Đi chợ chiếu đêm ở Thái Bình

24/09/2013 10:06 GMT+7

Ở Thái Bình có một phiên chợ độc đáo, chỉ họp vào ban đêm và buôn bán một loại mặt hàng duy nhất là chiếu cói, người ta gọi đó là chợ chiếu đêm, hay 'chợ ma', 'chợ âm phủ'.

Ở Thái Bình có một phiên chợ độc đáo, chỉ họp vào ban đêm và buôn bán một loại mặt hàng duy nhất là chiếu cói, người ta gọi đó là chợ chiếu đêm, hay “chợ ma”, “chợ âm phủ”.

Đi chợ chiếu đêm ở Thái Bình
Người bán, người mua đứng san sát ở chợ chiếu - Ảnh: V.V.T

Chợ chiếu đêm Quỳnh Phụ họp gần cầu Đồng Bằng, xã An Lễ vào những ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hằng tháng. Mỗi phiên chợ, từ 12 giờ đêm, người dân ở những xã trong huyện như An Dục, An Vũ, An Tràng, An Hiệp… chở chiếu từ nhà đi bán, lái buôn từ Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên… cũng đổ về mua chiếu. Cả chợ sáng trưng bởi ánh đèn, ồn ào tiếng mặc cả, tiếng rao chiếu huyên náo.

Gặp chúng tôi ở chợ chiếu, chị Trần Thị Lý, ở thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ, cho biết chị phải hẹn đồng hồ dậy từ 12 giờ, đạp xe đến 1 giờ thì đến chợ, chứ đi muộn hơn thì ế. Hôm ấy vì trời mưa nên chiếu ẩm, không đẹp, nên chị Lý chậm bán hàng.

Chị Lý cho biết ở đây chỉ bán chiếu cói dệt bằng tay. Chiếu dệt bằng máy sẽ có người đến nhà mua, chứ không mang ra chợ bán như thế này. Chiếu ở chợ đêm có đủ loại, từ cỡ 1 mét đến 1,6 mét. Tùy theo tay nghề, ai dệt càng khéo, chiếu đan dày, sợi cói trắng, ghim sâu thì giá càng cao. Mỗi đôi chiếu cói có giá từ 200.000-400.000 đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tám, ở thôn Hồng Phong, xã An Tràng đã bán chiếu ở chợ đêm 10 năm nhưng hôm nay cũng chưa hết hàng. Mang đi 12 đôi, mới bán được 7 đôi. “Không có nghề gì nên phải làm nghề này, chứ vất vả lắm. Một tháng có 6 phiên chợ, thì 6 đêm thức trắng”, chị Tám kể.

Lái buôn đến chợ mua chiếu ai cũng mang theo một chiếc đèn soi. Ông Bùi Văn Thuận, một lái buôn ở H.Thái Thụy, Thái Bình giảng giải: “Muốn biết chiếu xấu hay đẹp, cứ soi đèn vào là thấy. Chiếu đẹp thì soi đèn vào, sợi cói sẽ trắng, không bị đỏ, đường đan dầy dặn, thẳng hàng”. Cứ mỗi phiên chợ thế này, ông Thuận mua hàng trăm đôi chiếu, rồi về nhuộm màu, trang trí hoa văn để xuất đi các nơi.

Chợ chiếu họp rất nhanh, 4 giờ sáng là vãn. Người chưa bán hết cũng về nhà, để chuẩn bị cho một ngày đan chiếu mới. Người mua cũng đánh xe về, phiên sau lại đến.

Những người già ở đây cho biết khi họ lớn lên đã thấy chợ này được gọi là chợ ma, chợ âm phủ rồi. Ông Đinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã An Lễ cho biết: “Chợ chiếu đêm có từ hàng trăm năm nay, nhưng hoạt động mạnh là từ khoảng 30 năm nay. Chúng tôi cũng chả biết vì sao lại họp ban đêm, dù có người nói trước kia do không có đất để họp chợ ban ngày, rồi theo nếp ấy đến bây giờ”.

Ông Thuẫn cũng cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, nghề dệt chiếu bằng máy ra đời, nên chợ chiếu đêm thưa hơn. Nhưng ở xã An Lễ vẫn có khoảng 40% lao động dệt chiếu thủ công. Xã An Lễ cũng đã được công nhận là làng nghề xe đay, dệt chiếu truyền thống. Do chuyển sang cấy lúa, trồng cây hoa màu, nên hiện nay, diện tích trồng cói ở địa phương không còn nhiều, mà phần lớn phải nhập ở Thanh Hóa về. Tuy giá có cao hơn nhưng chất lượng của chiếu dệt bằng tay đẹp hơn rất nhiều chiếu máy và vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế, chợ chiếu đêm vẫn tồn tại.

Vì họp vào lúc nửa đêm, gây ồn ào, mất trật tự trong khu vực quanh chợ, nên UBND xã An Lễ đã nhiều lần yêu cầu bà con chuyển sang họp chợ ban ngày nhưng không được. Có lần, xã đã ra quyết định đóng cửa chợ chiếu đêm và cho lực lượng giải tán chợ thì bà con chuyển ra đứng thành hàng dài dọc đường để mua bán chiếu.

Vũ Viết Tuân

>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 3: Chợ “âm phủ”
>> Chấn chỉnh hoạt động chợ đêm Đà Lạt
>> Côn Đảo sắp có chợ đêm
>> Chợ đêm của sinh viên
>> Tìm mô hình chợ đêm đảm bảo quyền lợi tiểu thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.