Khoảng trống trách nhiệm

06/08/2013 03:10 GMT+7

Thảm họa chìm ca nô tại biển Cần Giờ ngày 3.8 khiến 9 người chết và mất tích, với những dấu hỏi trách nhiệm chưa được làm rõ, khiến dư luận nhớ đến vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký hồi tháng 5.2011 làm 16 người tử vong.

Thảm họa chìm ca nô tại biển Cần Giờ ngày 3.8 khiến 9 người chết và mất tích, với những dấu hỏi trách nhiệm chưa được làm rõ, khiến dư luận nhớ đến vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký hồi tháng 5.2011 làm 16 người tử vong.

>> Dìn Ký bồi thường cho nạn nhân vụ chìm tàu
>> Sẽ điều tra 'nghi án' ém thông tin tai nạn chìm ca nô

Hai vụ việc đáng tiếc trên và nhiều vụ tai nạn đò ngang thương tâm khác đã làm lộ ra lỗ hổng rất lớn trong quản lý vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt tại những địa phương gần sông, biển như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Sau mỗi vụ tai nạn, chủ tàu, lái tàu - chịu trách nhiệm trực tiếp tới tai nạn - có thể bị truy tố, xử lý hình sự. Thế nhưng, cảng vụ, thanh tra GTVT địa phương, Cục Hàng hải... - không thực hiện đầy đủ chức trách theo quy định - lại chỉ dừng ở mức rút kinh nghiệm và lặp lại lời hứa siết chặt công tác kiểm tra, quản lý!

Sau vụ chìm ca nô tại biển Cần Giờ, cơ quan quản lý mới “giật mình” nhìn lại: tại sao tàu chở quá số người quy định và đang trong quá trình bảo trì, nhưng vẫn “lọt lưới” cảng vụ tự do lưu thông trên biển? Trong cuộc họp về nguyên nhân tai nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng cần làm rõ người lái tàu có đủ bằng cấp hay không, cảng vụ có làm hết trách nhiệm, đúng quy trình xuất bến hay không? Câu hỏi đặt ngược lại với Cục Hàng hải, Bộ GTVT là nếu cảng vụ bê trễ, buông lỏng trách nhiệm, ai sẽ bị xử lý, ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới?

Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi này, bởi vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký cho thấy nhiều đơn vị cần chịu trách nhiệm từ đăng kiểm, thanh tra giao thông đường thủy, cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 đều đã “thoát hiểm” một cách ngoạn mục. Cũng chỉ sau vụ tai nạn, những lòng vòng, chồng chéo trong quản lý nhà nước với tàu du lịch mới bộc lộ. Quản lý về mặt vận tải do ngành giao thông, nhưng tàu du lịch hoạt động thế nào lại do ngành du lịch, địa phương quản lý. Sự chồng chéo này đã dẫn tới hệ lụy là phương tiện không đảm bảo an toàn, nhưng lại rất khó quy trách nhiệm quản lý cho từng bên khi xảy ra vụ việc.

Phải trả giá cho sự buông lỏng và mập mờ trong quản lý vận tải thủy, hàng hải hiện nay chính là tính mạng của người dân, hoặc nhà nước bị “móc túi”. Điều người dân cần không chỉ là lời hứa hay lời xin lỗi muộn màng, mà cần hơn cả là những công bộc của dân thực hiện đầy đủ, có lương tâm và nghiêm túc chức trách theo quy định, tránh lặp lại những thảm kịch tương tự.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.