Vụ bác sĩ vứt xác nạn nhân xuống sông: Không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành

23/10/2013 14:53 GMT+7

(TNO) Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với báo giới sáng nay (23.10) về vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân, nói: Không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành.

(TNO) Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói: "Tôi cũng chấn động, bàng hoàng trước thông tin vụ việc".

>> Ngành y phẫn nộ chuyện bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông
>> Lời khai của kẻ giúp bác sĩ thẩm mỹ vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng
>> Bộ Y tế lên án hành vi bác sĩ vứt xác bệnh nhân phi tang
>> Tạm đình chỉ công tác bác sĩ vứt xác nạn nhân xuống sông  

 
Ông Tường (áo trắng) bị cơ quan công an dẫn giải khỏi Thẩm mỹ viện Cát Tường - Ảnh: Đan Hạ

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay về vụ một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phi tang xác nạn nhân sau khi gây tử vong trong quá trình phẫu thuật tại cơ sở riêng, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành.

* Thưa bà, qua vụ việc này cần nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm cơ quan chủ quản - ở đây là Bệnh viện Bạch Mai - trong việc quản lý bác sĩ của mình hành nghề bên ngoài?

- Theo luật Khám chữa bệnh (KCB), cái gì Nhà nước cho phép, không cấm thì bác sĩ có quyền làm. Bác sĩ trong bệnh viện công lập nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sẽ được xét cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ này do Bộ Y tế cấp, vì Bệnh viện Bạch Mai thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện chỉ có thể quản lý được về mặt chuyên môn và thứ hai, quản lý việc làm ngoài này có ảnh hưởng gì đến công việc bên trong bệnh viện hay không.

Bất cứ bác sĩ nào khi ra ngoài làm thêm phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Trong hồ sơ xin cấp phép đều có yêu cầu này, vấn đề là bác sĩ có được cấp hay không, nếu chưa thì bác sĩ này đã hành nghề “lậu”. Vấn đề nữa là giáo dục về y đức.

* Với cơ sở y tế địa phương thì việc để xảy ra vụ việc như thế này cần phải xem xét trách nhiệm ra sao, thưa bà?

- Nếu đứng về mặt quản lý của Sở Y tế Hà Nội thì tôi không có ý kiến, phải xem xét lại ở phạm vi rộng hơn. Tôi cũng nhìn lại liệu TP.HCM có chuyện như vậy hay không. TP.HCM với một số lượng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất lớn, lực lượng lại tập trung vào cấp phép nên đội ngũ thanh tra rất mỏng. Cho nên, bản thân người hành nghề phải tăng cường trau dồi y đức, xã hội phải tăng cường giám sát và đặc biệt là quản lý ngành phải siết chặt hơn nữa.

Thực ra, khâu cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ siết rất chặt nên mọi người nhiều khi than thở là việc cấp phép lâu quá, nhưng vì còn phải lật lại hồ sơ xem bác sĩ đã qua bao nhiêu ca, bằng cấp nơi nào cấp… Khi thẩm định để ra được một tờ giấy phép là cả một quá trình, nhưng đó mới chỉ là tiền kiểm, còn hậu kiểm mới quan trọng. Cho nên ở đây không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành, kể cả với cơ sở hoạt động đúng phép mà nếu có tai biến xảy ra thì vẫn phải làm đúng theo pháp luật.

Tai biến luôn xuất hiện nhưng vấn đề là ta xử lý thế nào để giảm các nguy cơ. Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phải đầy đủ; con người phải được đào tạo cẩn thận, đầy đủ bằng cấp… Trong trường hợp xảy ra tai biến, phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu để chuyển tình thế. Sinh nghề tử nghiệp, nếu xảy ra tai biến, sự cố thì phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Thứ hai, phải có những nghiên cứu xem có vấn đề gì về tâm lý hay không. Trong bất cứ trường hợp nào thì những hành động như vậy là không thể chấp nhận được và phải bị trừng trị nghiêm khắc về pháp luật.

* Từ vụ việc xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM có động thái gì trong việc rà soát các cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ?

- Điều này Ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM sẽ quyết định, nhưng không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. Từ trước đến nay, đối với lĩnh vực hoạt động giải phẫu thẩm mỹ, ở TP.HCM việc cấp phép rất chặt chẽ, bị người hành nghề than là hình như Sở làm khó.

Nhưng vì thị trường quá rộng lớn, số cơ sở quá nhiều nên Sở Y tế phải thực hiện cấp phép chặt chẽ. Tuy nhiên sau khi có giấy phép rồi, cơ sở có làm ẩu hay không thì phải qua công tác hậu kiểm mới biết được, mà lực lượng thanh tra y tế thì hiện quá mỏng.

Chỉ những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có chảy máu (tức có chức năng tiểu phẫu, phẫu thuật - NV) thì Sở mới cấp phép hoạt động, còn các cơ sở chăm sóc sức khỏe thì không cần giấy phép hoạt động. Nhưng không loại trừ các cơ sở này sẽ có biến tướng. Thanh tra bao nhiêu thì xử lý bấy nhiêu nhưng rất hạn chế, khó khăn. Sau vụ việc này, không riêng TP.HCM mà tất cả các tỉnh thành khác đều phải nhìn lại.

* 2013 là năm nổi lên rất nhiều vụ việc báo động về vấn đề y đức và đây chỉ là một trong số các vụ việc gây chấn động, bức xúc dư luận. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Các tai biến xảy ra luôn luôn có cả lỗi khách quan và chủ quan, vấn đề là sau khi để xảy ra thì khắc phục bằng cách nào. Qua những vụ việc như vậy, bản thân ngành y tế phải xem lại cơ chế của mình. Phải có cơ chế thế nào để ngành phát triển được, chứ nếu đầu tư không thỏa đáng trong khi nhu cầu xã hội ngày một tăng lên thì không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, họ bức xúc là đương nhiên.

Có những trường  hợp tai biến xảy ra do tay nghề bác sĩ còn yếu kém, vậy thì phải nhìn lại công tác đào tạo xem đã bảo đảm hay chưa, hay chỉ chạy theo số lượng? Y bác sĩ giỏi tập trung hết ở bệnh viện tuyến trên thì làm sao bệnh nhân nghèo ở địa phương được chữa bệnh tốt… Tất cả những sự cố trong thời gian qua là hậu quả của nhiều vấn đề chưa thỏa đáng trong nhiều năm tích lại, chứ không phải 2013 là một năm điển hình về vấn đề y đức của ngành y.

Ngành y có vô vàn những y, bác sĩ chân chính đang ngày đêm hết lòng vì bệnh nhân, nhưng không thể phủ nhận là có một bộ phận y bác sĩ sai phạm đã khiến người dân mất lòng tin vào y đức. Trong xã hội, người làm thầy giáo và thầy thuốc phải có tâm mới nên chọn nghề đó, không thì rất đáng buồn. Xã hội mà có nhiều tội ác do bác sĩ gây ra thì phải xem lại. Nhưng nói gì thì nói, lỗi trước tiên vẫn thuộc về ngành y tế. Ngành nào cũng cần đạo đức, nhưng nghề y phải đặt y đức lên hàng đầu.

Sự việc xảy ra quá khủng khiếp

Sự việc xảy ra là điều rất xấu đối với ngành. Là một người làm trong ngành y, tôi thấy rất đau xót. Sự việc xảy ra quá khủng khiếp.

Bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn thì còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp vì trong mọi trường hợp, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân và thay vì việc đưa ra ngoài, phải đưa người bệnh vào ngay bệnh viện, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm gần ngay Bệnh viện Bạch Mai.

Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết mọi vấn đề. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong rồi thì cũng phải làm theo đúng quy trình xử lý trong trường hợp này (Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội Nguyễn Phạm Ý Nhi) 

Bảo Cầm (ghi)

>> Bác sĩ thẩm mỹ gây chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng
>> Chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác nạn nhân giữa cầu Thanh Trì
>> Thẩm mỹ viện nghi làm chết người vứt xác xuống sông không có giấy phép hành nghề
>> Rúng động nghi án thẩm mỹ viện vứt xác nữ khách hàng xuống sông Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.