác tốt hơn và yêu mình nhiều hơn.

 Quách Hoàng Vũ 
(Công ty Ascenx Technologies Việt Nam, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Cần nhìn nhận lại bản thân mình

Yêu sao cho đẹp? - Đừng để động lực thành phản lực 5

Vì sao mình lại bị người yêu chia tay? Đó là câu hỏi lớn mà những người trong cuộc cần đặt ra và phải thật sự nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình để tìm cách khắc phục. Nhiều khi chúng ta sống gia trưởng quá, ích kỷ quá, ghen tuông quá hay có lối sống buông thả, sa đọa… khiến người yêu của ta cảm thấy chán nản để rồi phải chia tay. Khi bị chia tay, nếu biết nhìn nhận lại bản thân mình thì sự vấp ngã đó sẽ là cơ hội giúp ta cải thiện được bản thân và sống tốt hơn. Có không ít trường hợp khi bị người yêu chia tayhọ đã “lột xác” hẳn ra và từ bỏ được những thói hư tật xấu để đón nhận tình yêu mới tốt hơn.

Lê Nhật Tây
(Sinh viên năm 2, Trường cao đẳng Nghề TP.HCM)

Lê Thanh (ghi)

 

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (*)
 (*) Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Như Lịch (ghi)

>> Lý trí thắng tình cảm
>> Nhỏ thiếu tình cảm, lớn dễ đột quỵ
>> Đâm người yêu vì mâu thuẫn tình cảm
>> Khi teen bị từ chối tình cảm
>> Tin nhắn giúp duy trì tình cảm đôi lứa
>> Tình cảm giúp bệnh nhân sống lâu hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.