Ngành mía đường chưa được đầu tư bài bản

22/11/2012 09:29 GMT+7

Trong lúc người trồng mía ở nước ta cứ loay hoay lo chuyện “trúng mùa thất giá” thì ở nhiều nước khác, ngành mía đường được đầu tư bài bản để cho cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi…

Vừa trở về từ hội thảo quốc tế tại Ấn Độ “Những lĩnh vực mới trong nghiên cứu cây mía”, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, cho biết: “Đây là dịp để nắm được toàn bộ khung cảnh nghiên cứu khoa học về cây mía, qua đó chúng tôi thấy rất rõ trình độ cây mía của Việt Nam còn thua xa các nước khác trên thế giới”.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại hội thảo này, tiến sĩ N.Vijayan Nair, Viện trưởng Viện Chọn tạo giống mía (SBI) của Ấn Độ cho biết trong 100 năm qua, viện này đã cho ra đời khoảng 2.500 giống mía. SBI cũng đã nghiên cứu đặc tính di truyền của giống mía từ thập niên 1990 và đang nghiên cứu công nghệ biến đổi gien mía. “Tiến sĩ Nair lưu ý các quốc gia sản xuất đường sẽ đối đầu với thách thức lớn trong tương lai. Đó là nhu cầu tiêu thụ đường ăn sẽ tăng 50% trong năm 2030 nên rất cần có giải pháp khoa học công nghệ thích hợp. Ông cũng nói, biến đổi khí hậu sẽ tác động xấu đến sản lượng mía bất kỳ ở vùng trồng mía nào trên trái đất. Các chuyên gia khí hậu dự đoán sản lượng mía sẽ giảm 20% mỗi khi nhiệt độ bình quân tăng 1 độ C”, GS Xuân cho biết.

 
Nông dân thu hoạch mía ở Hậu Giang - Ảnh: Công Hân

Trong khi đó, tại Brazil - nước dẫn đầu thế giới về sản xuất mía đường - thì có hẳn mạng lưới nghiên cứu giống mía (RIDESA), với sự tham gia của 10 trường đại học liên bang. Năm 2011, RIDESA có thêm 2 giống mía chịu khô hạn và kháng bệnh rỉ sắt. Cùng thời gian trên, Trung tâm (TT) Kỹ thuật cây mía (CTC) cũng cho ra đời thêm 2 giống mía chịu hạn; đồng thời đang thử nghiệm công nghệ biến đổi gen để tạo giống mía chịu hạn tốt. “Hiện CTC đang giữ bộ sưu tập giống mía lớn nhất của Brazil, cung cấp miễn phí gien mía cho bất cứ nhà khoa học nào”, GS Xuân cho biết. Ngoài ra, Viện Nông học Campinas (IAC) của nước này cũng đang chọn tạo giống mía chịu hạn và chịu ngập để đối phó với tình huống biến đổi khí hậu.

Thái Lan: Nhiều trung tâm nghiên cứu giống mía

Theo GS Võ Tòng Xuân, vụ mùa rồi, nông dân Thái Lan trồng 1,4 triệu ha mía, đạt tổng sản lượng 100 - 105 triệu tấn mía; lượng đường sản xuất lên đến 11 triệu tấn, xuất khẩu 9 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 thế giới. Sở dĩ ngành mía đường Thái Lan phát triển mạnh là do ở nước này có nhiều TT nghiên cứu, phát triển giống mía, như: TT Suphanburi ở U Thong; Trường ĐH Nông nghiệp Kasetsart chi nhánh ở Kamphaeng Saen (miền Bắc) và Kanchanaburi (miền Trung); ĐH Khon Kaen; ĐH Chiang Mai và một số TT vùng của Bộ Nông nghiệp. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp Thái Lan tổ chức thí nghiệm cấp quốc gia “Đánh giá giống mía triển vọng từng vùng trồng mía” để các nhà máy đường áp dụng.

Đặc biệt, từ năm 1997, Công ty Mitr Phol đã tự đầu tư xây TT Đổi mới và nghiên cứu cây mía để phục vụ khoa học cho vùng nguyên liệu của mình, với 20.000 nông hộ và 300.000 ha mía. TT có 60 chuyên viên lo từ việc sưu tập giống, chọn cây bố mẹ để lai tạo, chọn giống tại các vùng mía, nhất là nghiên cứu các biện pháp nông học để tăng năng suất mía và chữ đường, bảo đảm sản xuất của công ty đồng thời nâng cao lợi tức của dân trồng mía. Hiện Công ty Đường Mitr Phol sản xuất 2,8 triệu tấn đường/năm (thứ 5 thế giới) đồng thời sản xuất ra 162 MWh điện cùng 800 triệu lít ethanol.

Cần sớm thành lập Viện nghiên cứu mía

Nhìn lại mình, GS Võ Tòng Xuân thừa nhận: “Việt Nam không có gì đóng góp khoa học cho ngành sản xuất mía thế giới. Khi phát triển ngành mía đường trên các địa bàn trong nước, chúng ta không có đủ dữ kiện khoa học cụ thể của từng vùng trồng mía để giúp cho nông dân trồng mía có lợi cao”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, đoàn Việt Nam đã thấy được những khiếm khuyết về mặt khoa học, từ lai tạo, chọn giống cho từng vùng trồng mía khác nhau, đến các kỹ thuật quản lý đồng ruộng bảo đảm cây mía có năng suất cao và chữ đường cao. Giai đoạn cạnh tranh mãnh liệt sẽ đến khi cam kết trong WTO sẽ cho nhập khẩu tự do đường từ các nước, nhất là Thái Lan.

GS Xuân đề nghị: “Nhà nước cũng như các công ty đường của Việt Nam cần đầu tư kinh phí để thiết lập các chương trình nghiên cứu cây mía Việt Nam từ các viện, trường đại học sẵn có tại các vùng sinh thái; đầu tư đích đáng để lập Viện nghiên cứu mía; đồng thời cần cải tiến công tác đào tạo cán bộ ngành mía đường”. 

Huỳnh Kim

>> Cơ chế quản lý mía đường quá lạc hậu
>> Nổ tại Tổng công ty mía đường II, một người bị thương
>> Thấp thỏm mía đường
>> Thực trạng đáng báo động của ngành mía đường Việt Nam
>> Vụ Công ty mía đường La Ngà "chơi chứng khoán": Chủ tịch HĐQT xin từ chức
>> Thực hư vụ Chủ tịch HĐQT - Công ty mía đường La Ngà chơi chứng khoán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.