Hòa giải với chính mình, và…

03/05/2013 13:50 GMT+7

(TNO) Cách đây đúng 19 năm, tôi gặp nhà văn cựu binh Tim O’Brien khi ông về Quảng Ngãi thăm lại chiến trường xưa. Với giọng đượm buồn, Tim nói với tôi: “Cuộc chiến tranh này không ra khỏi tôi được anh ạ. Nên tôi cứ phải viết mãi về chiến tranh, dù tôi tham chiến khi còn quá trẻ và chỉ ở Việt Nam, ở Quảng Ngãi một thời gian không dài”.

Với một thời gian trải nghiệm cuộc chiến không dài ấy, Tim O’Brien đã có hàng loạt tiểu thuyết và truyện vừa gây ấn tượng rất lớn cho độc giả Mỹ và độc giả nhiều nước trên thế giới. Khi biết tin cuốn tiểu thuyết - truyện ngắn độc đáo Những thứ họ mang vừa được chuyển ngữ ra tiếng Việt, dù còn nhiều vấn đề về dịch thuật phải bàn cãi, Tim O’Brien đã tỏ ra rất vui mừng (qua cuộc điện đàm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã “không ra khỏi” ông, nhưng nó đã kịp biến thành những tác phẩm văn học. Và đó cũng là một cách để nhà văn - cựu binh Mỹ này giải tỏa những nỗi đau của chính mình. Và thực hiện cuộc hòa giải nội tâm với chính mình.

Không phải cựu chiến binh Mỹ nào tham chiến ở Việt Nam cũng có cơ may thành nhà văn nổi tiếng như Tim O’Brien, và cũng có điều kiện để hòa giải với chính mình như Tim. Nhiều cựu binh đã mắc những chứng bệnh không thể chữa khỏi, và trùm lên tất cả là “bệnh chiến tranh”, là những nỗi đau dai dẳng mà không một loại thuốc an thần nào có thể chấm dứt nó.

Người Mỹ còn đau đến vậy với cuộc chiến tranh này, nữa là người Việt Nam!

Với một cuộc chiến tranh kéo quá dài mà người Việt phải chia ra ở hai chiến tuyến đối địch, một cuộc chiến xảy ra ngay trong từng gia đình Việt khi người ở phía này người ở phía kia, sự đối đầu nhiều khi không phải do mình chọn lựa, thì nỗi đau và những hệ lụy nó để lại là vô cùng sâu sắc và phức tạp. Nếu những cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam chỉ phải hòa giải với chính mình, thì những người Việt tham chiến, ngoài chuyện hòa giải với chính mình, nhiều khi còn phải hòa giải với gia đình mình, làng xóm quê hương mình, và cuối cùng, là hòa giải với cộng đồng dân tộc mình. Trong khi đó, công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc ở tầm quốc gia lại gặp vô vàn trắc trở do thiếu niềm tin, thiếu sự tin cậy lẫn nhau, và có lúc, là do không thật lòng với nhau.

Hòa giải với chính mình, và…
Ông Phan Văn Khải (thứ hai từ phải qua), lúc bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, gặp ông Nguyễn Cao Kỳ (bìa trái), một cựu lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây, trong chuyến trở về quê hương của ông Kỳ vào năm 2005 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chúng ta cứ hay nhắc câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, nhưng trong thực tế, nhiều khi “bầu” cũng chưa biết thương “bầu”, mà “bí” thì còn… ghét “bí” nữa kia.

Hàng triệu người Việt đã ra đi định cư ở nước ngoài, đã mang nỗi đau phải rời bỏ quê hương, gia đình. Nhưng ngược lại, những người ở lại với đất nước mình cũng phải chịu những nỗi gian truân hay nhọc nhằn mà người ra đi có khi cũng cần thấu hiểu. Một khi người đi hay kẻ ở thông cảm với hoàn cảnh của nhau, ấy là khi người Việt dù ở đâu cũng có cơ hội xích lại gần nhau.

Những chế độ, những thể chế có thể khác nhau, nhưng tình cảm con người Việt thì vẫn có rất nhiều điểm tương đồng. Tôi là người Việt Cộng, anh là người Việt Nam Cộng hòa, ngày ở chiến trường là kẻ thù của nhau, dù rất nhiều khi không ý thức được vì sao phải oán thù, bây giờ, khi đã “rửa tay gác kiếm” tới 38 năm, thì chẳng còn lý do nào để không phải là bạn, là đồng bào của nhau.

Tôi được biết, ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), ngày chiến tranh có một ông đội trưởng dân vệ khét tiếng vì những “chiến tích tiêu diệt Việt Cộng”. Những người bị ông ta tiêu diệt hầu hết đều là những du kích cùng ở trong làng trong xóm với ông, chứ chẳng đâu xa. Oán thù chồng chất, đến nỗi, sau chiến tranh, có người cha mà đứa con của mình bị ông dân vệ kia giết, đã mài con rựa đến bén ngót để trả thù. May mà ông đội trưởng dân vệ kia “được” bộ đội bắt, nếu không, chắc chắn ông ta không toàn mạng. Vậy mà sau một thời gian cải tạo, trở về nhà, ông dân vệ đã không còn gặp bất cứ sự trả thù nào, cho tới khi ông được qua Mỹ theo chương trình HO. Nhiều năm sau, ông trở về Sơn Tịnh thăm lại quê nhà, thì những gia đình nạn nhân của ông đã không còn ý định trả thù ông nữa. Như thế, đâu phải người Việt trong nước, hay người Việt Cộng cứ phải là những người “thù lâu nhớ dai”? Người dân Việt, dù ở đâu, cũng chỉ cầu mong hai chữ an bình. Họ thường “chín bỏ làm mười” để có thể sống chung với nhau trong cuộc đời hữu hạn và đầy gian khó này.

Một số quốc gia từng có quá khứ chia cắt, sau cả trăm năm sự nghiệp hòa giải vẫn chưa hoàn tất, thì cũng không thể mong tại Việt Nam, công cuộc ấy có thể thực hiện một sớm một chiều. Nhưng, đó là việc phải làm, là việc không thể chần chờ. Không thể cứ bên này đổ lỗi mãi cho bên kia, và chẳng ai chịu nhận về phần mình những lỗi lầm cần công khai nhìn nhận và khắc phục.

Hòa giải là nhìn vào nhau, và cùng nhìn về một hướng. Hướng nhìn chung ấy là vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam chúng ta. Khi biển Đông bắt đầu dậy sóng, bắt đầu nóng lên do những mưu đồ độc chiếm của Trung Quốc, thì người Việt yêu nước dù ở trong nước hay ở nước ngoài đã bắt đầu có chung một điểm nhìn, một mối lo âu, một niềm uất ức. Và từ đó, cũng bắt đầu niềm hy vọng về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ấy là khi người Việt có cơ hội để thực sự xích lại gần nhau. Tổ quốc Việt Nam chính là điểm chung lớn nhất giữa mọi người Việt. Nếu biết vì cái trường tồn là Tổ quốc, thì những dị biệt có thể cùng nhau khắc phục được.

Với Hoàng Sa và Trường Sa, người Việt đã có chung một điểm nhìn, một nỗi xót xa, và một tâm nguyện. Hãy bắt đầu công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc từ đó.     

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên:
Khép lại quá khứ, nhìn tới tương lai

Tôi nghĩ, từ năm 1975 tới nay, mốc thời gian ngày một lùi xa và vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc đang đặt ra rất cấp bách, cấp thiết. Ngay trước thời điểm chiến tranh kết thúc, vào năm 1973 khi ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam thì chúng ta đã nói tới chính sách này. Và sau khi thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc được đặt ra cũng là để xoa dịu nỗi đau chiến tranh và đoàn kết dân tộc thì bây giờ việc thực thi điều đó càng rất quan trọng để tập hợp sức mạnh toàn dân phát triển phồn vinh đất nước.

Gần 40 năm sau chiến tranh, đất nước chúng ta rất cần sự hòa hợp nhân tâm, đoàn kết tập hợp mọi tài lực, mọi tâm lực, trí lực của người Việt Nam trên toàn thế giới (dù ở bên này hay bên kia) để chung sức, đồng lòng cùng dân tộc xây dựng, phát triển đất nước hình chữ S này. Và sự hòa hợp, hòa giải này cần làm mạnh mẽ và có chiều sâu hơn nữa.

Trong nhiều bài viết của tôi về vấn đề này, tôi có trích câu thơ rất có ý nghĩa của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Đường sáng tuyệt vời ông viết năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: “Chúng ta có đủ đất cho chim về đậu, biển có dư sóng yêu thương để vỗ sóng ngàn đời thì có chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu/Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai”.

Tôi nghĩ đến hôm nay, 38 năm sau chiến tranh, chúng ta cần khép lại quá khứ để nhìn tới tương lai. Nhưng tôi có cảm tưởng, vấn đề khép lại quá khứ chúng ta đã làm nhẹ hơn, làm tốt hơn với chính những quốc gia đã xâm lược nước ta như Pháp, như Mỹ, còn với đồng bào, với con dân Việt (ở bên này, bên kia) thì vấn đề khép lại quá khứ chúng ta lại làm chậm hơn và nhiều khúc mắc hơn. Cho nên ở đây, về phía Nhà nước cần có những hành động cụ thể, thiết thực và đi vào bản chất hòa hợp, hòa giải hơn. Và về phía những người Việt thì chúng ta cũng không nên tự đặt ra những hố sâu ngăn cách, những rào cản gì nữa. Tất nhiên, ở đây cần một sự rõ ràng, minh bạch của lịch sử để vượt qua những oán thù và đau thương.

Tôi nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cuối đời ông rất thao thức, băn khoăn về chuyện này. Ông đã nói một câu có thể nói là rất nhân tình, nhân văn: “Đến ngày 30.4, có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”. Mới đây, việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng hòa cho thấy về mặt biểu tượng đã có một động thái mạnh mẽ chứng tỏ thiện ý của quan chức cấp cao của Nhà nước, và việc làm thực tế này mang một ý nghĩa rất thiết thực và có ý tưởng hòa hợp thật sự hơn.                                        

Nguyễn Việt Chiến (ghi)

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.