Phóng viên đài huyện: Bông hoa giữa đại ngàn

20/06/2014 09:02 GMT+7

Sở hữu gương mặt khả ái, giọng đọc thánh thót, lưu loát, gần 20 năm trước chị được chọn là phát thanh viên của Đài truyền thanh-truyền hình huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Phóng viên đài huyện: Bông hoa giữa đại ngàn
Chị Lê Thị Thêm (giữa) trong một lần tác nghiệp ở vùng cao A Lưới - Ảnh: Đ.T

Cũng từ đây, chị bắt đầu bén duyên và đam mê với nghề làm báo. Chị là Lê Thị Thêm, công tác tại Đài truyền thanh-truyền hình H.A Lưới (viết tắt Đài TT-TH A Lưới). Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1995, Lê Thị Thêm thi tuyển vào đài. Với những ưu thế vượt trội, chị vượt qua các ứng viên cùng dự tuyển để trở thành phát thanh viên của đài. Khác với nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách nay gần 20 năm, đã hình thành Đài TT-TH A Lưới. Vừa phát thanh vừa truyền hình, đội ngũ cán bộ, kĩ thuật viên lại ít nên hầu như mọi người đều kiêm một lúc nhiều vai trò. Họ vừa là phát thanh viên, biên tập viên, kĩ thuật viên, quay phim vừa là phóng viên rong ruổi trên từng cây số để có những bản tin “nóng”, thời sự để phát sóng.

Chị Thêm cũng vậy, không lâu sau khi vào đài chị vừa làm phát thanh viên vừa thực hiện vai trò một phóng viên bám sát từng sự kiện trên địa bàn cũng như phản ánh các hoạt động hằng ngày của lãnh đạo huyện. Gần 20 năm công tác, hàng trăm bản làng của 21 xã và thị trấn toàn huyện đều in dấu chân của chị Thêm. “Ban đầu chưa quen nhưng sau quen việc thì dần yêu nghề lúc nào không hay. Tuy không được xem là cơ quan báo chí nhưng các hoạt động của đài không khác gì là cơ quan báo chí nên ai trong đài cũng luôn chịu khó học hỏi, trau dồi nghiệp vụ báo chí”, chị Thêm nói.

Năm 1998, chị Thêm thi và đỗ vào học ngành Ngữ văn-Báo chí thuộc khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Huế. Tốt nghiệp đại học và chị trở lại công việc cũ. Được đào tạo về báo chí, có gương mặt rất “ăn hình” và nhất là người Pa Kô nên chị Thêm trở thành nữ phát thanh viên chính của đài huyện. Với chương trình phát sóng truyền thanh lẫn truyền hình dày đặc 7 ngày trong tuần chị Thêm cũng như các anh em khác trong đài đều “quay như chong chóng”. “Buổi sáng đi cơ sở lấy tin, trưa về nhà vừa nấu cơm vừa viết tin cho kịp ghi hình và phát sóng. Làm truyền hình xong lập tức quay sang đọc và thu thanh chương trình truyền thanh. Ngày nào cũng thế, không kể thứ 7 hay chủ nhật”, chị Thêm kể. Cho đến nay chị Thêm là một trong ít nữ phóng viên gắn bó với nghề báo lâu năm nhất của hệ thống đài cấp huyện. Từ một phát thanh viên, phóng viên hiện chị đã được bố trí làm Phó trưởng Đài TT-TH A Lưới - nơi có trên 45 vạn dân, trong đó khoảng 85% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhắc đến chuyện nghề, người phụ nữ Pa Kô tuổi 42 này kể trong nhiều chuyến đi vượt suối băng rừng thì chị nhớ nhất là lần đi viết bài và quay phim về một gương điển hình làm ăn kinh tế giỏi. Nhân vật của chị là người trồng rừng giỏi do vậy chị phải leo núi để tiếp cận được mô hình. “Lúc đó mình mang bầu cháu thứ 2 và sắp sinh. Nhưng vì đam mê nên mình quên cả mệt. Leo lên đến dốc núi quay được hình ảnh nhìn xuống lại đoạn đường vừa leo lên thấy mà ớn”, chị Thêm tâm tình.

Được anh chị em cán bộ trong đài ví như một bông hoa rừng giữa đại ngàn làm việc không biết mệt mỏi, dù hiện đã rất bận rộn với một gia đình hạnh phúc có 2 người con, 1 gái, 1 trai, trong đó con gái đầu chuẩn bị học đại học năm thứ 2. “Điều đáng quý của chị Thêm là sự mềm mỏng, làm việc kiên trì và nhẫn nại. Dẫu chị là sếp nhưng thi thoảng chị cũng “ra trận” làm tin bài như tụi mình. Thiệt đáng nể”, chị Phạm Thị Tuyết, phát thanh viên kiêm phóng viên của đài chia sẻ. Nhiều đồng nghiệp chị Thêm trong đài cho hay trong gần 20 năm làm báo, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, có nhiều bài báo của chị đã mang lại thông tin bổ ích cho bà con đồng bào. Đó là những mô hình kinh tế, những gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi giúp cho người dân chia sẻ những kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong phương thức làm ăn. Đặc biệt, trong quá trình đi “tác nghiệp”, chị Thêm phát hiện có một số hộ dân rời bỏ làng của mình để lên một rẻo cao ở làng Pra y thuộc xã Hồng Thủy (A Lưới) khai hoang làm rẫy và sinh sống như một khu vực cách ly với cộng đồng. Lo ngại một phương thức du canh du cư mới, chị Thêm viết bài phản ánh, cơ quan chức trách vào cuộc và kết quả là huyện đã quy hoạch, tổ chức bố trí lại khu dân cư và người dân có một ngôi làng khang trang, có trường học và đường sá đi lại thuận lợi hơn. “Thấy dân làng đổi thay, mình không ăn cũng thấy no”, chị Thêm tâm sự.

>> Phóng viên đài huyện: Lội suối, băng rừng, đối mặt hiểm nguy
>> Phóng viên đài huyện: Những người làm báo 'qua loa

Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.