Trẩy hội bầu cử ở Paris

25/01/2013 15:00 GMT+7

(TN Xuân) Đến Pháp mùa bầu cử, bạn sẽ thấy chuyện chính trị được bàn tán rôm rả không thua gì bóng đá trong mùa World Cup.

Hẹn tôi một buổi chiều cuối tháng 4 để trao đổi thông tin về bầu cử, chị Caroline Monnot nói giọng khàn đặc: “Mình tranh thủ nửa tiếng giải lao để gặp bạn, xong là phải về làm ngay”. Là Phó ban Chính trị của nhật báo Le Monde danh tiếng, Caroline kể cứ 5 năm một lần, chị lại có cơ hội “cắm trại” ở tòa soạn suốt mấy tháng trời. Các nhà báo nội chính của Le Monde trong thời gian này ít khi gặp nhau đông đủ ở tòa soạn vì phải chạy đua theo nhịp mít tinh của các ứng viên. Rất nhiều phóng viên chọn phương tiện di chuyển là mô tô phân khối lớn mới bám kịp đoàn xe có tiếng là phóng nhanh của các ứng viên nổi bật.

 Nhà thi đấu Bercy (Paris) trong buổi mít tinh của ông Hollande sôi động không thua gì sân Stade de France những ngày có tuyển Pháp thi đấu
Nhà thi đấu Bercy (Paris) trong buổi mít tinh của ông Hollande sôi động không thua gì sân
Stade de France những ngày có tuyển Pháp thi đấu - Ảnh: Lan Chi

Nhờ giới truyền thông tất bật, cử tri Pháp có nguồn thông tin dồi dào để tha hồ bình phẩm lúc trà dư tửu hậu. Người dân xứ Gaulois quan tâm đến sự kiện chính trị lớn nhất nước bằng những cách rất khác nhau, nhưng phần lớn đều xuất phát từ truyền thống tả - hữu lâu đời. Ở những gia đình mà cha mẹ, con cái đều “cùng phe” thì mọi chuyện đâu ra đó. Cả nhà sẽ toàn tâm toàn ý ủng hộ ứng viên của mình, cùng vui nổ trời hay cùng rơi nước mắt khi có kết quả, cuồng nhiệt không thua gì người hâm mộ bóng đá đối với đội bóng con cưng của họ. Ở những gia đình “tả hữu phân tranh”, mọi chuyện gay go hơn. Có nhiều anh ngày thường nổi tiếng ga lăng, hay thuận theo ý vợ nhưng đụng đến vấn đề này là bảo vệ quan điểm tới cùng, chẳng nhường nhịn gì sất! Để tránh nảy sinh mâu thuẫn, không ít gia đình chọn giải pháp triệt để: về tới nhà là không bàn chuyện chính trị.

 Những cử tri ủng hộ ông Hollande vui mừng sau khi kết quả vòng 2 được công bố
Những cử tri ủng hộ ông Hollande vui mừng sau khi kết quả vòng 2 được công bố - Ảnh: Lan Chi

Tôi tình cờ trò chuyện với Henri, chủ một công ty nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ dọn nhà. Anh thở ngắn than dài: “Nếu ứng viên đảng Xã hội François Hollande đắc cử, các chính sách về nhập cư có thể được nới lỏng và công ty của tôi sẽ bị cạnh tranh bởi dịch vụ giá rẻ của người lao động từ Đông u”. Trong khi đó, Mariam, sinh viên Đại học Khoa học chính trị Paris, nói mình ủng hộ Hollande vì ông quan tâm tới giới trẻ, đặc biệt là về việc làm.

Thú vị nhất là lần đến thăm Trường Paris 11, đại học hàng đầu của Pháp về khoa học, tôi có dịp ăn trưa với các giáo sư khoa toán. Suốt buổi, chủ đề duy nhất là bầu cử tổng thống. Phần lớn những cử tri làm trong ngành giáo dục đều ủng hộ cánh tả. Tại bàn ăn hôm ấy cũng thế, có 7 giáo sư thì hết 6 người bỏ phiếu cho Hollande.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi so sánh sự sôi nổi của bầu cử Tổng thống Pháp với bóng đá. Những ngày quan trọng như bỏ phiếu vòng 1, vòng 2 hoặc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên, có rất nhiều nhóm bạn rủ nhau ra quán bar, tiệm cà phê hoặc tụ tập tại nhà để cùng xem. Cũng lai rai ăn uống, cũng hào hứng bình luận rồi hồi hộp đợi công bố kết quả. Không khí buổi mít tinh của ông Hollande tại Nhà thi đấu Bercy “nóng” không thua gì Sân vận động Stade de France những ngày có Les Bleus thi đấu.

Đỉnh điểm của những cung bậc cảm xúc là ngày 6.5.2012, ngày bầu cử vòng 2. Đúng 20 giờ, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Hollande đã vượt qua Tổng thống Nicolas Sarkozy để trở thành tân chủ nhân Điện Élysée. Thời điểm ấy, tại trạm xe điện ngầm Châtelet, một phụ nữ gốc Phi bất ngờ la lớn: “Thắng rồi!”. Vừa la, chị vừa chạy, 2 tay giơ cao. Nhờ vậy mà tôi biết kết quả dù chưa kịp mở đài phát thanh vì hầu hết người nhập cư đều ủng hộ ông Hollande.

 Báo L’Express rất biết “làm ăn”
Báo L’Express rất biết “làm ăn” - Ảnh: Lan Chi

Khi tôi đến trụ sở đảng Xã hội ở phố Solférino thì mọi người bắt đầu đổ ra đường đi về hướng quảng trường Bastille, nơi tổ chức hòa nhạc mừng chiến thắng. Mặt mày ai nấy như nở hoa. Đi được một đoạn, bỗng từ đâu xuất hiện một nhóm bạn trẻ mặc áo đỏ rất nổi bật, trên tay là tấm áp phích in hình bìa của báo L’Express số hôm sau, với ảnh ông Hollande và dòng chữ “Le Président” (Tổng thống). Mỗi tấm giá 7 euro, bán đắt như tôm tươi. Thì ra L’Express đã in sẵn 2 bìa “Le Président”, kết quả thế nào cũng sẽ có ngay để bán.

Tôi dùng tàu điện ngầm ra Bastille để tiết kiệm thời gian. Có lẽ 99% người đi cùng chuyến là ủng hộ viên của ông Hollande nên chẳng cần quen biết vẫn có thể rôm rả trò chuyện. Bầu cử Tổng thống Pháp kết thúc thật ấn tượng tại Bastille. Hàng ngàn người đổ về đây hò reo, nhảy múa đến gần 1 giờ sáng. Niềm tin và hy vọng đã được cử tri thắp lên trong suốt mùa bầu cử. Để giữ được những tình cảm này, sau cờ hoa và champagne là cả chặng đường đầy thử thách cho tân tổng thống.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Pháp muốn đánh thuế internet các công ty Mỹ
>> Chủ tịch Quốc hội kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Tổng thống Pháp quyết vực dậy nền kinh tế
>> Tổng thống Pháp đóng kín đời tư
>> Pháp tổ chức duyệt binh hoành tráng mừng Quốc khánh
>> Dân Pháp lại biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.