Phình và tắc động mạch

18/08/2013 03:00 GMT+7

Phình động mạch sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ động mạch gây chảy máu ồ ạt; trong khi tắc động mạch sẽ gây cản trở sự lưu thông của tuần hoàn máu.

Phình động mạch sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ động mạch gây chảy máu ồ ạt; trong khi tắc động mạch sẽ gây cản trở sự lưu thông của tuần hoàn máu.

Các động mạch có nhiệm vụ dẫn lưu máu từ tim đến nuôi các cơ quan của cơ thể. Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật mạch máu (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), có 2 dạng bệnh lý động mạch chính, đó là phình động mạch và tắc (hay hẹp) động mạch.

 Một ca phẫu thuật phình động mạch - d
Một ca phẫu thuật phình động mạch - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Các bệnh này rất nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trong đó, phình động mạch sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ động mạch làm chảy máu ồ ạt; trong khi tắc (hay hẹp) động mạch sẽ gây cản trở sự lưu thông của tuần hoàn máu, có thể dẫn đến hoại tử các cơ quan do thiếu máu nuôi dưỡng. Những người dễ mắc bệnh là người có nguy cơ xơ vữa mạch máu - người có thể tạng béo phì, ít vận động cơ thể; hút thuốc lá nhiều; người bị cao huyết áp; bệnh tiểu đường dạng 2; tăng mỡ máu...

Nhận biết bệnh

Có một số biểu hiện để nhận dạng 2 bệnh lý nói trên. Với phình động mạch trong ổ bụng sẽ có triệu chứng đau bụng hoặc đau lưng; ở những người gầy có thể sờ được khối phình đập theo nhịp tim; trong nhiều trường hợp phình được phát hiện tình cờ qua siêu âm kiểm tra sức khỏe hoặc khi đi khám một bệnh lý khác.

Như trường hợp nam bệnh nhân V.M.V (49 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) mới đây. Anh V. bị đau vùng bụng phía trên rốn đã mấy tháng, cứ nghĩ đó là bệnh viêm loét dạ dày, nhưng chữa không khỏi. Một hôm khi đang ở nhà, anh tình cờ sờ tay vào bụng, phát hiện có một khối to bằng trái chanh, đập mạnh theo nhịp tim, nên đi siêu âm bụng và được phát hiện túi phình mạch máu. Có rất nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi đã vỡ phình mạch máu.

Còn tắc động mạch nuôi tạng thì có biểu hiện đau bụng sau khi ăn - là triệu chứng điển hình hay gặp nhất (chiếm 90-95% số ca bệnh). Cơn đau xuất hiện ở vùng trên rốn, khởi phát sau ăn uống khoảng 15 phút và kéo dài khoảng 1 - 3 giờ sau. Triệu chứng thường gặp khác là sụt cân (chiếm 79%).

Điều trị

Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, việc điều trị bệnh lý phình hoặc tắc động mạch có thể bằng can thiệp nội mạch, hoặc phẫu thuật. Tùy từng ca bệnh mà dùng phương pháp nào thích hợp hơn. Ví dụ, với hẹp động mạch, nếu can thiệp nội mạch, bác sĩ sẽ nong mạch và đặt stent giúp cho lòng động mạch trở về kích thước bình thường, giúp máu đến các cơ quan nội tạng nhiều hơn. Bác sĩ đưa vào lòng mạch một dây dẫn đến ngay vị trí động mạch bị hẹp, sau đó đưa vào một bóng ngay vị trí hẹp, rồi bơm căng bóng lên để nong động mạch.

Sau đó, tùy từng trường hợp bệnh có thể đặt thêm stent vào chỗ lòng mạch vừa nong. Trong trường hợp này, can thiệp nội mạch ít gây xâm lấn, ít mất máu, ít đau, tuy nhiên, nguy cơ tái phát bệnh cao (tức là có thể bị hẹp lại sau can thiệp cao) nên cần phải theo dõi thường xuyên để xử trí kịp thời.

Còn với phình động mạch, có thể dùng phẫu thuật bắc cầu - kết quả lâu dài thường tốt hơn can thiệp nội mạch.

Thanh Tùng

>> Béo phì và chứng phình động mạch chủ ở bụng
>> Xơ vữa động mạch cảnh
>> Làm sạch động mạch nhờ quả lựu
>> Béo phì và chứng phình động mạch chủ ở bụng
>> Xơ vữa động mạch do lão hóa?
>> Hẹp động mạch
>> Cứu sống ca vỡ động mạch hiếm gặp
>> Cứu sống bệnh nhân đứt lìa động mạch cổ
>> Tắc động mạch chi dưới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.