Công trình văn hóa xã… thoi thóp

12/12/2012 09:56 GMT+7

Nhà văn hóa xã và bưu điện văn hóa xã là hai tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Thế nhưng, ở Vĩnh Long, hai loại hình này đang trong tình trạng… cửa đóng, then cài.

Công trình văn hóa xã… thoi thóp
Nhiều bưu điện văn hóa xã ở Vĩnh Long thường xuyên “cửa đóng then cài” như thế này

Công trình văn hóa xã… thoi thóp
Nhiều nhà văn hóa mới xây nhưng không đủ chuẩn

“Bỏ của chạy lấy người”

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh Vĩnh Long, bưu điện văn hóa (BĐVH) xã được xây dựng với kỳ vọng là cánh tay nối dài đưa công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông đến với người dân vùng nông thôn. Thế nhưng, sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, mô hình này dần bị quên lãng bởi sự phát triển rầm rộ của công nghệ thông tin. “Bây giờ, người ta chỉ cần bấm điện thoại di động là tha hồ trò chuyện; còn tiền thì chuyển qua tài khoản, lúc cần bấm cái rẹt là xong, cần gì phải đến BĐVH xã? Bởi vậy, trong  95 điểm BĐVH xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chỉ vài nơi hoạt động thuộc dạng khá, còn hầu hết đang trong tình trạng ế ẩm”, ông Sơn nói.

Mặc dù được ưu tiên đặt tại vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.Vĩnh Long, nhưng điểm BĐVH xã Trường An sau nhiều đợt di dời, cuối cùng phải chịu cảnh đóng cửa vì hoạt động kém hiệu quả. Những điểm BĐVH xã ở vùng sâu vùng xa lại càng hiu hắt hơn. Điển hình như BĐVH xã An Thới (H.Trà Ôn) và BĐVH xã Phú Thịnh (H.Tam Bình). Hai bưu điện này được đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng, nhưng cũng rơi vào tình trạng ngưng hoạt động vì không hiệu quả. Cán bộ ở đây phải làm việc 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, nhưng do mức lương được hưởng quá thấp, nên  phải “bỏ của chạy lấy người”, dù đó là những cán bộ quản lý được đào tạo hẳn hoi. 

 “Hiện nay, ở các BĐVH xã có trên 30% cán bộ chỉ lãnh 650.000 đồng/tháng, phần còn lại cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Do vậy, nhiều cán bộ quản lý đã phải nghỉ việc và chuyển sang nghề khác. Nhưng do đây là tiêu chí không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nên chúng tôi đang cố gắng cứu vãn tình thế”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết. Cũng theo lời ông Sơn, muốn tồn tại và phát triển, BĐVH xã sẽ chuyển dần thành trung tâm thông tin cộng đồng, trả lương hưu qua bưu điện và kinh doanh bưu phẩm. Đặc biệt, cần có sự chung tay tiếp sức của nhà mạng, cơ quan ban ngành từ T.Ư đến địa phương thì BĐVH mới mong sống được.

Quá ít  nhà văn hóa xã đạt chuẩn

Ông Phạm Văn Hưởng, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long cho biết trước kia, muốn trở thành xã văn hóa thì tiêu chuẩn đầu tiên phải có là nhà văn hóa (NVH). Vì thế, không riêng gì tỉnh Vĩnh Long mà hầu hết các địa phương cũng chạy theo chỉ tiêu, ào ạt xây dựng NVH. Đến khi xây dựng xong thì đều không đạt chuẩn vì không đáp ứng được yêu cầu diện tích trên 1.100 m2 và thiếu các hạng mục như sân bóng, hội trường, nhà truyền thống, truyền thanh… Có nơi NVH chỉ xây dựng được vỏn vẹn cái hội trường, vào dịp lễ tết mới tụ họp nên công trình thường xuyên bị bỏ trống. Các đoàn kiểm tra đến thấy cỏ mọc um tùm, những thùng sách chưa hề được đụng tay đến và thậm chí chim… làm tổ trong tủ đựng sách của NVH.

“Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có 41 NVH xã, trong đó chỉ có 3 NVH xã đạt tiêu chí NTM, nhưng hoạt động cũng không được tốt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 22 NVH xã đạt chuẩn NTM thật sự là quá khó khăn đối với cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long”, ông Phạm Văn Hưởng cho biết. Theo khảo sát mới đây, toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 40% NVH hoạt động tạm được, 30% NVH hoạt động trung bình và 30% NVH hoạt động yếu kém; không có NVH nào hoạt động tốt… 

Cùng cảnh ngộ như BĐVH xã, các NVH xã cũng thường xuyên thiếu nguồn nhân lực. “NVH xã hoạt động kém hiệu quả do không có cán bộ chuyên môn quản lý, khâu tổ chức hoạt động chưa đúng bài bản. Hằng năm, tỉnh Vĩnh Long đào tạo hàng chục cán bộ văn hóa từ trung cấp cho đến đại học, nhưng chỉ về nhận nhiệm vụ vài tháng đã chuyển sang bộ phận khác. Có nơi thiếu người, phải đưa cả… kỹ sư nông nghiệp về phụ trách chức chủ nhiệm NVH”, một cán bộ Sở VH-TT-DL bức xúc.

Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.