Giải cơn khát dưới lò sâu

15/12/2012 06:55 GMT+7

Ba cây số là quãng đường cả đi lẫn về mà một thợ lò phải đi từ vị trí sản xuất dưới lò sâu lên đến nơi đặt nước uống tại cửa lò. Trước khi sáng kiến của Đoàn Quang Chiến, một thanh niên thợ lò của Công ty than Hạ Long, Quảng Ninh được áp dụng, rất nhiều năm liền, nhiều thợ mỏ đã phải giải cơn khát bằng... nước lò.

Anh Vũ Ngọc Đãng, 35 tuổi, công nhân phân xưởng khai thác 5, Xí nghiệp than Cẩm Thành thuộc Công ty than Hạ Long, ngao ngán nhớ lại trước đây: “Quãng đường lấy nước uống xa như thế, khi giao ca, chúng tôi chỉ mang được một can nhựa 5 lít nước xuống dưới lò. Trong khi đó, với mỗi một ca sản xuất kéo dài 6 tiếng, một tổ sản xuất gồm 10 người thì nhu cầu về nước uống lên đến... 30 lít nên chẳng mấy chốc mà can đựng nước hết veo. Khi hết nước, nghĩ đến việc phải đi quãng đường hơn 3 km trong điều kiện đường lò để trồi lên lấy nước rồi quay xuống sản xuất tiếp, ai cũng oải. Có người đành nhịn khát, có người khát quá đành phải uống  nước... lò”.

Theo anh Bùi Đức Thưởng, 24 tuổi, thợ lò phân xưởng khai thác 5, Công ty than Hạ Long, trong đường lò có những lỗ khoan thăm dò và có nước ngầm chảy ra từ các lỗ khoan đó. Bằng mắt thường quan sát thấy nước màu trắng, khá trong nhưng khi uống vào lại có vị tanh. “Nhiều anh em không chịu khát được đành tặc lưỡi ghé miệng uống... bừa. Chỉ đỡ được cơn khát nhưng sau đó có nhiều người có cảm giác ngâm ngẩm đau bụng. Không ít người sau đó bị tiêu chảy. Nhưng còn hơn là chết... khát”, anh Thưởng chia sẻ.


Anh Đoàn Quang Chiến (bìa trái) và đồng nghiệp với hệ thống đường ống dẫn nước uống xuống hầm lò của XN than Cẩm Thành, Cty Than Hạ Long, Quảng Ninh

Dẫn nước uống xuống lò

Cảnh “uống nước lò thay nước lọc” của anh em thợ lò Xí nghiệp than Cẩm Thành đã chính thức được chấm dứt khi công trình “Lắp đặt hệ thống nước uống cho thợ lò” được triển khai từ tháng 5.2012. Theo đó, một hệ thống đường ống dẫn nước lọc đã được lắp đặt, bắt đầu từ téc nước ở cửa lò tại vị trí +125 dẫn xuống tận vị trí sản xuất của thợ lò ở chân ngầm băng tải mức +125/+28. Tại đây có lắp đặt các van vặn đóng mở nước để các thợ lò thao tác lấy nước ra cốc uống, hoặc hứng nước bằng các can nhựa có sẵn để đưa đến vị trí nhóm thợ đang thi công trong lò. Như vậy, chỉ cần đi một quãng đường 5 - 20 m, thợ lò dưới tầng sâu đã có nước lọc tinh khiết để uống.

Đáng nói là chủ nhân của công trình này là cũng là một... thợ lò trẻ, anh Đoàn Quang Chiến, 28 tuổi, công nhân Xí nghiệp than Hạ Long. Theo anh  Chiến, nước lò tuy giải quyết cơn khát tức thời, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ các bệnh về đường ruột, tiêu hóa và cả ung thư vì đây là loại nước có tính axit cao, có nhiều tạp chất chưa qua xử lý.

Xuất phát từ thực tế đó, khi công ty phát động phong trào sáng tạo trẻ, anh Chiến đã dành 4 tháng trời để nghiên cứu và xây dựng công trình này.

“Ban đầu, nhiều người có ý kiến là chỉ sử dụng đường ống nhựa PVC dẫn nước sinh hoạt thông thường để tiết kiệm chi phí, tôi kiên quyết xin lãnh đạo cho sử dụng đường ống phức hợp nhôm nhựa HDPE để đảm bảo tuyệt đối không có yếu tố độc hại, chịu được áp lực cao và độ bền cao tránh được việc phải liên tục sửa chữa, thay mới, ảnh hưởng đến cả hệ thống. May mắn là đề xuất này đã được lãnh đạo công ty chấp thuận”, anh Chiến vui mừng chia sẻ.

Đường ống dinh dưỡng

Chị Phạm Mai Trang, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty than Hạ Long cho biết: “Công ty và Đoàn thanh niên đánh giá rất cao công trình này của anh Chiến và đã trao giải đặc biệt. Công trình đã được triển khai lắp đặt đến toàn bộ hệ thống đường lò 4 xí nghiệp của công ty với kinh phí là 540 triệu đồng, nhưng giá trị của công trình đối với việc đảm bảo sức khỏe và sản xuất của công nhân thì rất to lớn”.

Được biết, không chỉ cung cấp nước lọc, hệ thống đường ống này sẽ có thể cung cấp các loại nước uống dinh dưỡng khác nữa như: sữa, nước giải khát, cháo...

“Nếu không may có sự cố xảy ra và công nhân bị kẹt lại dưới lò, hệ thống đường ống trên sẽ đóng vai trò vận chuyển khí thở và cháo dinh dưỡng xuống cho thợ lò cầm cự chờ đến khi được giải cứu. Công trình này đã được Đoàn thanh niên Công ty than Hạ Long đề nghị Tỉnh đoàn Quảng Ninh khen thưởng trong Festival Sáng tạo trẻ 2012 sắp tới”, chị Trang nói.

Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.