Dễ tăng và khó tăng

12/11/2012 03:00 GMT+7

Sau một năm khó khăn chồng chất, đường về quê của người dân lao động lại càng xa hơn khi giá cước vận tải đã "âm thầm" tăng mạnh trước thời điểm công bố mở bán vé tết. Nhiều người chua chát bảo nhau, thu nhập giảm, giá vé tăng cũng có cái lợi... Mùa tết này, đi lại chắc đỡ căng thẳng hơn.

Sau một năm khó khăn chồng chất, đường về quê của người dân lao động lại càng xa hơn khi giá cước vận tải đã "âm thầm" tăng mạnh trước thời điểm công bố mở bán vé tết. Nhiều người chua chát bảo nhau, thu nhập giảm, giá vé tăng cũng có cái lợi... Mùa tết này, đi lại chắc đỡ căng thẳng hơn.

Mà có lẽ bớt căng thẳng thật.

Minh chứng là vé tàu xe tết năm nay cũng mở bán sớm nhưng không "sôi sùng sục" như các năm trước. Chưa thấy cảnh chỉ vài ngày sau khi mở bán, đã có thông tin chặng này hết vé, chặng kia hết vé. Cũng chưa thấy các thông tin "sốt" vé ngày vàng, ngày bạc... Cũng phải thôi, trong bối cảnh hàng trăm ngàn doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, lương - thưởng eo hẹp, công việc phập phù, chắc chắn nhiều người sẽ tính đến việc về quê sớm với vé thường để đỡ chi phí đi lại. Những người không thể về sớm, lại tính đường về trễ hẳn để săn vé "lệch đầu", vé "chiều ngược" với giá rẻ. Nghĩa là chấp nhận ăn tết trễ, đi vào ngày mùng 2 - 3 - 4 tết.

Về quê ăn tết cũng là coi như "tất toán" một năm của mỗi người lao động và chặng đường cuối cùng của họ, lại là tăng giá. Nhìn lại cả một năm vừa qua mới thấy tăng chi phí đời thường đã rõ; tăng thu nhập đời thường khó hơn nhiều.

Đầu tiên là tăng giá xăng dầu, dù dư luận và các chuyên gia không đồng tình vì tác động tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đã kiệt quệ nhưng hết lần này đến lần khác, nói tăng là tăng. Ngược lại, việc tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu, quá lỗi thời cho người lao động lại bị nâng lên đặt xuống hết lần này đến lần khác. Việc tăng giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục... đều được thực hiện rốt ráo dù cảnh báo về chất lượng sống của mỗi gia đình đang giảm xuống. Trong khi đó, tăng lương tối thiểu dù đã có trong kế hoạch thì đang gặp khó. Trầy trật tới lui, bàn thảo qua lại cộng với phản ứng của nhiều đại biểu Quốc hội, cuối cùng cũng mới quyết tăng thêm được 100.000 đồng, chỉ gần bằng 1/3 mức tăng như kế hoạch. Lương không tăng nhưng các đề xuất tăng thuế, phí lại nở rộ. Nào là áp phí bảo trì đường bộ, áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho vàng, tăng phí xử phạt hành chính vi phạm giao thông... Kết quả là giá cả tiêu dùng, dịch vụ bị đẩy lên, khó khăn ngày càng đè nặng lên cuộc sống người dân.

Kỳ họp Quốc hội đang đi vào những ngày cuối. Các đại biểu, cử tri cũng đang chuẩn bị cho mình các câu hỏi cho phiên chất vấn. Ngoài những vấn đề vĩ mô, những cơ chế - chính sách... chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi về việc tại sao tăng phí thì dễ, tăng thu nhập cho dân thì khó?

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.