Bệnh viện thiếu thuốc do... thông tư ?

29/11/2013 03:00 GMT+7

Theo Thông tư 01 Liên bộ Y tế - Tài chính (năm 2012) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công, thuốc nằm trong kế hoạch đấu thầu đã được duyệt, nhưng trong năm nhu cầu sử dụng vượt số lượng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì số lượng loại thuốc mua vượt kế hoạch (mua thêm) không quá 20% số lượng thuốc đó đã trúng thầu.


Để thiếu thuốc kéo dài, trách nhiệm chính là của lãnh đạo bệnh viện - Ảnh: Thanh Tùng 

Hạn mức của tất cả các mặt hàng thuốc tùy theo hạng bệnh viện (BV) mà được mua vượt kế hoạch trong năm. Chẳng hạn, BV hạng 1 không mua thêm quá 1 tỉ đồng; BV hạng đặc biệt không quá 2 tỉ đồng... Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM nhận xét: “Chỉ cần quản lý ở chỗ là, việc mua thuốc đó có hợp lý không, có thật sự cần sử dụng hay không mà thôi. Nếu mua một lần ngay từ đầu để không bị thiếu thì có khi tồn kho, hết date phải bỏ đi lãng phí; còn nếu mua ít thì bị hạn chế bởi quy định của Thông tư 01”.

Muốn có thuốc phải... “linh động”

Trả lời PV Thanh Niên chiều 28.11, một chuyên gia của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nói: “Quy định như trên trong Thông tư 01 là nhằm kiểm soát việc các BV thiên vị trong lựa chọn thuốc điều trị. Một hoạt chất được chọn trúng thầu 3 thuốc, nếu hết thuốc này sẽ dùng thuốc thay thế chứ không tập trung mua riêng thuốc nào. Các BV xem lại việc đấu thầu mua thuốc, vì có những BV lớn, rất đông bệnh nhân mà vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn phải xem lại để có những điều chỉnh quy định về đấu thầu mua thuốc cho hợp lý...”.

Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, thỉnh thoảng một số BV có thể xảy ra thiếu thuốc đột xuất. Gặp tình huống như vậy, nếu BV linh động vẫn có thể mua thêm thuốc trực tiếp để tạm thời giải quyết trong giai đoạn thiếu, trong lúc chờ cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết mua thêm. Còn việc để tình trạng thiếu thuốc kéo dài gần nửa năm ở BV đa khoa tỉnh Kiên Giang như Thanh Niên đã phản ánh; cũng như kế hoạch mua thêm thuốc của BV này lên đến 28,5 tỉ đồng, theo các chuyên gia là rất bất hợp lý. Bởi, nếu lãnh đạo BV này có sự tính toán kỹ, bám sát lượng bệnh, cơ cấu bệnh tật mà BV tiếp nhận hằng năm, thì không thể có chuyện thiếu thuốc kéo dài, cũng như lượng thuốc phải mua thêm quá lớn như vậy.

Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có quyền lấy lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra mua thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT do BV hết thuốc. Tại TP.HCM, người bệnh photocopy giấy ra viện (hoặc đơn thuốc nếu điều trị ngoại trú), hóa đơn mua loại thuốc bị thiếu, thẻ BHYT và đến cơ quan bảo hiểm xã hội TP để được chi trả lại tiền”.

Thanh Tùng - Liên Châu

>> Bệnh viện thiếu thuốc
>> TP.HCM thiếu thuốc chống độc
>> Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc điều trị
>> Các bệnh viện Quảng Nam thiếu thuốc nghiêm trọng
>> Không để thiếu thuốc trong bệnh viện!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.