Cần phạt nặng hơn là nổ súng

20/03/2013 03:00 GMT+7

Đến nay, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ vẫn thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận. Trong đó, những tranh cãi hầu như tập trung vào đề xuất “nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm”.

Trước hết, cần khẳng định việc tăng cường ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ là cần thiết. Thế nhưng, cách thức thực hiện thế nào là vấn đề đáng bàn. Đặc biệt phương án nổ súng, có thể tước đi mạng sống một con người, lại càng đáng bàn hơn.

Tại Mỹ, đất nước nổi tiếng với việc cảnh sát có thể bắn người chống đối nhân viên công vụ nhưng luật pháp cũng quy định rất chặt trường hợp được phép nổ súng cùng nhiều biện pháp giám sát để tránh tình trạng lạm quyền. Chẳng hạn: xe cảnh sát phải đỗ sau xe đối tượng để máy quay phim trên xe công vụ dễ dàng ghi lại diễn biến, cần có nhân chứng… Mặt khác, nổ súng không phải là biện pháp ưu tiên, luật pháp Mỹ đặt trọng tâm vào hình phạt nặng các hành vi chống lại nhân viên công vụ. Ví dụ, theo luật của bang Kansas, ai chống đối người thi hành công vụ có thể bị tuyên án đến 8 năm 4 tháng tù giam và bị phạt tiền đến 300.000 USD (khoảng 6,3 tỉ đồng). Thậm chí, tại bang Florida, dù là chống đối “phi bạo lực” cũng có thể bị án tù 1 năm và bị phạt tiền 1.000 USD. Mức xử phạt nặng như thế được tuyên truyền rộng rãi để dân chúng phải “tự bình tĩnh” và chấp hành nghiêm túc yêu cầu của người thi hành công vụ. Nếu nhân viên công lực sai, người dân sau đó có thể gửi đơn khiếu nại, thậm chí đệ đơn kiện lên tòa án để được luật pháp bảo hộ. Vào năm 2011, cảnh sát TP.San Jose thuộc bang California đã phải bồi thường 90.000 USD cho vụ hành hung một sinh viên Việt Nam trong lúc làm nhiệm vụ hồi năm 2009. Trong nhiều trường hợp nhân viên công lực sai còn có thể bị xét xử nặng hơn. Tất cả đều nhằm thượng tôn pháp luật, đảm bảo trị an xã hội, dân chúng hay nhân viên công lực đều như nhau.

Trong khi đó, nhìn lại dự thảo nghị định trên của Bộ Công an, vẫn chưa thấy đặt trọng tâm vào việc đề xuất tăng nặng xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ. Lẽ ra, ban soạn thảo nên kết hợp các cơ quan liên quan đề xuất tăng mức hình phạt kèm theo những điều khoản chi tiết hơn. Hiện nay, điều 257 - bộ luật Hình sự có quy định ai chống đối người thi hành công vụ có thể bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm, nhưng không quy định phạt tiền. Vì thế, nên chăng cần tăng nặng cả hình phạt tù và bổ sung hình phạt tiền vào điều luật này. Đây mới là biện pháp răn đe cần thiết để tăng ý thức của người dân trong việc tuân thủ luật pháp. Pháp luật không thể chú trọng trấn áp bằng bạo lực.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.