Hương vị cà phê quyến rũ của lịch sử

02/11/2012 05:40 GMT+7

Con người tụ hội ở đâu và vì sao? Thời sơ khai có hai nhu cầu cơ bản khiến người ta tìm đến với nhau: ăn và chơi. Ăn để sống còn và chơi để vui sống và truyền giống.

Trong đời sống bộ lạc khi tìm được tổ ong, đàn cá, bầy thú người ta tập hợp để săn bắt và chia phần. Từ các bếp lửa đến nhà rông rồi sân đình là những nơi giao lưu, san sẻ từ thức ăn, thông tin, nghệ thuật, nhảy múa, ca hát, kể chuyện, diễn xuất và giao duyên.

Khi xã hội đi vào tổ chức chặt chẽ, các nhà thờ, trường học, tu viện, trại lính đã chịu sự chi phối nghiêm ngặt của các hệ tư tưởng hay giáo điều chính thống thì những phần tử ly khai, cảm thấy những cơ chế kia là ngột ngạt và có nhu cầu tìm những nơi sinh hoạt tự do phóng khoáng hơn. Ở cấp thấp của giai tầng hạ lưu thì có xã hội đen nằm ngoài hoặc bên lề khuôn khổ luật pháp xã hội như sòng bạc, xóm đèn đỏ mua bán dâm, tiệm hút... Ở cấp cao thì có những nơi ẩn náu của hàn lâm, học viện, thư viện, phòng thí nghiệm, hoặc những chốn ẩn tu đèo cao núi thẳm.

Tuy nhiên, với đại chúng trung lưu của xã hội thì là hàng ăn, quán uống, rạp hát, vũ trường. Trong đó nổi bật lên quán cà phê như một dạng thức gặp mặt đáp ứng sâu xa nhất về nhu cầu giao lưu tình cảm và trí tuệ. Cho nên không lạ gì khi nhiều nhà xã hội học đã cho cà phê như một chất kích động cho thời kỳ Ánh sáng và từ đó luôn cả phong trào vận động dân chủ cách mạng ở châu u.

Cà phê gắn liền với sinh hoạt trí thức và nghệ thuật từ thế kỷ 17, khi dần dà thay thế cho rượu và bia để làm môi trường giao lưu tại thành thị.

Thi hào Đức Goethe là người khách thường xuyên của các quán cà phê. Văn hào Honoré de Balzac với bộ trường thiên tiểu thuyết gồm nhiều tập La Comédie humaine (Tấn trò đời) là người không thể thiếu được cà phê mỗi khi sáng tác.

Montesquieu tác giả của L’Esprit des lois (Tinh yếu luật pháp) là triết gia chính trị và luật pháp làm nền tảng cho cuộc cách mạng 1789 đã sáng suốt nhận định rằng các quán cà phê có thể gây nguy hại cho chế độ quân chủ bởi các quán này là không gian trao đổi và thức tỉnh về mặt xã hội, chính trị.

Các triết gia của nước Anh như David Hume, Jeremy Beutham, Adam Smith, cũng như nhà vật lý toán học Isaac Newton đều là những người thưởng thức cà phê sâu đậm.

Truyền thống của Hội Hoàng gia Anh và của các trường đại học lẫy lừng như Oxford và Cambridge đều hình thành trong những trò chuyện, thảo luận trong quán cà phê quy tụ giới trí thức thời đó, tại London và Edinburg.

Tại Paris, trong quán cà phê La Rotonde, các nhà cách mạng lưu vong của Nga như Lênin và Trotski thường gặp nhau nhiều lần. Lênin cũng sinh hoạt tại các quán cà phê ở Thụy Sĩ với các lưu dân và nghệ sĩ tứ xứ tới đây. Cả hai cuộc cách mạng chính trị xã hội và nghệ thuật ảnh hưởng suốt thế kỷ 20 đều được ươm mầm trong không khí sáng tạo của cà phê tĩnh lặng, khác với cuộc đảo chính của Adolf Hitler xảy ra trong cảnh náo nhiệt của quán bia.

Sử gia lẫy lừng của nước Pháp là Jules Michelet (1798 - 1874) theo khuynh hướng tự do và chống đối nhà thờ là người cảm nghiệm sâu sắc những nguồn cội của tự nhiên, tôn giáo nguyên thủy, sức mạnh thiêng liêng của người nữ trong tác phẩm Nhật ký của tôi (Mon Journal) đã xác định: sự ra đời của nền văn minh châu u được khai sáng gắn liền với sự chuyển đổi sang một xã hội uống cà phê: “Khi phát ra ý tưởng sáng tạo này, chắc hẳn là vinh dự được gán phần nào cho sự kiện lớn trong lịch sử. Sự xuất hiện của cà phê tạo nên thói quen và thậm chí là thay đổi cả tâm tính con người”.

Cao nguyên Harar (1.800 mét) ở phía đông của nước Ethiopia, nguồn gốc đầu tiên của sự khám phá ra cà phê cũng là nơi mà nhà thơ thiên tài Arthur Rimbaud đã tới và sống suốt 12 năm cuối đời của mình (1880 - 1891) với cộng đồng người bản địa theo đạo Islam.

Nhà văn Alexandre Dumas nhắc nhở rằng ở Trung Đông: “Các giáo sĩ đạo Islam than phiền là giáo đường thì vắng vẻ trong lúc các quán cà phê luôn đông khách nườm nượp”. Đây chưa chắc đã là hiện tượng đáng buồn phiền vì người ta chạy khỏi những cơ chế tín ngưỡng đã xơ cứng thành kỷ luật giáo điều để tìm một không gian công cộng của tự do, tư tưởng, dân chủ trong sinh hoạt. (Còn tiếp)

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.