Dân bức xúc vì xã cho thuê đầm

08/12/2012 10:18 GMT+7

Xung quanh chuyện UBND xã Tam Anh Bắc, H.Núi Thành (Quảng Nam) cho hai hộ dân thuê đầm Vũng Lắm làm ăn, cả người được thuê lẫn người dân có sinh kế phụ thuộc vào đầm này đều tỏ ra bức xúc.

Xã “phá” hợp đồng

Trong hợp đồng số 10/HĐ-UBND ngày 5.10.2012 với hộ Nguyễn Trình và  ông Trần Ngọc Chung (trú tại thôn Đông Hải), UBND xã Tam Anh Bắc đã giao cho hai hộ dân này chịu trách nhiệm quản lý cống 3 cửa (tại đầm Vũng Lắm) và các đoạn đê ngăn mặn trong khu vực cống; chịu trách nhiệm bỏ nguồn vốn làm lại, tu bổ các đoạn đê bị hư hỏng, được khai thác tôm cá tự nhiên trong khu vực cống 3 cửa và có thể nuôi tôm, cá. Theo đó, hai hộ dân này được thuê đầm trong vòng 5 năm với số tiền là 37,5 triệu đồng.

 Đầm Vũng Lắm
Ông Trình bức xúc, nếu ông không được bồi thường, ông sẽ khởi kiện - Ảnh: Hoàng Sơn

 

Theo luật sư Trương Ngọc Trung, Đoàn luật sư Quảng Nam về vụ việc này, thì UBND xã đã đồng ý cho thuê với thời hạn là 5 năm, trong lúc hợp đồng còn thời hạn thì UBND xã không được chấm dứt hợp đồng với người thuê. Hơn nữa, trước khi chấm dứt hợp đồng, xã phải thông báo cho người thuê để cho họ tính đến phương án thu gom tài sản, vật nuôi của mình. Nếu đúng như xã làm sai thì người thuê có thể khởi kiện ra tòa dân sự.

Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, nộp trước 18,7 triệu đồng, hộ ông Trình và ông Chung đã bỏ hơn 400 triệu đồng để mua sắm ngư cụ, đóng mới 4 chiếc ghe, đắp đập ngăn nước để thả nuôi gần 5.000 con cua. Tuy nhiên, sau khi hai hộ dân bắt đầu nuôi cua, cả UBND xã Tam Anh Bắc lẫn hai hộ dân này đều gặp phải sự phản đối quyết liệt của hầu hết người dân thôn Đông Hải, bởi từ lâu nay, đầm Vũng Lắm là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Ông Nguyễn Tấn Bá (trú thôn Đông Hải) cho biết: “Vũng Lắm là đầm nước tự nhiên, là nơi để người dân chúng tôi mò cua, bắt ốc để có cái ăn, cái mặc từ xưa đến nay. Bỗng dưng, xã đem đầm cho thuê, người dân chúng tôi không còn được tự do vào đầm kiếm sống nữa…”.

Trước áp lực này, ngày 27.11, bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc đã ra thông báo yêu cầu ông Nguyễn Trình tạm dừng hợp đồng thuê đầm, buộc ông Trình phải treo cống 3 cửa, xả bớt lượng nước xuống trong khi chưa kịp thu hoạch số cua, cá trị giá hàng chục triệu đồng. Không những vậy, sau thông báo này, người dân sống xung quanh đầm cứ thế ùa vào khu vực đầm dùng lưới đánh bắt tôm, cua do ông Trình thả trước đó.

Xã phải chịu trách nhiệm

“Chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng, làm ăn có hợp đồng các bên hẳn hoi, thế mà xã lại tự hủy hợp đồng khiến chúng tôi không kịp trở tay. Trước khi treo cống, tôi đã kiến nghị phía xã cử cán bộ kiểm kê tài sản, đánh giá số lượng cua đã thả nhưng vẫn không thấy xã cử người về. Bất cứ giá nào, tôi cũng phải đóng cống lại chứ không thể để mất trắng tài sản vậy được!”, ông Trình uất ức. Theo ông Trình, nếu UBND xã Tam Anh Bắc không giải quyết theo các điều khoản đã nêu trong hợp đồng, ông sẽ có đơn lên các cấp.

Mới đây, tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND H.Núi Thành với UBND xã Tam Anh Bắc, phía huyện này đã yêu cầu bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã hủy bỏ hợp đồng với các lý do như: thiếu công khai, dân chủ; chưa được sự đồng thuận của người dân có quyền lợi… Huyện cũng buộc xã giải quyết hậu quả về việc ký kết hợp đồng với hai hộ dân.

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND H.Núi Thành, sự việc này huyện đã giao cho xã phải chấm dứt hợp đồng với hai hộ dân. Sau khi xã chấm dứt hợp đồng xong sẽ bàn bạc, tính toán thiệt hại bao nhiêu rồi tự lo kinh phí bồi thường thiệt hại cho họ, vì việc cho thuê đầm, xã không hề hỏi ý kiến của huyện. Xã tự làm, tự chịu.

Hoàng Sơn

>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 5: Nuôi cá xứ lạnh
>> Sáu doanh nghiệp VN đạt chứng nhận nuôi cá tra theo tiêu chuẩn bền vững

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.