Nhờn luật

17/11/2012 03:20 GMT+7

Kể từ Quyết định 59/2007/QĐ-TTg quy định cơ chế tiền tệ hóa chi phí phương tiện đi lại vào lương đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, việc thực hiện vẫn chưa đồng bộ, nơi có nơi không, thậm chí còn có nơi lơ là với lý do: xem ra sử dụng xe công khó quá.

Nếu so mức khoán sử dụng phương tiện từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng/chức danh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính với chi phí trung bình “nuôi” một xe công khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng thì rõ ràng khoản tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước từ chủ trương này rất đáng kể (theo tính toán của Bộ trưởng Tài chính khi đó là khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, còn theo tính toán của một cán bộ chuyên làm công tác hành chính quản trị, con số đó có thể lên tới 3.000 tỉ đồng/năm). Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao một chủ trương thấy rõ là hiệu quả lại không được hưởng ứng cao?

Với khoảng 31.826 chiếc ô tô công (chiếm 1,9% tổng giá trị tài sản nhà nước), trong văn bản gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2011), Bộ Tài chính đánh giá: việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã có tiến bộ song vẫn còn tình trạng sử dụng lãng phí, không đúng tiêu chuẩn, nhất là đối với ô tô công. Sự lẫn lộn công - tư khiến chúng ta không khó để bắt gặp cảnh xe công “đi” chùa, xe công “đi” nhậu, thậm chí là xe công “đi” thi đại học. Điều này lý giải, tại sao chế độ khoán chi phí phương tiện đi lại vào lương không được hưởng ứng.

Trước đây, đã có lúc đề nghị chỉ từ cấp Bộ trưởng trở lên mới có xe riêng, các Thứ trưởng đi chung. Cũng đã có một số Thứ trưởng gương mẫu chấp hành, thậm chí có người (hàm tương đương) gương mẫu đi xe máy. Tuy nhiên, sau một thời gian, các vị này trở nên lạc lõng. Thế là lại mua xe mới, và đã có cả chuyện nhận xe tặng từ doanh nghiệp để thoải mái đi lại. Kết quả là con số xe công không giảm mà tăng.

Luật pháp không thiếu các quy định, cơ chế hay, hợp lý nhưng cái chủ yếu là hiệu quả thì lại thiếu. Tình trạng các văn bản có hiệu lực thi hành thấp, đánh trống bỏ dùi, hoặc chỉ nghiêm cho “dân” mà không là nghiêm lệnh của “quan” có thể khiến cho tình trạng nhờn luật thêm trầm trọng. Do vậy, trong bất kỳ quy định nào được ban hành, việc giám sát, kiểm tra tính hiệu lực cần được làm chặt, làm mạnh để bảo đảm cho sự nghiêm minh, công bằng...

Duy Kiên

>> Vụ phá xe công an giải cứu cho nghi can: Khởi tố 10 người
>> Mở rộng điều tra vụ phá xe công an giải cứu nghi can
>> Hai xe công cùng chung biển số
>> Dùng xe công đi dự đám cưới
>> Bắn vào xe công vụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.