Lương tri của người đi biển

22/11/2012 03:15 GMT+7

Ngoài mô hình "Đội cứu hộ cảm tử", ở Cà Mau còn có "Đội tàu an toàn". Dù mang tên gì, cứu người trên biển dữ vẫn là mục đích cao cả nhất.

Ngoài mô hình "Đội cứu hộ cảm tử", ở Cà Mau còn có "Đội tàu an toàn". Dù mang tên gì, cứu người trên biển dữ vẫn là mục đích cao cả nhất.

Ngoài mô hình "Đội cứu hộ cảm tử", ở Cà Mau còn có "Đội tàu an toàn". Dù mang tên gì, cứu người trên biển dữ vẫn là mục đích cao cả nhất.
Ngư dân Lâm Văn Luông (54 tuổi), Đội tàu an toàn số 1, Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển,  Cà Mau tham gia cứu hộ nhiều người gặp nạn trên biển và bản thân ông cũng được cứu giúp khi tàu bị sự cố ngoài khơi - Ảnh: Tiến Trình

Giữa đêm, điện thoại ông Út Đỏ (Đội trưởng Đội tàu an toàn số 1, thị trấn Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) reo liên tục. Đầu dây bên kia, giọng nói quen của một cán bộ biên phòng: “Chú Út ơi, có chiếc tàu Kiên Giang bị phá nước sắp chìm. Tàu phát tín hiệu cấp cứu. Chú coi chiếc tàu nào còn ở nhà đi với tàu tụi cháu ra cứu người ta”. Biển đang động, cho tàu ra lúc này thì rất khó khăn. Nhưng việc cứu người không thể chần chừ. Ông Út điện thoại đến các thành viên trong đội đang có tàu vào bờ để trưng dụng ngay.

“Chạy hết tốc lực nhưng vẫn thấy chậm”

 

Luật bất thành văn

Dân đi biển có một điều luật "bất thành văn” là hễ khi ghe tàu bạn gặp nạn thì phải cứu người bằng mọi giá. Không thiếu những trường hợp ngư dân bỏ cả chuyến biển, bỏ cả tài sản để cứu người.

Thiếu tá Chương nói đó là phản ứng bộc phát từ lương tri của người đi biển. Hành động hào hiệp đó nếu được kết nối lại sẽ phát huy hiệu quả hơn trong việc cứu nạn. Năm 2007, Đồn biên phòng Rạch Gốc kết hợp với chính quyền địa phương thành lập 2 đội tàu an toàn với 22 tàu tình nguyện tham gia. Ngoài ra, còn có 5 tàu cứu hộ của ngư dân với công suất máy từ 200 đến 400 mã lực trở lên. Ngoài ra, các tàu của ngư dân có tải trọng lớn cam kết sẽ tức tốc hỗ trợ tàu gặp nạn đến bất cứ nơi đâu khi có lệnh của bộ đội biên phòng. Các thành viên của đội tàu mỗi tháng họp lại một lần.

Vị trí tàu bị nạn được báo cách cửa biển Rạch Gốc 15 hải lý về hướng đông. Lúc này, đôi tàu cứu hộ chỉ liên lạc với tàu gặp nạn qua sóng bộ đàm. Nhưng con đường liên lạc duy nhất lại tắt đột ngột. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi phải quần tìm chiếc tàu gặp nạn giữa biển đêm. Một thành viên trên tàu cứu hộ kể lại: “Lúc ấy, tàu của chúng tôi chạy hết tốc lực nhưng vẫn thấy chậm. Vì kinh nghiệm trên biển, đôi khi mình đến trễ vài phút thôi thì sự thể cũng đã muộn. Hai mươi mạng người đang chờ mình cứu chứ ít đâu”. Những cơn sóng nhảy dựng chồm qua mạn tàu lúc này cũng chẳng còn là trở ngại. “Rất may, kinh nghiệm đi biển giúp chúng tôi sớm tìm gặp tàu bị nạn. Lúc ấy dường như họ đã không còn hy vọng được cứu”.

Khi đôi tàu của biên phòng và ngư dân Rạch Gốc tới nơi, chiếc tàu của ngư dân Kiên Giang đang chìm dần. Thủy thủ đoàn người ôm can, người ôm phao. Khỏi phải nói nỗi vui mừng của 20 con người trên chiếc tàu trôi lênh đênh giữa biển đêm bão tố như thế nào. 

Ông Út Đỏ bảo đừng hỏi đội tàu của ông đã cứu được bao nhiêu người vì… chẳng ai nhớ. Ông chỉ nhớ mang máng từ khi đội tàu thành lập (năm 2007) đến nay “dường như vớt được 90 hay 100 người gì đó”. Với lão ngư dân này, cứu người là để làm phước, “có nhớ thì để bà cậu nhớ, chứ mình không nhớ làm gì”.

Còn thiếu tá Phạm Anh Chương, Đồn trưởng đồn Rạch Gốc thì cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng của đồn và ngư dân đã cứu hộ thành công 4 tàu cá gặp nạn, cứu sống 57 thuyền viên.

Chẳng cần biết mình đã cứu ai

Ngư dân Lâm Văn Luông (54 tuổi), tàu CM 89929 đi thu mua tôm sú bố mẹ, kể “rất nhiều trường hợp ngẫu nhiên cứu được người”.

Cách đây ít lâu, tàu ông đang hẹn bạn hàng mua tôm ở gần Hòn Khoai thì phát hiện cách đó 1 hải lý “có cái gì trôi không bình thường”. Linh cảm có người bị nạn, ông cho tàu chạy lại thì thấy người đang ôm can, người ôm bao đựng mực trôi vật vờ. Khi được vớt lên, những nạn nhân này mới nói tàu của họ bị phá nước chìm; hệ thống liên lạc bị hư nên không thể phát tín hiệu cấp cứu. Lần đó, tàu của ông cứu được 6 mạng người. Lần khác cách nay 2 tháng, trên đường từ khơi vào gần bờ thì ông thấy “có cái gì loi ngoi” giống đầu người. Trời xẩm tối, nước chảy xiết. Ông Luông quay lại thì phát hiện đúng là có người đang trôi. Khi vớt lên, anh này kể là ngư phủ trên ghe cào đôi của dân Kiên Giang, do bất cẩn bị sóng đánh rớt xuống biển.

Ông Luông quan niệm mình giúp người ta thì sẽ có người khác giúp lại, do vậy ông tham gia cứu người mà chẳng cần biết mình đã cứu ai. Như lần chính ghe ông bị vuột chân vịt giữa biển, may nhờ ghe của ông Út Đỏ kịp thời đến cứu. Hay như ghe của ông Ba Tài trước nay rất nhiệt tình đi cứu hộ trên biển, nhưng chính ghe của ông lại bị tàu buôn nước ngoài đâm chìm, các thuyền viên trên tàu trôi dạt trên biển 2 - 3 ngày thì được một ghe của miền Trung cứu vớt. Lần đó, con ruột ông Tài cũng là tài công trên tàu đã về cạo đầu thề bỏ biển. Nhưng được một thời gian, anh này cũng trở lại tàu và là một trong những thành viên tích cực của đội tàu an toàn này.

Thiếu tá Chương cho biết thành viên tham gia các đội tàu an toàn trước nay chưa hề được sự ưu đãi gì từ cơ quan chức năng. Đã vậy, họ còn phải chấp hành gương mẫu hơn các tàu ngoài đội. “Có khi đi cứu hộ về tàu của ngư dân bị hư hỏng nặng nhưng vẫn không có chế độ gì. Mình thấy cũng thiệt thòi cho bà con”. Thế nhưng, các thành viên của đội tàu an toàn không ai coi đó là thiệt thòi. Thậm chí, đang có rất nhiều ngư dân đóng mới tàu tha thiết xin được vào đội tàu để được cùng tham gia cứu người làm phước. Ông Chương nói sắp tới đồn Rạch Gốc sẽ xin thành lập thêm đội tàu an toàn để đáp ứng nguyện vọng của ngư dân.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.