Nắng nóng, trẻ đem tính mạng đùa với “hà bá”

24/05/2013 21:50 GMT+7

(TNO) Mùa nắng nóng, trẻ em vẫn bất chấp cảnh báo, tắm sông, tắm suối ở những khu vực nguy hiểm dù thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.

Khoảng 14 giờ ngày 24.5, chúng tôi ghi nhận tại khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ bắc ngang kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (Q.5, TP.HCM), một nhóm học sinh độ tuổi 13-15, liên tục nhào lên, lộn xuống dưới dòng nước đục ngầu để "giải nhiệt".

Nguy hiểm rình rập

Nhiều em còn bơi từ bên này sang bên kia dòng kênh (phía Q.8), leo lên các điểm cao lao đầu xuống kênh “biểu diễn”.

Cách đó khoảng 500 m, tại cầu bộ hành số 9 đường Võ Văn Kiệt (Q.5) chiều đến thường xuyên có một nhóm trẻ hơn 10 em tắm ở đây.

đuối nước ;chết đuối ;tắm sông ;ngạt nước
 Một em nhỏ bơi một mình ở khúc sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) - Ảnh: Giang Phương

Ông Trần Văn Ngà, một người dân sống dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5) cho hay biết: “Thấy chính quyền thường xuyên nhắc nhở, nhưng bọn nhỏ hết nhóm này lại tới nhóm khác tìm đến đây tắm”.

Theo ông Ngà, nguyên nhân mà các em nhỏ hay tắm ở khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ và cầu bộ hành số 9 là do có nhiều điểm có thể leo lên cao nhảy, nhào lộn xuống kênh biểu diễn.

Chúng tôi còn ghi nhận tại các con kênh khác như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều hồ nước đọng tại KCN Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh), khu vực Q.12..., trẻ cũng thường xuyên trốn người lớn tắm sông.

Tại Tây Ninh, chỉ tính riêng trong tháng 5.2013, ở xã Trí Bình, H.Châu Thành đã xảy ra 2 vụ chết đuối làm chết tổng cộng 5 người, trong đó có 2 trẻ em mới 5 tuổi.

Trước sự lơ là của người lớn, trong những ngày hè nóng bức, trẻ ở Tây Ninh vẫn thường vui chơi trên nhiều đoạn sông nguy hiểm.

Không để trẻ bơi hồ, tắm sông một mình

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp ngạt nước, đuối nước. Trong đó luôn có 2-3 ca chết đuối rất thương tâm. Đặc biệt, hầu hết các tai nạn này đều tập trung vào những tháng hè. Đây là lúc thời tiết oi bức, trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi nên thường đi chơi ở hồ bơi, sông, suối.

Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), những trường hợp ngạt nước được đưa đến bệnh viện, hầu như khả năng hồi phục là rất ít. Bởi lẽ, thường nhanh nhất thì cũng phải mất 20 phút bệnh nhân bị đuối nước mới có thể được đưa từ hiện trường đến bệnh viện.


Bệnh nhi bị đuối nước được theo dõi hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

“Trong khi đó, khi bị ngạt, đuối nước, chỉ có 4 phút “thời gian vàng” để kích thích tim, phổi của bệnh nhân hoạt động lại. Nếu để tim bệnh nhân ngừng đập, thiếu máu và oxy lên não thì sẽ gây tổn thương não. Sau đó, cho dù bệnh nhân có mạch lại thì cũng rơi vào tình trạng hại não, hôn mê sâu rất khó phục hồi”, bác sĩ Nguyên Anh cảnh báo.

Các bác sĩ khuyên, với những trường hợp đuối nước thì quan trọng nhất là phải hồi sức tim, phổi cho nạn nhân để có không khí và máu lên não trước.

Có thể sơ cứu cho nạn nhân bằng cách đưa người bị nạn lên khỏi mặt nước, để chỗ khô ráo, hà hơi thổi ngạt, ấn tim để giúp nạn nhân có thể thở và tim đập lại, đồng thời tống nước ra ngoài.

Đặc biệt, không được sơ cứu theo các cách dân gian như: xốc, vác ngược nạn nhân chạy vòng vòng hay lăn lu.

Để phòng ngừa những trường hợp ngạt, đuối nước, thậm chí chết đuối thương tâm ở trẻ, bác sĩ Phương khuyến cáo: Tai nạn đuối nước có thể xảy ra rất nhanh nên phụ huynh không nên để trẻ đi tắm hồ bơi, sông suối một mình.

Mặt khác, phụ huynh không nên để trẻ bơi tắm hay đi chơi ở những ao hồ, sông suối, sình lầy, trơn trượt, không an toàn; không chơi gần vùng nước xung quanh không có rào chắn bảo vệ. Ở những địa điểm thế này, trẻ rất dễ bị trượt chân té ngã xuống nước; không tắm biển ở khu vực có cờ đen, biển báo nguy hiểm, cấm tắm. Trẻ cũng cần khởi động kỹ trước khi xuống bơi; không chạy nhảy, xô đẩy nhau ở thành hồ bơi, khu vực sông suối, ao hồ.

“Mọi hoạt động bơi lội của trẻ đều cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt nước được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng thở, da phồng rộp vì phỏng hay đa chấn thương. Các tổn thương này gây ra bởi những “pha cấp cứu” không đúng cách theo kiểu dân gian như lăn lu, xốc nước hoặc ôm, vác dốc ngược đầu bệnh nhân xuống chạy vòng vòng. Làm như thế vừa không giúp tim, phổi bệnh nhân hoạt động lại vừa gây nhiều tai biến. Bệnh nhân không chết vì đuối nước mà chết vì bị chấn thương...

đuối nước ;chết đuối ;tắm sông ;ngạt nước
Nhiều em rủ nhau lên cầu Bến Sỏi, bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông (thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) rồi nhảy ùm xuống nước ở độ cao gần 5 m - Ảnh: Giang Phương

đuối nước ;chết đuối ;tắm sông ;ngạt nước
Khi nhảy xuống sông các em nhỏ còn cố tình làm nhiều người đi đường thót tim hơn khi những cánh tay như trong ảnh giơ trên mặt nước - Ảnh: Giang Phương


Nhiều nhóm học sinh độ tuổi 13-15 thường tụ tập tắm trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Q.5, TP.HCM - Ảnh: An Bang




Tắm sông giữa buổi trưa nắng gắt - Ảnh: An Bang


Trẻ tắm tại một hồ nước đọng bên cạnh KCN Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: An Bang


Nhiều trẻ ở các quận huyện ven TP.HCM vẫn đi tắm, chơi đùa ở các con sông, bên những hồ nước không có sự quản lý của người lớn (ảnh chụp tại một hồ nước P.Thạnh Lộc, Q.12) - Ảnh: An Bang

Nguyên Mi - An Bang - Giang Phương

>> 6 trẻ em chết đuối khi tắm sông, kênh
>> Tắm sông, 3 học sinh chết đuối
>> Tắm kênh, 3 em nhỏ chết đuối
>> Tắm ao công trình, 2 trẻ chết đuối
>> Đi thả lưới, hai vợ chồng chết đuối thương tâm
>> Tắm sông Sêrêpốk, 4 học sinh chết đuối
>> Nhảy sông, 1 nữ sinh chết đuối
>> Nhảy kênh, kẻ cướp chết đuối
>> Hai trẻ 5 tuổi chết đuối dưới kênh
>> 2 trẻ sinh đôi chết đuối
>> Đi bắt ốc, một người bị chết đuối
>> Hai cháu bé 5 tuổi té kênh chết đuối
>> Một du khách bị chết đuối khi tắm biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.