Lực lượng “trật tự hành chính”

16/01/2013 03:20 GMT+7

Thông tư 30 của Bộ Y tế vừa ban hành, có hiệu lực từ 20.1.2013, về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố được dư luận đồng tình ủng hộ, nhưng nó cũng dấy lên nỗi lo thường trực bấy lâu nay là “đánh trống bỏ dùi”, bởi không có đủ lực lượng kiểm tra thường xuyên, xử phạt kịp thời.

Thực tế, tại các đô thị lớn trên cả nước xuất hiện nhiều lực lượng cùng tham gia xử phạt trên đường phố. Thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, CSGT… có đủ cả, nhưng điều gây bức xúc là không có lực lượng nào chịu trách nhiệm chính, cứ nhìn nhau trước sự bầy hầy trên đường phố, nơi công cộng. Chưa kể, bộ máy cơ sở xã phường trong những năm qua tăng đến 3 lần, từ khoảng 500.000 lên 1,5 triệu cán bộ, công chức nhưng cũng vì chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lắp, đặc biệt là còn nặng về “hành chính bàn giấy” nên sự quản lý chặt chẽ địa bàn nói riêng, can thiệp hiệu quả vào vấn đề trật tự công cộng nói chung vẫn chưa được phát huy đúng mức…

Trong tình hình đó, thông tư của Bộ Y tế rất có thể cũng sẽ “làm ra rồi để đó”, vì với chỉ khoảng 300 cán bộ chuyên trách, 1.000 cán bộ kiêm nhiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, có thể khẳng định ngay rằng không thể nào xử phạt xuể các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm tràn ngập nếu chiếu theo quy định của thông tư như hiện nay.

Nhiều người biết 2 nhân vật cảnh sát Min Đơ, Min Toa trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ở một góc độ nào đó, họ không ngại mặc quần soóc, đạp xe đi khắp nơi xử phạt đái đường..., cũng là một cách làm hay để góp phần đảm bảo cho cuộc sống con người nơi công cộng được sạch đẹp, văn minh. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, cả nước ngày càng có nhiều “siêu đô thị”, đặc biệt là T.Ư đang xây dựng mô hình chính quyền đô thị để áp dụng đại trà trên phạm vi 63 tỉnh thành trong một vài năm tới, thì không thể nào cứ để nhiều màu áo xuất hiện nhưng trật tự công cộng lại thiếu hẳn đi sự bài bản.

Tạo hành lang pháp lý để thành lập một lực lượng đa nhiệm, đảm trách việc kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tất cả mọi hành vi, từ gây rối, xả rác, phóng uế, xây dựng đến an toàn thực phẩm, lòng lề đường… là điều rất cấp thiết. Lực lượng đó có thể gọi tên là “Trật tự hành chính” hay một cái tên nào đó, với mục tiêu đạt hiệu quả cao trong công việc. Để tránh gánh nặng cho ngân sách, có thể dùng tiền xử phạt để chi trả lương cho lực lượng này đồng thời giảm thiểu số người ở các lực lượng khác có chức năng chồng chéo.

Chúng ta đã có nhiều “thửa ruộng nhỏ” nhưng thực tế đã đến lúc phải có một “cánh đồng mẫu lớn”, để nhiều chính sách thiết thực của nhà nước sẽ được phát huy tác dụng tối ưu.

Đình Phú

>> “Thích” phạt vi phạm giao thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.