Dân chủ

15/11/2012 04:27 GMT+7

Trả lời chất vấn tại QH sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quyết tâm cao trong việc tìm kiếm các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa hiện đại hóa để đổi mới toàn diện đất nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về những giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ một cách có hiệu quả, Thủ tướng nói rằng phải “hết sức coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân”. Theo Thủ tướng, “đảm bảo dân chủ thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước”. Bởi vì, không có bình đẳng, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế thì không có kinh tế thị trường, không huy động được mọi nguồn lực của dân tộc. Không có dân chủ thì không tạo được đồng thuận xã hội. Không có dân chủ thì không xây dựng được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Không có dân chủ không lựa chọn được cán bộ tốt. Không dân chủ cũng khó hoạch định được đường lối, chủ trương, chính sách một cách phù hợp, sát cuộc sống.

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ như vậy là rất rõ ràng, dứt khoát: Dân chủ là giải pháp cơ bản, quyết định và cũng là động lực bao trùm để VN thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới toàn diện đất nước.

Từ ngàn xưa các triều đại phong kiến đã phải dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, đắc quốc ứng tri tại đắc dân” (Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước là bởi được lòng dân) - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói với vua Trần: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc, ấy là thượng sách giữ nước vậy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ thì chủ thể đất nước phải là dân, thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Nền dân chủ ở nước ta được vận hành theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Trong đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng việc bầu ra các cơ quan dân cử và ủy quyền cho các đại biểu của mình thực thi quyền lực nhà nước. Do vậy để thực hiện tiến trình dân chủ, việc quan trọng nhất là bầu được những người tài giỏi và xứng đáng vào các cơ quan dân cử và làm cho các cơ quan này thực quyền.

Cuộc đối thoại giữa đại biểu Dương Trung Quốc và Thủ tướng sáng qua tại QH về văn hóa từ chức, hay việc sửa đổi hiến pháp, thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này đang đặt những nền tảng cho tiến trình dân chủ và sớm xây dựng cơ chế để nhân dân thực hiện giám sát và phản biện xã hội - một phần thiết yếu của đời sống dân chủ.

An Nguyên

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì
>> Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi không đưa phong bì 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.