Những cô giáo ở Tà Hộc

10/09/2013 10:08 GMT+7

Công việc trồng người vất vả đã khiến những cô giáo người Thái ở Trường tiểu học Tà Hộc mất đi vẻ đẹp mà người ta vẫn nói về các cô gái Thái Tây Bắc.


Cô Thúy và cậu con trai đã theo mẹ đến các điểm trường từ khi 6 tháng tuổi - Ảnh: Thúy Hằng

Nhảy một cái lên cái ghế đẩu, bặm môi bấm gọng kìm, trong nháy mắt cô giáo Hà Thị May (46 tuổi), người dân tộc Thái đã cắt xong sợi dây thép, hạ chiếc màn gió treo trên cửa sổ xuống. Ngày mai, nó sẽ theo cô sang bản Pơ. 11 năm làm giáo viên cắm bản, cô May đã chuyển qua 5 bản, xa nhất là bản Heo, cách trung tâm xã 12 cây số toàn dốc núi. 11 năm trước, lần đầu về nhận công tác, hai vợ chồng cô May kẻ gồng người gánh. Trên vai cô, một đầu là cậu con trai 11 tháng tuổi, đầu kia là quần áo. Chồng cô thì gánh nồi niêu, sách vở.

Cậu bé ấy khi lên 6 thì về thị trấn Hát Lót ở cùng ông bà, cô May lại đến những bản làng khác. Cô con gái út ở cùng mẹ tại bản Hộc từ 12 tháng tuổi, sau vụ lũ quét năm 2008 làm trôi mất cả dãy nhà, cô bồng con về nhà gửi ông bà nội, mỗi tháng về ôm con vài đêm rồi lại đi.

Cũng ở Trường Tà Hộc, chúng tôi gặp cô giáo Quàng Thị Thảo, 25 tuổi. Cô đang ho sù sụ vì gặp mưa hôm lên bản Mông vận động phụ huynh đóng tiền xây dựng. “Mỗi cháu chỉ hơn 20.000 đồng thôi, học phí, sách vở đã được miễn rồi, thế mà còn khó vì nhà các cháu nghèo quá”, cô Thảo bảo.

So với hình ảnh cô hoa khôi thời sinh viên ở Trường Đại học Hải Phòng 2 năm trước, Thảo “xuống sắc” đến mức ai gặp lại cũng phải ngỡ ngàng. Là con út trong một gia đình công chức ở H.Sông Mã, Sơn La, Thảo chỉ biết học. Về Tà Hộc 2 năm, Thảo gầy đi 7 cân, da đen sạm. Ngược lại, cô đã quen với việc leo đồi, lội suối, phát cỏ, gánh củi và quan trọng là đã trở thành một giáo viên giỏi. Năm vừa rồi, 3 học trò của Thảo đã đỗ vào lớp chọn của trường cấp 2 nội trú.

Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Tiến, Trường tiểu học Tà Hộc, xã Tà Hộc, H.Mai Sơn, Sơn La có 8 điểm trường nằm tại 10 bản trong xã. Toàn trường có gần 300 học sinh, 38 giáo viên, tính cả ban giám hiệu. Đã có 80% trẻ em được phổ cập tiểu học, nhưng số em học tiếp lên cấp 2 còn ít.

Đón chúng tôi, các thầy cô mời một bữa cơm tối giữa gian bếp quây bằng gỗ. Có khách quý nên mâm cơm hôm ấy có măng làn luộc, đậu phụ kho, cá suối nấu lá mắc mật. Điểm trường bản Hộc có đường vào đến cổng nên mỗi sáng có một chiếc xe máy chở rau dưa thịt cá về bán cho bà con, chỉ sợ không có tiền. Những điểm trường ở các bản Heo, Pơn, Mới, Mòng, Pá Hốc, Pù Tìn cách trở hơn. Ở các nơi đấy, trẻ em đi học phải dựng lán, mang theo gạo muối đủ ăn cả tuần.

“Cô được ăn cơm với lạc rang, thấy trò chỉ có quả bí đỏ luộc lên, lấy thìa xúc ăn thì thương lắm”, cô giáo Vì Thị Thúy, 27 tuổi, dân tộc Thái kể khi mời chúng tôi một chén rượu ngô.

Kể chuyện với chúng tôi, cô giáo Quàng Thị Thảo cho biết sắp về Sông Mã một thời gian để làm lễ cưới, cô Hà Thị May sẽ chuyển sang dạy ở một điểm trường khác. Cô Thúy vì thế sẽ trở thành nữ giáo viên duy nhất ở điểm trường bản Hộc của năm học này. Các cô khóc như con trẻ, quên cả sự có mặt của chúng tôi. Có lẽ, những vất vả muôn trùng của sự nghiệp trồng người ở vùng đất xa xôi này đã khiến họ thân thiết với nhau trong công việc và rơi nước mắt ngày chia tay...

Thúy Hằng

>> Chuyện về cô giáo Phương
>> Cô giáo trẻ mê sáng tạo
>> Chưa có giáo viên dạy tốt môn toán, khoa học bằng tiếng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.