Vận động bầu cử ở Campuchia

28/07/2013 03:15 GMT+7

Hôm nay, cuộc bầu cử ở Campuchia chính thức diễn ra. Nhưng từ nhiều ngày trước, không khí vận động tranh cử đã hầm hập ở khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, với những sắc thái riêng rất Campuchia.

Càng sát ngày bầu cử, không khí vận động càng náo nhiệt. Dòng người cổ động đi bộ, xe máy, ô tô, mang theo cờ, biểu ngữ xuất hiện khắp nơi, hô vang các khẩu hiệu tranh cử của đảng mình ủng hộ. Đường phố Phnom Penh vốn chẳng đông đúc gì, những ngày này lại thường xuyên tắc nghẽn hàng giờ liền vì bầu cử…

Người trẻ xuống đường

Sau khi làm xong công việc gia đình, Smey (19 tuổi) cùng nhóm bạn kéo ra bến tàu ở khu Russey Keo, bên ngoài Phnom Penh để tham gia nhóm cổ động cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Ở đó đã có cả ngàn người trẻ như cô hoặc lớn hơn tụ tập. Họ chuẩn bị cho một cuộc diễu hành ở khu vực bên ngoài Phnom Penh. Trong khi đó, bên trong Phnom Penh, khu vực công viên độc lập, Thida và các sinh viên ngành ngân hàng năm cuối cùng với Đoàn thanh niên của thành phố tập dượt 1 số nghi thức cổ động cho cuộc bầu cử. Nhóm của Thida không di chuyển như Smey mà chỉ tập trung một chỗ và cổ động, vẫy cờ mỗi khi có đoàn nhà đi qua.

Diễu hành ủng hộ CPP - Ảnh: Minh Quang
Diễu hành ủng hộ CPP - Ảnh: Minh Quang 

Khoảng 2 giờ chiều, đoàn của Smey bắt đầu di chuyển để cổ động dân trong vùng. Smey bảo xóm cô ở cũng có người ủng hộ đảng này, đảng kia, nhưng phần lớn là ủng hộ CPP. “Ngay cả ở trường thầy cô cũng tổ chức hoạt động ủng hộ đảng CPP”, Smey chia sẻ. Năm nay là lần đầu tiên Smey thực hiện quyền công dân và cô đã xác định sẽ chọn ai cho cuộc đi bầu đầu tiên này của mình.

Những ai từng đến Thái Lan vào dịp có những cuộc xuống đường của phe áo đỏ, áo vàng thu hút hàng chục hoặc hàng trăm ngàn người chủ yếu là lớn tuổi, sẽ phải ngạc nhiên về những cuộc xuống đường cổ động bầu cử ở Campuchia. Hàng trăm ngàn thanh niên được huy động để tham gia các chiến dịch tranh cử của các đảng phái. CPP của Thủ tướng Hun Sen được đánh giá là biết sử dụng và sử dụng hiệu quả lực lượng thanh niên cho chiến dịch bầu cử của mình. Trong bất kỳ chiến lược hay chiến dịch gì, CPP đều huy động rất đông lực lượng thanh niên trong xã hội tham gia ủng hộ. Cách làm của CPP sau đó được Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), áp dụng nhưng không mấy thành công.

Sắc thái và xung đột

Trước cuộc bầu cử ở Campuchia, người ta thấy rất rõ sự ủng hộ của người dân cho đảng phái nào. Ở vùng nông thôn, chỉ cần nhìn những lá cờ hay biểu tượng của đảng tranh cử nào treo ở đầu làng là biết người trong làng ủng hộ ai. Vùng thành thị cũng vậy. Những bảng khu dân cư hay khu phố được che đi bởi biểu ngữ ủng hộ của các đảng.

Diễu hành ủng hộ CPP
Diễu hành ủng hộ CPP - Ảnh: Minh Quang

Do những khu vực ủng hộ các đảng phái thường đan xen nhau, nên chuyện tranh cãi giữa các làng hay khu phố cũng thường xuyên xảy ra giữa những người ở “hai chiến tuyến” khiến không ít bị thương. Khi chiến dịch vận động đang vào cao trào, những thành viên của CNRP kéo vào “cấm địa” thuộc CPP ở huyện Russi Keo và khiêu khích những người dân trong vùng này phần lớn là người Chăm. Hậu quả, sau đấu khẩu là ẩu đả, cảnh sát đến can thiệp cũng bị trúng đòn bởi những kẻ quá khích khiến một nhân viên công lực bị thương.

Nhưng nơi thường xuyên xảy ra xung đột là những vùng đệm thuộc Phnom Penh, như Wat Phnom. Anh Phan Vet, chủ bãi giữ xe ở khu này, cho biết không ngày nào lại không thấy xung đột giữa những người ủng hộ các đảng phái khác nhau. “3 ngày trước bầu cử, vào buổi chiều hàng trăm thanh niên trên xe máy cùng biểu ngữ đi cổ động ở khu vực này gặp nhóm tương tự cũng đang có mặt ở đây. Họ tranh nhau trên tuyến đường khá nhỏ, dùng xe ép nhau, dẫn đến va chạm. Rồi 2 phe xông vào đánh nhau, dùng những thứ gì có thể ném vào nhau, kể cả đá, gây hỗn loạn cả khu vực, tắc nghẽn giao thông hàng giờ”, anh Phan kể và cho biết cảnh sát cùng bảo vệ khu vực được điều động đến nhưng xung đột giữa các nhóm không giảm đi, khiến nhiều người dân ngao ngán.

Tuy vậy, theo nhận định của giới chức Campuchia, tình hình bầu cử năm nay ít phức tạp và ít xảy ra bạo động hơn những cuộc bầu cử trước đây.

Ước nguyện của một cộng đồng

Kinh doanh một quán nhỏ trong góc chợ Ơ Xê Miêng ở thủ đô Phnom Penh, bà Năm (một người Campuchia gốc Việt) háo hức chờ ngày đi bầu. Dù đã 60 tuổi, sống trên đất Campuchia gần 30 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên bà Năm đi bầu cử ở đất nước chùa Tháp, theo sự cho phép của chính phủ sở tại. Bà và một người con sẽ bỏ phiếu ở Phnom Penh vào ngày chủ nhật này. “Lần đầu tiên được làm cử tri Campuchia quả là điều lớn lao đối với tôi. Ở Việt Nam tôi cũng từng được đi bầu, nhưng ở đây tôi lại có cảm giác khác”, bà Năm tâm sự và cho biết: “Thâm tâm tôi đã có sẵn những đại biểu của riêng mình. Đó là những người sẽ giúp chúng tôi nói lên tiếng nói nhỏ nhoi của mình, để có được cuộc sống và làm ăn yên ổn trên đất Campuchia, cũng là quê hương thứ hai của chúng tôi kể từ khi theo chồng qua bên này”.

Một người gốc Việt khác, chị Nguyễn Thị Dung (nội trợ), không có tâm trạng háo hức như bà Năm bởi đây không phải lần đầu tiên chị là cử tri và đã chứng kiến nhiều cuộc bầu cử trên đất nước này với những cảm giác khác nhau, với cả vui, háo hức lẫn lo lắng, sợ hãi. Chị Dung kể hồi những năm 1990 đi bầu quả là hãi hùng đối với không chỉ người dân Campuchia mà cả những người trong gia đình chị. Đánh nhau, đổ máu ở những nơi bỏ phiếu của những kẻ quá khích vì sự tranh giành, mâu thuẫn nhau giữa các đảng phái... “Thấy những cảnh đó chẳng ai còn dám đi bầu vì ai cũng sợ ảnh hưởng đến tính mạng của mình. Nhưng nay đã khác rồi. Người Campuchia, cả người Việt ở đây có được cảm giác an toàn và sẵn sàng thể hiện quyền lựa chọn của mình”, chị Dung nói, đồng thời “tiết lộ” sẽ bầu cho những người bảo đảm sự an toàn và bình đẳng cho mọi người dân, bất kể sắc tộc trên đất Campuchia.

Phản đối kỳ thị trong tranh cử

Theo số liệu chính thức của chính quyền Campuchia, cộng đồng người Việt ở đây có hơn 90.000 người. Tuy nhiên, có những số liệu khác cho thấy người Việt đông hơn con số này và có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Campuchia.

Thế nhưng, họ lại trở thành mục tiêu cho chiến dịch tranh cử không được xem là “sạch sẽ” của đảng đối lập CNRP. Như những lần tranh cử trước đây, lãnh đạo của đảng này vẫn sử dụng từ duôn (cách gọi người Việt của người Campuchia) và những lời hứa như kiểm soát người Việt, đuổi người duôn về nước khi thắng cử.

Tổ chức quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc nhiều lần lên tiếng chỉ trích CNRP sử dụng chiến dịch “miệt thị” trong tranh cử, bởi sinh sống trên đất Campuchia không chỉ có người Việt và người Việt không đe dọa hay gây hại đối với Campuchia. Cộng đồng người Việt đang cùng với người Campuchia phát triển đất nước này.

Minh Quang
(từ Phnom Penh)

>> Các đảng phái Campuchia huy động tổng lực
>> Ngăn ngừa dịch cúm gia cầm từ Campuchia
>> Campuchia tiếp nhận máy bay của Trung Quốc
>> Quốc vương Campuchia ân xá lãnh đạo đối lập Sam Rainsy
>> Campuchia truy nã quan chức bắn người
>> Phát hiện thành phố 1.200 năm ở Campuchia
>> Campuchia, Thái Lan hợp tác biên giới
>> Phát hiện thành phố mất tích hơn 1.000 năm ở Campuchia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.