Trung Quốc vượt Anh xuất khẩu vũ khí

28/03/2013 14:15 GMT+7

(TNTS) Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây cho biết lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Trung Quốc lọt vào top 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất.

Hằng năm SIPRI thường thống kê số liệu về chi phí xuất, nhập khẩu vũ khí, khí tài của nhiều quốc gia. Thống kê của SIPRI dựa vào các thông tin chính thức của các quốc gia trên thị trường vũ khí thế giới. Cơ sở dữ liệu này được SIPRI kết hợp với số liệu bán vũ khí, khí tài từ năm 1950, dù hằng năm viện này vẫn đưa ra bảng xếp hạng trong lĩnh vực này. Các thống kê về xu hướng mua bán vũ khí của thế giới của SIPRI thường tính theo một giai đoạn bao gồm 5 năm. Cơ sở tính giá là đồng USD năm 1990.

 Chiếc máy bay chiến đấu - huấn luyện K-8 của Trung Quốc
Chiếc máy bay chiến đấu - huấn luyện K-8 của Trung Quốc - Ảnh: 4.bp.blogspot.com

Sự đổi ngôi và thay đổi vị trí của Trung Quốc diễn ra trong vòng một vài năm gần đây. Trong năm 2012, từ một nước nhập khẩu vũ khí lớn, Trung Quốc đã chuyển qua vai trò là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Trong giai đoạn 2003 - 2007, Trung Quốc mua vũ khí khí tài hết 14,09 tỉ USD (năm 1990)  là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, thì giai đoạn 2008 - 2012, nước này tụt xuống vị trí thứ hai khi chỉ nhập khẩu 7,5 tỉ USD (năm 1990 (tương ứng với 24,75 tỉ và 13,2 tỉ USD của năm 2012).

Việc giảm nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc nhờ có bước nhảy của nền công nghiệp quốc phòng của nước này trong vài năm gần đây. Hiện chiến lược cơ bản của Trung Quốc trong chế tạo vũ khí khí tài thực tế là sao chép các mẫu mã của nước ngoài, trong đó chủ yếu là của Nga.

Trong nhiều năm hiện thực hóa chiến lược nêu trên, các nhà máy quốc phòng của Trung Quốc đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định, cho phép họ sản xuất một số vũ khí có chất lượng với giá thành rẻ. Nhờ thế mà số vũ khí này được các nước đang phát triển quan tâm. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn chưa nắm được hàng loạt công nghệ quan trọng mà trước hết là sản xuất động cơ máy bay có công suất cao và có độ tin cậy cao.

Trong khoảng thời gian 2003 - 2007, Trung Quốc bán sản phẩm quốc phòng của mình cho nước ngoài đạt doanh số 2,5 tỉ USD (4,4 tỉ USD năm 2012). Để so sánh, trong giai đoạn này Mỹ xuất khẩu vũ khí đạt 34,9 tỉ USD, Nga 27,6 tỉ USD, Đức 10,8 tỉ USD. Lúc này Trung Quốc đứng thứ 8 về xuất khẩu vũ khí, sau cả Ý và Hà Lan.

Khoảng thời gian 5 năm kế tiếp, đất nước đông dân nhất thế giới đã cải thiện vị trí của mình đáng kể: lọt vào top 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Trong giai đoạn 2008 - 2012, Trung Quốc xuất khẩu vũ khí đạt 6,5 tỉ USD (11,4 tỉ USD năm 2012). Trong khi đó 3 nước đứng đầu có doanh số như sau: Mỹ (40,5 tỉ USD), Nga (35,2 tỉ USD) và Đức là 9,9 tỉ USD. 

Điều khá thú vị là Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 5 trong xuất khẩu vũ khí của Anh - vị trí mà Anh đã giữ trong suốt 60 năm. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Anh chỉ xuất khẩu vũ khí được 4,9 tỉ USD.

Vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2012 xuất khẩu tới 37 quốc gia như Algeria, Argentina, Bolivia, Campuchia, Chat, Gana, Iran, Rwanda, Zambia... Nhu cầu lớn nhất là máy bay, xe tăng và tàu chiến do Trung Quốc sản xuất. Nhờ bán 3 loại vũ khí này mà Trung Quốc thu về 5,2 tỉ USD (9,2 tỉ USD năm 2012). Khách hàng thường mua chiếc tiêm kích F-7MG (sao chép mẫu Mig-21 của Nga), JF-17 Thunde, máy bay chiến đấu - huấn luyện K-8 Karakorum, trực thăng Z-9 (nhượng quyền sản xuất loại AS365/AS565 của châu u), máy bay vận tải quân sự Y-12, tăng Type-59 (sao chép T-54A của Nga) và Type 90 cũng như xe thiết giáp WZ-501, ZFB-05 và WZ-551.

Theo số liệu của SIPRI, trong 5 năm qua, Pakistan là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Nước này mua tổng cộng 3,5 tỉ USD vũ khí, chiếm 55% tổng doanh số xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc.

Pakistan hầu như mua tất cả các loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất: Từ bom máy bay, radar, đến máy bay chiến đấu, tàu chiến. Không lực Pakistan có 61 chiếc tiêm kích JF-17, 27 máy bay huấn luyện K-8, 3 tàu chiến thuộc dự án F-22P và 298 tăng MBT-2000. Số vũ khí này Trung Quốc bán cho Pakistan từ năm 2001 đến năm 2012.

Hiện giữa Trung Quốc và Pakistan đang có vài thỏa thuận hợp tác quốc tế trong quốc phòng. Chẳng hạn, hai bên cùng thiết kế và sản xuất chiếc tiêm kích JF-17, tăng MBT-2000 (tại Pakistan gọi là Al Khalid), tên lửa phòng không QW-1 (sao chép mẫu Igla của Liên Xô) kết hợp với công nghệ của tên lửa FIM-92 Stinger của Mỹ, tàu chiến F-22P và tàu ngầm thuộc dự án Type 041.

Nhờ kim ngạch xuất khẩu vũ khí tăng, mà Trung Quốc chiếm 5% thị phần trên thị trường thế giới, cho dù giai đoạn 2003 - 2005 nước này chỉ chiếm 2%. Đáng chú ý là Trung Quốc đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu vũ khí với Nga tại châu Phi, Mỹ La tinh, Trung Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, tại cuộc đấu thầu ở Morocco năm 2011, chiếc tăng VT1A của Trung Quốc đã thắng chiếc T-90S của Nga. Morocco đã mua 150 chiếc VT1A (cải tiến mẫu T-72 của Nga).

 Tăng Type-59, sao chép T-54A của Nga
Tăng Type-59, sao chép T-54A của Nga  - Ảnh: armor.kiev.ua

Trung Quốc bán được nhiều vũ khí không chỉ nhờ giá rẻ, mà chính phủ Trung Quốc còn hợp tác với những nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thị trường quốc tế, kể cả bao gồm các dịch vụ liên quan. Chẳng hạn, trong vòng vài năm gần đây, Trung Quốc tích cực phát triển thị trường ở châu Phi và Mỹ La tinh bằng mạng lưới các trung tâm hậu mãi và cải tiến vũ khí.

Ngoài ra khi ký hợp đồng bán vũ khí, Trung Quốc còn ký kèm thỏa thuận đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật, tăng thủ cho nước ngoài. Và bên mua có thể trả tiền theo từng giai đoạn, hay cho đối tác vay tiền để mua vũ khí...

Dù vậy, có thể thấy Trung Quốc chưa  thể đẩy nhanh quá trình chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu vũ khí của thế giới, bởi hiện nước này vẫn phải củng cố, hiện đại hóa nền quốc phòng của mình. Năm 2013 chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 114 tỉ USD. Số tiền này để thiết kế và mua chiến đấu cơ, máy bay vận tải quân sự, trực thăng, tàu chiến, tăng, hệ thống tên lửa phòng không cho quân đội Trung Quốc. Như vậy phần lớn nền quốc phòng Trung Quốc chỉ đáp ứng với nhu cầu của lực lượng vũ trang trong nước.

Dù vậy, có thể thấy rằng, trong những năm tới Trung Quốc sẽ chú trọng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Và như thế nước này không chỉ đứng thứ 5 mà còn có thể hướng tới vị trí cao hơn trong top 5.

Ông Vương Hoàng

>> Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới
>> Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu vũ khí
>> Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 60 tỉ USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.