Gặp gỡ “gà đẻ trứng vàng” của Google

15/04/2013 09:10 GMT+7

(TNO) Neal Mohan được Google đánh giá là một nhân tài xuất chúng về mảng quảng cáo trực tuyến và là một “con gà đẻ trứng vàng” khiến tập đoàn cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu thế giới này phải chi 100 triệu USD để giữ chân.

Hiện có rất ít thông tin về Mohan vì anh là người sống khép kín, chỉ thích đứng sau “hậu trường”. Vậy Neal Mohan thực sự là người như thế nào?

Vào năm 2011, ban lãnh đạo Twitter đã dành nhiều tháng trời tập trung vào việc tìm nhân tài để phát triển trang mạng xã hội này sau nhiều năm bị đánh giá là không tạo ra được sản phẩm, dịch vụ mới để có thể vươn lên thành một công ty thực thụ.

(TNO) Neal Mohan được Google đánh giá là một nhân tài xuất chúng về mảng quảng cáo trực tuyến và là một “con gà đẻ trứng vàng” khiến tập đoàn cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu thế giới này phải chi 100 triệu USD để giữ chân. Hiện có rất ít thông tin về Mohan vì anh là người sống khép kín, chỉ thích đứng sau “hậu trường”. Vậy Neal Mohan thực sự là người như thế nào?
Neal Mohan, người khiến Google phải bỏ ra 100 triệu USD để giữ chân - Ảnh: Business Insider 

Ban lãnh đạo Twitter đặt ra yêu cầu cho đội ngũ săn nhân tài là phải tìm ra một quản lý mảng phát triển sản phẩm giỏi, có khả năng giải quyết các vấn đề nội bộ, vực dậy mảng phát triển sản phẩm và thuyết phục các hãng quảng cáo đổ tiền vào trang mạng xã hội.

David Rosenblatt, cựu CEO của công ty chuyên về quảng cáo trực tuyến DoubleClick và là cựu lãnh đạo mảng quảng cáo hiển thị của Google, người đã gia nhập ban lãnh đạo Twitter hồi tháng 12.2010, lúc ấy cho biết ông có một ứng viên hoàn hảo cho vị trí kể trên.

Rosenblatt đã đề cập đến Neal Mohan, một quản lý của Google và là “cánh tay mặt” của ông này ở DoubleClick.

Thế là Twitter đánh tiếng và ban đầu dường như Mohan đã chấp nhận. Nhưng sau đó anh này từ chối.

Lý do là vì Google đã đưa ra một mức thu nhập khổng lồ để giữ chân Mohan.

Trang tin công nghệ TechCrunch (Mỹ) ít lâu sau đó đưa tin cho biết Google đã quyết định trả Mohan một lượng cổ phiếu trị giá hơn 100 triệu USD.

Hai năm sau khi Mohan nhận số cổ phiếu nói trên, giá cổ phiếu của Google đã tăng khoảng 35% và điều này đồng nghĩa với việc số cổ phiếu Google trả cho anh này có trị giá lên đến 150 triệu USD.

Business Insider cho biết đã cố gắng tiếp cận đồng nghiệp, khách hàng và cả các công ty đối thủ để được biết thêm về Neal Mohan.

Một vài người trong số những người nói trên yêu cầu được giữ kín danh tính nhằm tôn trọng kiểu sống khép kín của Mohan. Bản thân Mohan cũng đã từ chối lời đề nghị phỏng vấn của Business Insider.

Khởi nghiệp với mức lương 60.000 USD/năm

Mohan tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Trường đại học Stanford (Mỹ) vào năm 1996. Sau khi ra trường, anh khởi nghiệp tại Accenture, một công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới.

Sau đó, vào năm 1997, anh nhảy sang một công ty chuyên bán phần mềm non trẻ NetGravity.

Đây chính là thời điểm bắt đầu của sự nghiệp phát triển quảng cáo trực tuyến trị giá 100 triệu USD của Neal Mohan.

Tuy nhiên, khởi điểm này khá là khiêm tốn khi mà NetGravity chỉ trả cho Mohan mức lương 60.000 USD/năm.

Trong lý lịch ghi trên trang mạng xã hội LinkedIn, Mohan ghi chức vụ của mình ở NetGravity là “chuyên viên phân tích cấp cao”.

Richard Frankel, quản lý của Mohan tại NetGravity, nói với Business Insider rằng Mohan lúc đó làm ở vị trí đại diện chăm sóc khách hàng lớn.

Frankel thuật lại rằng ông đã quyết định thuê Mohan vì hai lý do: một là, tại thời điểm NetGravity tuyển người, tức vào thập niên 1990, Mohan nằm trong số ít những người “biết chút ít về công nghệ internet”.

Lý do thứ hai là Frankel nhận thấy Mohan là một sự kết hợp “hiếm có” - đó là anh này là một “chuyên gia công nghệ giàu tham vọng” sở hữu một vốn kiến thức về kinh doanh vừa đủ để có thể bàn bạc chiến lược với các công ty khách hàng của NetGravity.

“Khi làm việc với khách hàng, anh ấy không chỉ giúp giải quyết các khó khăn của khách hàng, mà còn chỉ họ cách khai thác công nghệ của chúng tôi một cách tốt hơn. Điều này đã mang lại rất nhiều khách hàng cho NetGravity”, Frankel nhớ lại.

Ông cũng tin rằng bí mật cho sự thành công của Mohan chính là bản tính tò mò của anh.

“Neal liên tục đặt câu hỏi trong các cuộc họp. Anh ấy thực sự muốn hiểu những gì bạn đang nói. Anh ấy có thể tiếp thu và nắm bắt tất cả những vấn đề mà anh ấy đang gặp phải”, Frankel nói.

Vào tháng 11.1997, DoubleClick mua lại NetGravity. Mohan chuyển từ California sang sống tại New York, nơi DoubleClick đặt trụ sở.

Từ năm 1997 đến năm 2003, vai trò của Mohan tại DoubleClick được mở rộng từ quản lý dịch vụ sang tổ chức bán hàng, rồi lên đến tổ chức kinh doanh. Anh nhanh chóng vươn lên đến chức phó chủ tịch, phụ trách tổ chức kinh doanh.

Gặp gỡ “con gà đẻ trứng vàng” của Google
DoubleClick, nơi Neal Mohan về đầu quân vào năm 1997 - Ảnh: Reuters 

Vào năm 2003, Mohan nghỉ ngang, quay về Trường đại học Stanford ở California để học thạc sĩ.

Hai năm sau đó, DoubleClick lâm vào cảnh khốn đốn vì thất bại từ các thương vụ sáp nhập. Hãng đầu tư Hellman & Friedman mua lại DoubleClick với giá 1,1 tỉ USD và chỉ định quản lý lâu năm David Rosenblatt vào vị trí CEO của Công ty DoubleClick mới.

Rosenblatt đề ra kế hoạch chuyển hướng tập trung của công ty vào triển vọng trong tương lai rằng hàng trăm tỉ tiền chi cho quảng cáo hằng năm sẽ được rót vào quảng cáo trực tuyến.

Tuy nhiên, đây là một nước đi đòi hỏi DoubleClick phải bán bớt nhiều tài sản, chuyển hướng kinh doanh và giải quyết món nợ khổng lồ từ những thất bại trước đây.

Và Rosenblatt hiểu rằng ông cần người giúp đỡ, đó chính là Neal Mohan, người vừa lấy xong tấm bằng thạc sĩ tại Stanford. (Còn tiếp)

Hoàng Uy

>> Google ra mắt tính năng "ngửi mùi trên máy tính
>> Google Translate dành cho Android không cần internet
>> Chi 1.500 USD để... thử kính Google Glass
>> Tiết lộ chấn động từ Google, Microsoft
>> Google sản xuất đồng hồ thông minh?
>> Google Glass tích hợp "dấu vân tay thời trang
>> FBI giám sát người dùng Google

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.