Vẫn còn lo...

14/11/2012 03:25 GMT+7

Hôm qua, trả lời các nội dung chất vấn của các đại biểu QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trình bày suôn sẻ, tự tin và có lúc bày tỏ quan điểm kiên quyết đối với nhiều vấn đề “nóng” liên quan tới thị trường vàng và tiền tệ, tình hình nợ xấu, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp... Tuy nhiên, vẫn còn dư luận lo lắng về những công việc sắp tới trong góc độ quản lý của NHNN.

Việc khẳng định vàng trong nước không cần liên thông với thế giới là điều cần được tiếp tục cân nhắc, bởi lẽ liên thông chính là giải pháp quan trọng nhất để kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới. Ngược lại, khi không liên thông, nhiều khả năng khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới sẽ chênh lệch rất xa khi vàng ở tình trạng "ngoại bất nhập". NHNN trước đó cũng từng cho phép một nhóm NH mua bán vàng tài khoản (liên thông với thế giới) để bình ổn thị trường và thu được lợi nhuận đáng kể trong khi giá vàng trong nước vẫn thoát ly giá thế giới. Nếu không liên thông với thế giới, vàng lậu sẽ hoành hành trở lại, trách nhiệm của NHNN không đơn giản về các vấn đề nảy sinh sau đó.

Về vấn đề độc quyền thương hiệu vàng SJC, Thống đốc nói: "Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại”. Câu trả lời này trước mắt vẫn còn chưa tạo được sự yên tâm. Bởi việc độc quyền thương hiệu SJC đã gây lãng phí lớn cho xã hội, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân sở hữu vàng phi SJC phải chuyển đổi sang vàng SJC; gây rối loạn thị trường bởi tình trạng vàng nhái, giả SJC... Những vấn đề này hiện vẫn còn chưa được giải quyết rốt ráo. Nếu NHNN cho ra thương hiệu vàng mới của mình và sau đó quy chuẩn về một loại, thị trường vàng sẽ tiếp tục một cuộc chuyển đổi khổng lồ từ SJC sang thương hiệu mới khác. Vậy ai sẽ chịu chi phí, và có khả năng tạo ra sự lãng phí nào nữa không? Có cần thiết tạo ra một cuộc chuyển đổi "quá độ" độc quyền thương hiệu SJC để một số đơn vị được dập lại vàng miếng kiếm lợi? Sự thay đổi liên tục của cơ chế, chính sách có thể gây ra lợi ích nhóm chứ không phải do một nhóm cổ đông trong một NH tạo ra như Thống đốc từng kết luận.

Thống đốc cũng nêu ý kiến chia sẻ một phần trách nhiệm về nợ xấu cho Bộ Xây dựng và các tổ chức tín dụng. Thực tế, trong vai trò của mình, NHNN cần nên thể hiện rõ sự mạnh mẽ, rốt ráo về quản lý, giám sát hoạt động tín dụng trong hệ thống NH. Việc cho vay dưới chuẩn, định giá thiếu chính xác, mang vốn tín dụng đầu tư bất động sản, vàng; vốn chảy vào sân sau của các cổ đông lớn... rồi biến thành nợ xấu diễn ra tràn lan có phần là hệ quả của buông lỏng quản lý.

Những chất vấn dành cho người đứng đầu NHNN hôm qua không có nhiều vấn đề mới bởi các nội dung này vừa được đặt ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ cách đây 1 tuần. Trước đó khoảng 1 tháng, cũng là các nội dung về nợ xấu, độc quyền vàng, lãi suất đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình trong cuộc thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội. Đặt lại các vấn đề cũ cho thấy, các đại biểu QH chưa hết quan ngại về những “liều thuốc” để cứu vãn nền kinh tế, trong đó vẫn băn khoăn về tương lai của thị trường vàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.