Phải phân luồng học sinh phổ thông: Tìm cách làm phù hợp

01/11/2012 03:00 GMT+7

Nhiều năm nay, việc phân luồng cho học sinh phổ thông cũng đã triển khai nhưng hiệu quả không đến đâu vì chưa có cách làm hợp lý.

Vòng luẩn quẩn

Các chuyên gia đều thừa nhận phân luồng là một chính sách ưu việt để loại bỏ tình trạng trong xã hội ai cũng muốn học ĐH dẫn đến nhiều thầy, ít thợ. Thế nhưng việc giúp học sinh (HS) tìm hướng đi đúng với năng lực và điều kiện không dễ chút nào.

 Do chưa có chính sách hợp lý nên không nhiều HS chọn học nghề sau khi kết thúc bậc học phổ thông
Do chưa có chính sách hợp lý nên không nhiều HS chọn học nghề sau khi kết thúc bậc
học phổ thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều quận, huyện tại TP.HCM tìm mọi cách phân luồng để đạt hiệu quả nhất. Có những nơi như Q.8 tổ chức phân luồng theo đối tượng. Những HS tốt nghiệp THCS có năng lực học tập từ trung bình khá trở lên, có điều kiện kinh tế thì được định hướng vào các trường phổ thông công lập, dân lập, tư thục. Với những HS điều kiện kinh tế khó khăn, sức học từ trung bình trở xuống thì được định hướng vào học lớp 10 hệ bổ túc, trung cấp kỹ thuật.

 

Kinh nghiệm ở một số nước

Anh: Chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc áp dụng cho công dân từ 5 đến 16 tuổi. Sau đó, HS có thể theo học nghề từ kinh doanh cho đến kỹ thuật hoặc chương trình A-level hay Cambridge pre-U để được xét tuyển vào ĐH.

Mỹ: Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông 12 năm, HS có thể học lấy chứng chỉ nghề hoặc bằng CĐ ở các trường CĐ cộng đồng trong vòng 2 năm hoặc học lên ĐH. Một số sinh viên trường CĐ cộng đồng có thể học tiếp lên ĐH để lấy bằng cử nhân.

Singapore: Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, HS bình thường phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp. Kết quả này sẽ quyết định HS có khả năng tiếp tục học chương trình dự bị ĐH hay chuyển sang học lấy văn bằng nghề.

Úc: Giáo dục phổ thông Úc bắt buộc áp dụng cho công dân từ 5 đến 14-17 tuổi, tùy bang và vùng lãnh thổ. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông bắt buộc, HS có thể chọn học nghề hoặc học tiếp lên ĐH. Các văn bằng Úc có sự liên kết giữa bằng ĐH, giáo dục dạy nghề và phổ thông thành một hệ thống quốc gia, giúp sinh viên chuẩn bị cho việc học lên tiếp cũng như môi trường làm việc sau này. 

Minh Trung
(tổng hợp)

Q.6 thành lập Ban chỉ đạo phân luồng HS từ phường đến quận, sau đó liên hệ ban tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm xin chỉ tiêu ưu tiên cho HS trên địa bàn. Những HS có hoàn cảnh khó khăn theo học Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm sẽ được UBND quận hỗ trợ học phí trong suốt quá trình học tập. Chính vì vậy trong năm học 2009-2010, đã có 97,2% HS không được vào học lớp 10 công lập vào học các hệ ngoài công lập và TCCN. Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD Q.Phú Nhuận cho biết: “Cách đây 2 năm, số HS sau tốt nghiệp THCS không trúng tuyển nguyện vọng lớp 10 chọn vào các trường chuyên nghiệp rất ít. Tỷ lệ này vào năm học 2006-2007 là 2,91% và 2007-2008 là 19,94%. Nhưng sau khi họp bàn rút kinh nghiệm việc phân luồng thì trong các năm học tiếp theo tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào trường chuyên nghiệp lên đến con số 30,62%...”.

Thế nhưng theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, dù đã cố gắng vẫn chưa tới 10% HS hoàn thành bậc THCS chọn  học nghề trong khi quy định là 30%. Lý do vì tâm lý của phần lớn phụ huynh nếu con không vào học lớp 10 công lập thì cũng nhất quyết cho con vào học dân lập, tư thục, giáo dục thường xuyên để có bằng tốt nghiệp THPT  rồi mới tính tiếp. Một nguyên nhân khác cũng khiến việc phân luồng HS không hiệu quả là chủ trương không dứt khoát. Một giáo viên cho rằng: “Cứ kêu gọi thực hiện phân luồng nhưng chúng ta lại đang tự làm khó mình vào cái vòng luẩn quẩn. Ngoài trường dân lập, tư thục, giờ lại mở rộng cho các trung tâm GDTX thực hiện giáo dục phổ thông trong khi chức năng của những trung tâm này là dành cho bổ túc văn hóa cho học viên quá tuổi quy định, vừa học vừa làm… Thế thì khi nào HS mới chọn TCCN”.

Chuẩn bị cho HS nhiều hướng vào đời

PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và  PGS Vũ Trọng Rỹ cũng ở viện này cho rằng, nội dung học vấn ở nhà trường phổ thông cần được tổ chức theo 2 giai đoạn: Giáo dục cơ sở (cơ bản, bắt buộc) và sau giáo dục cơ sở chuẩn bị HS vào đời hoặc lên CĐ, ĐH.

Ở giai đoạn giáo dục cơ sở, tất cả HS đều được tiếp nhận như nhau những kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản cần thiết và đủ cho mỗi con người sống trong xã hội hiện đại.

Giai đoạn sau giáo dục cơ sở, nội dung học vấn không áp dụng đồng loạt cho mọi HS và có nhiều phương án để tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho HS tùy theo năng lực, dự định tương lai. Nghĩa là ở giai đoạn này, chương trình giáo dục rất phong phú bao gồm nhiều môn học, học phần, nhưng số môn mỗi HS phải học lại rất ít, thiết thực cho việc học lên CĐ, ĐH hoặc ra lao động.

Muốn làm được việc phân luồng, theo GS Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực của cả nước cũng như của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với nhu cầu nhân lực về cơ cấu ngành nghề và trình độ trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nếu không có chiến lược này thì không có cơ sở thực tiễn để phân luồng hợp lý. Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thanh cũng khẳng định: “Nếu để đến bậc THPT mới phân luồng thì lãng phí vô cùng nhưng để làm tốt ở ngay sau bậc THCS cần có sự đồng bộ”. 

Bích Thanh - Tuệ Nguyễn

>> Phải phân luồng học sinh phổ thông
>> Sẽ đánh giá cấp quốc gia học sinh phổ thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.